Không chỉ có chó được huấn luyện cho công tác cứu hộ và phục vụ quân đội, nhiều con vật khác cũng được “tuyển dụng” làm việc nghiêm chỉnh hẳn hoi, mà lắm khi sự nghiệp của chúng còn “oách” hơn cả nhiều người đấy.
1. Ong làm chuyên gia đánh hơi chất nổ
Không chỉ có chó mới phát hiện ra được chất cấm trong hành lý khi di chuyển bằng đường hàng không, côn trùng cũng có khứu giác nhạy không kém gì chó trong việc đánh hơi ra chất nổ.
Ong đánh hơi được chất nổ là do thành phần hóa học để chế tạo bom cũng có mùi giống như nước đường, khiến cho lũ ong “nhận diện” được nguồn mật đang ở gần và mở vòi hút của chúng ra. Những thiết bị đặc biệt sẽ nhận dạng hành vi này của ong và phát ra báo động. Không chỉ hiệu quả trong việc dò tìm, kích thước của ong còn giúp chúng có thể ẩn nấp và yên tâm “công tác” dễ dàng, không như những chú chó thường xuyên bị “treo thưởng” bởi những tên trùm đầu sỏ khủng bố và buôn ma túy.
2. Khỉ làm nhân viên ga tàu
James Wide – một nhân viên tín hiệu ga tàu ở Bắc Phi trong những năm 1800 gặp phải tai nạn nghiêm trọng khiến ông mất đi cả hai chân. Sau sự việc đau lòng này, chú khỉ Jack – bạn đồng hành của ông đã bất ngờ thay ông thực hiện nhiệm vụ.
Mỗi ngày, khỉ Jack sẽ đẩy xe lăn của Wide đến nơi làm việc và tự vận hành các công tắc tín hiệu đường ray. Jack còn được vào hẳn “biên chế” của hãng tàu hỏa sau khi vượt qua một loạt bài kiểm tra xem cậu có thể đảm đương nhiệm vụ quan trọng này hay không. Suốt 9 năm làm việc, Jack được trả công 20 xu một ngày và thêm nửa chai bia mỗi tuần nữa.
3. Chồn sương (Ferret) làm kỹ sư điện
Chồn sương nổi tiếng với tốc độ nhanh như tên bắn và luồn lách thần sầu của mình. Những kỹ năng này khiến nó được giao cho công việc mang dây điện đi qua các ống dẫn nhỏ mà con người không thể chui lọt. Những năm 1960, hãng máy bay Boeing còn tuyển các “nhân viên” chồn sương để vận chuyển cáp đi quanh máy bay khi đang chế tạo. Thậm chí mãi đến năm 1999 các “kỹ sư chồn” còn được nhờ cậy để giúp giải quyết những vấn đề về đường dây cáp trong một đêm hòa nhạc ở Anh.
Tuy nhiên sau đó các em chồn đã sớm “mất việc” do sự thích làm thì làm, thích ngủ thì ngủ luôn trong ống của mình.
4. Khỉ làm “bảo vệ” canh gác
Năm 2001 tại Ấn Độ, những con khỉ láu cá bắt đầu tung hoành khi ăn trộm vặt tại các công trình chính phủ và phá hoại những thiết bị đắt tiền. Nhưng khỉ lại là con vật linh thiêng trong tín ngưỡng của người Ấn khiến không ai dám động vào chúng. Vậy nên người Ấn Độ đã nghĩ ra cách “thuê” các tay vệ sĩ khỉ to con hơn để canh gác cho tài sản của họ. Bộ phận vệ sĩ kỳ cục này được trả lương bằng chuối, và rõ ràng là có hiệu quả khi chúng xua đuổi hết mọi ông khỉ trẻ trâu lảng vảng vào đó để trộm vặt.
5. Chuột làm “lính dò mìn”
Những vùng chiến sự đôi khi có thể bị lấp đầy bởi mìn và vẫn còn nhiều tàn dư sau khi chiến tranh qua đi. Tuy nhiên mìn thường được che giấu kỹ đến mức con người khó mà nhận ra trước khi giẫm phải. Và đó là khi đội lính dò mìn “tinh nhuệ” của châu Phi vào cuộc. Những chú chuột này được huấn luyện có khứu giác siêu nhạy cho phép xác định vị trí của mìn dưới cả tấc đất, mà kích thước lẫn trọng lượng bé tí sẽ không làm mìn phát nổ. Mỗi anh “lính chuột” có thể quét sạch mìn trên địa bàn gần 200 mét vuông trong suốt 20 phút. Nhanh hơn nhiều so với một người phải mất 4 ngày để làm công việc giống y như thế.
6. Cừu làm “tá điền” trồng nho
Nhiều ruộng nho trên thế giới bắt đầu tìm cách trồng trọt và chăm sóc cây mà không phải dùng thuốc hóa học do thị hiếu sử dụng thực phẩm hữu cơ của thị trường. Do đó ở New Zealand, các chủ đồn điền nho đã nghĩ ra cách sử dụng các “tá điền” cừu non để “tỉa lá” cây nho, giúp cho cây nho phát triển tốt và khỏe mạnh hơn. Cừu non có kích thước nhỏ và nhẹ nên không với tới quả nho trên giàn cao, cũng không nặng đến mức giẫm nát gốc nho lẫn đất mùn. Mà tỉa xong lá các cháu cừu này lại còn “khuyến mãi” phân bón hữu cơ tươi rói nữa chứ.
7. Mèo làm “Bộ trưởng Bộ Bắt Chuột” ở văn phòng chính phủ Anh
Từ năm 2011, mèo Larry đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi nhậm chức. Sau khi được nhận nuôi từ một trại cứu hộ, Larry được “tuyển thẳng” vào văn phòng phó thủ tướng Anh để giúp nơi này thoát khỏi nạn chuột cắn phá tài liệu. Theo website của văn phòng chính phủ này, Larry “dành cả ngày để tiếp khách, đánh hơi khách đến vì lý do an ninh và kiểm tra các nội thất cổ trong đó có đạt chuẩn ngủ-ngon hay không. Trách nhiệm của anh chàng bao gồm cả đưa ra quyết sách giải pháp cho sự có-chuột trong ngôi nhà đó.”
Và khác với những “tiền bối” trước đó, Larry được xem là nhân viên chính thức, không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân nào nên Tổng thống hay phó tổng thống cứ đến và đi sau mỗi nhiệm kỳ, Larry thì không đâu nhé.
8. Khỉ làm nông dân hái dừa
Hái dừa là công việc cần nhân lực nhiều và vô cùng nguy hiểm nếu được thực hiện bởi con người. Do đó nhiều quốc gia tại châu Á đã tìm ra cách huấn luyện khỉ để hái dừa. Được trổ tài đúng chuyên môn sở trường, các nông dân khỉ hái dừa an toàn và hái được nhiều dừa hơn gấp 20 lần số dừa một người có thể hái trong cùng thời gian. Khỉ hái dừa được chăm sóc và nuôi như thú cưng trong nhà bởi các gia đình “chủ sở hữu lao động”.
9. Cá heo làm sĩ quan hải quân tinh nhuệ
Hải quân của Mỹ đã huấn luyện thành công nhiều chú cá heo để thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau ở nhiều vị trí khác nhau khi tác chiến dưới nước. Có khoảng 85 chú cá heo, được đào tạo với chi phí 14 triệu USD mỗi năm, có nhiệm vụ dò tìm, canh gác và phát hiện những kẻ lạ cố bơi vào khu vực kho để trộm vũ khí đạn dược. Thậm chí nhiều “sĩ quan cá” thông minh còn có thể đảm nhận nhiệm vụ do thám và dò thủy lôi được cài dưới nước.
Thế đấy, lắm lúc động vật khi đủ giỏi còn có thể được nhận việc làm “oách” hơn cả nhiều người. Ai bảo động vật là vô tri và ngu ngốc nào? Rõ ràng trong những nhiệm vụ đặc thù như thế, các em thú còn tỏ ra vượt trội hơn khi hoàn thành trách nhiệm tốt và hiệu quả hơn người làm gấp nhiều lần.
À ừ thì trừ mấy em chồn sương…
Theo Docxem