Mang thai đôi nhưng chị Thúy chỉ tăng 17kg. Hai bé chào đời nặng lần lượt 3,3 và 3,4kg, không hề kém hơn những bé thai đơn.
Chị Vũ Diệu Thúy (hiện đang sống tại Hà Nội) là mẹ của một bé gái 5 tuổi có tên thường gọi là bé Bông và hai bé trai sinh đôi Patek – Phillipe (Phạm Khôi Nguyên – Phạm Gia Khang, hơn 1 tháng tuổi) vì quá “hãi hùng” từ việc tăng cân mất kiểm soát ở lần mang thai trước, nên tới lần mang thai thứ 2 chị quyết tìm ra cho mình thực đơn ăn uống khoa học hơn.
Từ những kinh nghiệm nuôi con đầu lòng và chắt lọc thêm từ các trên mạng, đặc biệt là tư vấn của bác sĩ sản khoa chị Diệu Thúy đã tìm ra cho mình chế độ ăn riêng giúp tăng cân cho thai nhi mà không tăng cân vào mẹ.
Theo chị Thúy chế độ ăn này nhằm mục đích giúp dinh dưỡng được hấp thu trọn vẹn vào cơ thể mẹ; giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho con. Ngoài ra, với cách ăn uống trên, chất dinh dưỡng không bị tích nhiều vào mẹ, không khiến mẹ bị thừa cân gây khó khăn quá trình mang bầu và dễ hình thành các bệnh lý thai kì như tiểu đường thai kì,…vv
Chế độ ăn uống giúp vào con không vào mẹ
Bằng kinh nghiệm của mình chị Thúy ăn theo chế độ như sau:
3 tháng đầu:
Ăn uống bình thường, chỉ bổ sung axit folic, canxi, các loại vitamin A, C D… bằng cách uống vitamin tổng hợp.
3 tháng giữa:
Lúc này thai nhi bắt đầu phát triển nên mẹ phải ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng để có chất cho con.
Trong giai đoạn này chị vẫn tiếp tục bổ xung vitamin tổng hợp, sắt, canxi và thêm DHA. Những ai uống canxi hoặc sắt bị táo có thể uống sắt dạng siro.
Theo kinh nghiệm của bà mẹ ba con, một ngày ăn từ 5-6 bữa, không bỏ ăn sáng vì bỏ ăn sáng rất dễ gây đói ăn nhiều vào buổi trưa và tối, lại rất hại, không tốt cho mẹ và bé.
Ngoài ra, cần ăn nhiều trái cây, hạn chế tinh bột; Ăn đầy đủ các chất đạm, chất xơ, chất béo. (Nên ăn cá, tôm đồng, cá hồi, cá tầm, trứng luộc, chim câu, lườn gà, rau xanh ăn tăng gấp 2-3 lần…)
3 tháng cuối:
Đây là lúc thai nhi phát triển cân nặng nhanh nhất, nên mẹ cần vừa ăn uống, vừa lắng nghe cơ thể và đi siêu âm thăm khám thường xuyên để điều chỉnh cân nặng cho cả mẹ và bé sao cho phù hợp.
Những lưu ý khi thực hiện chế độ ăn vào con không vào mẹ
Ngoài nhưng thông tin trên trong quá trình ăn chị Thúy đã rút ra một số lưu ý mà cá nhân chị đã áp dụng thấy đúng là có hiệu quả thật như:
Ăn khoai lang vào giữa và cuối thai kì
Muốn con tăng cân nhiều mà không vào mẹ, chị ăn 1 -2 củ khoai lang vào buổi trưa. Khoai lang nhỏ nhưng có võ. Vừa giúp bé tăng cân, tăng đề kháng, ngừa táo bón, tiểu đường lại tốt cho trí não thai nhi.
Nói không với sữa bà bầu
Chỉ uống sữa tươi không đường, nói không với sữa bà bầu vì chỉ béo mẹ không vào được bé bao nhiêu. Với Diệu Thuý, chị chọn uống sữa tươi thanh trùng vì hạn ngắn và không có chất bảo quản. Nên mua loại túi giấy 450ml vừa lượng uống, không ít quá, không nhiều quá tránh để lâu hỏng sữa. Uống đến đâu mua đến đó.
Không lạm dụng nước dừa và nước mía
Theo chị, uống nước dừa, nước mía quá nhiều có thể khiến mẹ tăng cân mất kiểm soát, làm tích nước và dễ gây tiểu đường thai kì.
Riêng mẹ nào thiếu cân hay bé quá nhẹ cân thì có thể uống nước mía, mẹ nào cạn ối thì uống thêm nước dừa cho trong ối. Nhưng chỉ nên tuần 1-2 trái, không nên ngày nào cũng uống 1 trái cho con trắng trẻo như lời đồn.
Thay vì uống các loại nước nhiều đường, mẹ bầu có thể tự làm hoặc mua các loại sữa từ hạt. Các loại sữa hạt được ưu tiên gồm có: Sữa đậu nành, nước óc chó hạnh nhân, nước mè đen… vừa nhiều chất dinh dưỡng, nhiều omega 3 dành cho các bé mà không làm tăng cân, uống thay cho sữa bầu rất hiệu quả.
Uống đủ nước (2- 2,5l nước mỗi ngày)
Để tăng cân lành mạnh trong thai kì, mẹ nên uống đủ 8 ly nước 1 ngày, uống nước ấm, không uống nước lạnh. Ngoài ra nên bổ sung thêm các loại nước ép như nước cam, nước ép bưởi, sinh tố bơ…vv
Ăn nhiều trái cây, rau củ luộc
Ngoài 3 bữa chính trong ngày, các mẹ lúc nào cũng phải có trái cây, rau củ làm bữa phụ để ăn chống đói. Nếu ngại ăn có thể ép lấy nước nhưng nên ăn thì tốt hơn vì như vậy có thể giữ lại được chất xơ lại không bị tích đường như nước ép.
Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng
Không những phải tuân theo chế độ ăn khoa học, theo chị Thúy, các mẹ bầu dù mệt mỏi cũng không nên nằm ì một chỗ, thay vào đó nên hoạt động nhẹ nhàng, vừa khoẻ mẹ vừa khoẻ bé. Các mẹ có thể chọn một số môn thể thao nhẹ nhàng như : Yoga cho bà bầu, đi bộ, bơi lội…
Kết quả bất ngờ sau thai kì của mẹ bầu sinh đôi
Nhắc tới 1 chế độ ăn khoa học, nhiều mẹ sẽ nghĩ ngay tới sự phức tạp, khó khăn rồi dùng những lý lẽ như “tôi quá bận”, “không có thời gian”… để bào chữa. Thế nhưng, theo chủ nhân của bài chia sẻ, chị cho hay bản thân không thấy có khó khăn gì trong việc thực hiện cách ăn này, vì nó rất khoa học.
“Việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng khiến cả thai kì bầu 2 bé sinh đôi nhưng em rất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, có bị nghén chút xíu rồi nhanh chóng trở lại bình thường. Duy chỉ có điều là việc bầu sinh đôi khiến em nhanh đói hơn bình thường nên càng phải cân đối lượng thức ăn đưa vào sao cho phù hợp, tránh ăn quá nhiều”, chị Thúy chia sẻ. Đặc biệt, với chế độ ăn uống này, chị hoàn toàn có thể theo dõi được tình hình cân nặng của bé theo đúng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp. Tránh tăng cân mất kiểm soát gây béo phì, rạn da …
Kết quả chứng minh bằng cân nặng của con và thân hình “chuẩn đét” của mẹ trong thời gian mang bầu. Nhìn những hình ảnh lúc bầu bì và ảnh hai con của chị Thúy sau sinh, nhiều bà mẹ không khỏi tấm tắc: “Mang bầu thôi, có cần đẹp đến như vậy không?”.
Theo đó, mặc dù đẻ sinh đôi nhưng đến tận khi sinh, chị chỉ tăng lên 17kg so với cân nặng lúc chưa mang bầu. Trong khi đó, sinh hai bé ra, một bé được gần 3,4kg, bé còn lại đạt 3,3kg, chưa tính bánh rau, nước ối,…
Theo chị Thúy, mỗi người mẹ lại có cơ địa riêng nên các mẹ hãy tự lắng nghe cơ thể mình để quyết định chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp nhất.
Bầu sinh đôi bụng to vượt mặt nhưng nhờ có chế độ ăn uống kết hợp luyện tập nên dù ở những tháng cuối thai kì chị vẫn đi lại “phăm phăm”, làm đến tận ngày đẻ. Đến khi sinh mổ, dù sinh lần 2 rất đau, lại đẻ sinh đôi nhưng cơ thể chị bình phục rất nhanh. Sau sinh 8h đã tự ngồi dậy cho con bú và sau 20h đã tự cầm chai nước truyền tự đi WC, điều vô cùng hiếm ở các mẹ sinh mổ.
Cuối cùng, bằng kinh nghiệm của mình chị chia sẻ thêm, để có một chế độ ăn đúng, phù hợp với mẹ và bé, các mẹ nên tìm hiểu kĩ các thông tin, chắt lọc cho phù hợp với bản thân. “Lắng nghe cơ thể mình, chăm chỉ theo dõi thai kì định kì với bác sĩ để có kết quả tốt nhất cho mẹ và bé”, chị nói.
Theo tinphunu