Chỉ bước vào khoa Phục hồi chức năng BV Bạch Mai bạn mới có thể biết là có nhiều bệnh nhân mắc “bệnh lạ” khiến họ phải đóng bỉm trong nhiều năm hay đặt ống thông tiểu ở bụng…
Những ca “bệnh lạ” được hồi sinh
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Bắc Ninh là trường hợp điển hình cho sự thống khổ khi mắc phải căn bệnh oái oăm. Bệnh nhân này bị rò lỗ niệu đạo phụ, từ lúc sinh ra đến khi lấy chồng, sinh con lúc nào cũng bị rỉ tiểu mà bác sĩ không phát hiện được nguyên nhân.
Thành ra, chị phải sống chung với tình trạng dở khóc dở cười này, mãi đến những năm gần đây có điều kiện dùng bỉm thì đỡ hơn nhưng chị phải sống chung với việc phải đóng bỉm thường xuyên. Rất may chị Nguyệt cũng đã xây dựng được gia đình, chồng chị cũng rất thông cảm với căn bệnh oái oăm của vợ nhưng sự khổ sở khi phải mang “bệnh lạ” thì không ai chia sẻ được.
Khi đến với Đơn vị niệu động học và phục hồi chức năng tiết niệu – sinh dục thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phát hiện ra lỗ niệu đạo phụ bị rò và tiến hành bịt lại. Sau 36 năm, chị Nguyệt đã không còn phải đeo bỉm nữa và trở lại cuộc sống như 1 người bình thường.
Gọi điện cho TS. BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm và là người trực tiếp điều trị cho mình, chị Nguyệt nói: “Anh đã làm thay đổi cuộc đời của em và của cả chồng em nữa“.
Một trường hợp khác là cháu N.T.H 7 tuổi ở Nam Định. Khi đến khám chữa tại đây, cháu đang phải đặt 1 ống thông tiểu trên xương mu. Nếu cứ để như vậy lâu dài, chức năng bàng quang sẽ thay đổi, lúc đó có muốn rút ra cũng không được nữa. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến cả việc xây dựng gia đình của cháu.
Qua thăm khám và đánh giá, BS Vũ quyết định áp dụng các biện pháp mới để có thể rút ống thông tiểu trên xương mu của cháu. Sau vài năm quay lại để kiểm tra, cháu bé đã lớn phổng phao sắp thành thiếu nữ, bác sĩ đánh giá niệu động học rất an toàn cho bệnh nhân. Biện pháp kịp thời này là một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời của bệnh nhân.
Nỗi trăn trở của người thầy thuốc nhiều tâm huyết
BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng cho biết, không phải bệnh nhân nào cũng có may mắn được tìm ra và điều trị đúng bệnh.
Trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, anh vẫn áy náy một trường hợp của 1 cô bé 12 tuổi ở Thái Nguyên bị rỉ tiểu qua 1 cái lỗ nhỏ như cái kim ở niệu đạo, cứ bỏ bỉm là nước tiểu lại đùn lên. Đứng gần bệnh nhân này là thấy có mùi như nhà vệ sinh. Tuy nhiên, cháu còn bé và vô tư nên chưa nhận thức được tình trạng bệnh của mình.
Khi người nhà đưa cháu đến Trung tâm, BS Vũ đã hết lòng động viên gia đình để cháu lại điều trị vì anh biết, với tình trạng bệnh như vậy cháu bé sẽ phải đối diện rất nhiều điều bất tiện, điều đó có thể hủy hoại cả tương lau của cháu. Tuy nhiên, do gia đình không có điều kiện nên đã xin đưa cháu về. Đến tận bây giờ BS Vũ còn cảm thấy day dứt vì không làm được gì cho cháu bé.
BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng: Có những bệnh nhân trước khi đến với chúng tôi đã tuyệt vọng không còn muốn sống, nhưng chúng tôi đã giúp họ muốn sống – là vì chúng tôi đã trả lại những giá trị sống cho họ. Chính điều này đã hấp dẫn tôi, khiến cho tôi có tâm huyết để làm việc. Nghề của tôi có thể không đem lại nhiều tiền nhưng đem lại những giá trị nhân văn.
Rồi còn nhiều trường hợp khác vì không biết phải điều trị ở đâu nên đã để xảy ra những biến chứng đáng tiếc. Như trường hợp 1 cháu bé 9 tuổi đã bị suy thận ở Hải Phòng, khi gia đình đưa đến trung tâm cháu đã bị suy thận do bệnh kéo dài mà không được điều trị đúng nguyên nhân dẫn đến hậu quả xấu nhất. Trường hợp này ngay cả các bác sĩ ở Trung tâm cũng phải lắc đầu.
Là người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh oái oăm này, BS Vũ thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân và mong muốn của họ. Anh tâm sự, có bệnh nhân đã từng chia sẻ với anh: “Tôi không cần chức tước, không cần nhiều tiền bởi một ngày tôi đi đái 30 lần, 1 đêm tôi đi đái hơn 10 lần. Tôi sống mà như không sống“.
Anh hiểu đó là những tâm sự rất thật của bệnh nhân vì mắc những căn bệnh này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống quá ghê gớm. Tuy nhiên, những trường hợp này nếu phát hiện và điều trị sớm thì đều có thể cải thiện mà không quá tốn kém, phức tạp. Đáng tiếc đây lại là 1 chuyên ngành lẻ nên những bệnh nhân đến với trung tâm hầu hết là đã qua vài bác sĩ khám và điều trị.
Hơn nữa, bệnh này rất hay chẩn đoán nhầm với tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu nên rất nhiều trường hợp không được điều trị đúng và dứt điểm.
BS Vũ cho biết: “Ở đây, chúng tôi không mong làm nên những công trình khoa học to tát mà chỉ đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân để lắng nghe những nhu cầu thiết thực nhất của họ.
Ví dụ có những bệnh nhân nhiều năm không dám đi du lịch vì tiểu không tự chủ không ngồi được xe đi đường dài thì chúng tôi giải quyết vấn đề để giúp bệnh nhân có thể đi du lịch. Hay có những bệnh nhân phải đặt ống thông tiểu giờ có thể bỏ ống thông để mặc quần áo đẹp, có bệnh nhân phải đóng bỉm giờ có thể bỏ bỉm…
Những điều này tuy nhỏ nhưng đứng ở góc độ chất lượng sống của con người thì đây là cuộc cách mạng lớn.
Có những bệnh nhân trước khi đến với chúng tôi đã tuyệt vọng không còn muốn sống, nhưng chúng tôi đã giúp họ muốn sống – là vì chúng tôi đã trả lại những giá trị sống cho họ. Chính điều này đã hấp dẫn tôi, khiến cho tôi có tâm huyết để làm việc. Nghề của tôi có thể không đem lại nhiều tiền nhưng đem lại những giá trị nhân văn“.