Chẳng bà mẹ nào quên cho con ăn nhưng nhiều người lại quên rằng “não trẻ cũng cần ăn”.
Quan niệm truyền thống của nhiều cha mẹ Việt thường cho rằng, học tập là rất căng thẳng, mệt mỏi, phải rất tập trung, phải ngồi trên lớp nghe giảng, dạy và học phải có hệ thống. Cho nên trước khi bước vào lớp một, cha mẹ chỉ cần cho trẻ ăn no, ngủ đủ, khỏe mạnh là được. Tuy nhiên thực tế, não bộ trẻ lại có bước phát triển vượt bậc và hoàn thiện phần lớn trong giai đoạn từ 0-3 tuổi. Chính vì vậy, nếu bỏ qua giai đoạn vàng này, cũng tức là mẹ đã bỏ qua cơ hội để con được phát triển một cách tốt nhất.
Ông Lawrence Lee – đại diện Viện Nghiên cứu phát triển tiềm năng con người (IAHP Singapore) đã chỉ ra những sai lầm của cha mẹ nói chung và cha mẹ Việt nói riêng khiến trẻ không được tạo điều kiện để phát huy hết tiềm năng não bộ của mình.
Quấn chặt con khi mới chào đời
Khi mới sinh ra, hầu như tất cả mẹ Việt đều có thói quen quấn trẻ thật chặt trong những chiếc khăn xô to, bó buộc con nằm ngửa một chỗ vì nghĩ rằng như vậy an toàn cho trẻ. Lớn hơn một chút, ở giai đoạn 6 tháng, lúc trẻ đang tò mò và khao khát được đi, cha mẹ lại để con con xe đẩy mà đẩy. “Chúng ta không thích bị cuốn chặt, không thích phải ngồi “xe lăn”, vậy cớ sao lại cuốn chặt con, lại cho con ngồi trên xe đẩy”, ông Lawrence Lee đặt câu hỏi. Theo ông, trẻ nhỏ ngay từ khi sinh ra đã biết bò, đã muốn đi. Vậy nhưng cha mẹ lại không tạo điều kiện cho con được phát huy khả năng đó của mình.
“Nếu cha mẹ đừng quấn con thật chặt rồi để con nằm ngửa mà để thả lỏng người, cho bé sơ sinh được nằm sấp, cha mẹ sẽ thấy tay chân con vận động vô cùng linh hoạt, con sẽ nhanh biết lẫy, biết bò hơn rất nhiều.
Trẻ sơ sinh rất thích được di chuyển, được vận động. Một ví dụ đơn giản: khi trẻ khóc, chúng ta ngay lập tức đến bế con lên, đứa trẻ vẫn khóc. Vậy nhưng chỉ cần chúng ta vừa bế con vừa di chuyển, trẻ sẽ ngay lập tức nín lại. Lý do vì sao? Vì khi đã biết nhìn, đứa trẻ sẽ muốn được di chuyển, được khám phá. Tiếng khóc của con, trong nhiều trường hợp, chính là vì muốn nói với cha mẹ rằng con thích được vận động, được di chuyển chứ không phải là nằm ngửa một chỗ”.
Luôn dỗ “con đừng khóc” và tìm mọi cách để đứa trẻ thôi không khóc
Một phản xạ thông thường của tất cả cha mẹ khi thấy con khóc, đó là ngay lập tức dỗ con, nói với con “đừng khóc nữa” và làm mọi cách để đứa trẻ thôi khóc. Tuy nhiên chúng ta không biết rằng, trẻ sơ sinh khóc cũng có nghĩa là đang nói. Việc bảo con “đừng khóc”, có khác nào bảo con “đừng nói”?
“Tôi đã từng biết rất nhiều cha mẹ, họ thấy con mình 9 tháng chưa nói họ bảo bình thường, 1 tuổi chưa nói họ bảo một ngày nào đó con sẽ nói thôi…nhưng rối cuối cùng, đến 2 tuổi, 3 tuổi con họ vẫn chưa nói. Và họ tìm đến tôi để thắc mắc”. Việc cấm con khóc khi nhỏ, cũng là một phần lý do khiến trẻ chậm nói khi lớn.
Cố dạy con trước lớp 1
Nhiều cha mẹ muốn theo đuổi giáo dục sớm có một nỗi lo sợ mang tên “Nếu con mình thông minh quá thì sao?”. Trẻ thông minh quá, biết trước mọi thứ liệu có dẫn đến tình trạng chán nản khi bắt đầu vào lớp 1 và khả năng lơ là việc học sau đó?
“Lời khuyên của tôi, đó là cha mẹ đừng dạy cho con những gì nhà trường dạy. Giáo dục sớm là dạy cho con những kỹ năng, giúp cho con có trí nhớ tốt hơn, não bộ tốt hơn để khi con đến tuổi đi học sẽ tiếp thu và học nhanh hơn – chứ không phải là học trước những gì sẽ được dạy khi đến trường.”
Bắt con làm bài kiểm tra
Việc kiểm tra, đối với học sinh lớn và người lớn, là nhằm mục đích phân loại. Tuy nhiên với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ tuyệt đối dạy con nhưng không bao giờ được “kiểm tra” con. Việc “phân loại” một đứa trẻ, ví dụ cho rằng con được hạng B – sẽ khiến đứa trẻ nghĩ rằng chúng mãi mãi chỉ là “hạng B” và không còn nhu cầu cố gắng, không còn muốn tiếp tục học nữa.
Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ
Trước khi 5 tuổi, một đứa trẻ có thể dễ dàng hấp thụ một lượng lớn thông tin. Nếu đứa trẻ nhỏ hơn 4 tuổi, việc này sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, trước khi trẻ lên 3, thậm chí còn dễ dàng hơn và hiệu quả hơn nhiều, và trước khi trẻ lên 2 thì việc hấp thụ thông tin dễ nhất và hiệu quả hơn cả.
“Không một bà mẹ nào quên cho con ăn mỗi ngày, vậy nhưng sao chúng ta lại quên dạy con, quên rằng não của trẻ cũng cần được “ăn”?”, ông Lawrence Lee kết luận.