Chuẩn bị đồ đi sinh nên chuẩn bị những món nào không chỉ là mối bận tâm của mẹ bầu mà cả những anh chồng cũng thường thắc mắc. Để cuộc sinh nở được diễn ra thuận lợi, khi soạn giỏ đồ đi sinh, ba mẹ không được bỏ qua những vật này.
Thông thường, việc chuẩn bị đồ để đến bệnh viện sinh con cần được hoàn thiện ở tháng thứ 8 hoặc sớm hơn bởi thời điểm này, mẹ có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Việc chuẩn bị đầy đủ những món đồ con và mẹ cần dùng khi đi sinh sẽ giúp cho quá trình sinh nở của mẹ được diễn ra suôn sẻ.
Sổ khám thai và các giấy tờ tùy thân
Sau mỗi lần khám thai, mẹ bầu cần lưu lại các phiếu khám thai, hình ảnh siêu âm và sắp xếp theo thứ tự từng tuần để dễ theo dõi. Thông thường, khi có kế hoạch sinh con tại bệnh viện nào, ít nhất chị em sẽ thăm khám tại bệnh viện đó trong 4-8 tuần gần nhất trước sinh để bác sĩ chuyên khoa theo dõi thai kì đồng thời tiến hành làm hồ sơ sinh.
Hồ sơ sinh thường được làm ở tuần 32-36 của thai kì, bao gồm các kết quả xét nghiệm tổng quát về máu, nước tiểu của mẹ bầu, tiền sử bệnh tật cũng như các vấn đề xảy ra trong lần sinh trước. Bạn cần lưu ý ghi nhớ số hồ sơ sinh hoặc mã số bệnh nhân để nhân viên y tế dễ dàng tra cứu khi bạn nhập viện cấp cứu đi sinh.
Các giấy tờ tùy thân khác bao gồm: chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện (nếu sinh khác bệnh viện ghi trong thẻ bảo hiểm y tế). Các giấy tờ này gia đình cần photocopy trước tại nhà mỗi loại 2 bản để nộp lại cho bệnh viện khi làm thủ tục nhập viện và thanh toán viện phí. Riêng giấy tờ tùy thân, mẹ bầu cần để cất riêng một ngăn hoặc dặn người nhà cầm hộ, tránh rơi mất khi đi lại trong bệnh viện.
Chuẩn bị đồ cho con
– Áo sơ sinh (3 tay ngắn, 3 tay dài): Khi mới chào đời, em bé sẽ được mặc đồ của bệnh viện rồi sau đó sẽ mặc đồ người nhà mang đến. Các mẹ nên chọn áo làm bằng cotton mềm thấm hút mồ hôi. Áo nên chọn loại cài một bên giúp dễ dàng thay đổi. Nếu các mẹ sinh vào thời tiết lạnh thì nên chuẩn bị thêm áo gi-lê mặc ngoài cho bé.
– Quần sơ sinh. Các bé hầu như không cần quần mà chủ yếu dùng tã, bỉm.
– Bao tay, bao chân (5 – 10 đôi): Giúp giữ ấm cho bé, tránh cho bé không cào tay vào mặt. Nên mua loại có dây buộc, không nên mua loại có chun có thể gây hằn lên tay chân bé, mà cũng dễ bị hỏng hơn.
– Tã lót: Các mẹ cần chuẩn bị trước các loại tã sau: tã xô, tã giấy và tã chéo. Nên chọn tã chéo to để quấn kín cả chân và đùi bé với số lượng 10 chiếc. Chuẩn bị 10 chiếc tã xô, dùng để đóng bỉm cho bé hoặc lau chùi, vệ sinh nhẹ nhàng. Các mẹ cũng có thể dùng tã giấy loại dành cho trẻ sơ sinh (loại newborn), sử dụng cùng với dạng quần đóng tã, rất tiện lợi và chỉ cần mang theo khoảng 1 túi loại này là đủ.
– Mũ cho trẻ sơ sinh, mũ thóp (3 cái): Các mẹ nên chọn loại có chất vải cotton, chất liệu mềm mại, thông thoáng.
– Khăn lớn (2 cái): Các mẹ cần chuẩn bị khăn mềm cỡ lớn để quấn người, lau khô người cho bé sau khi tắm.
– Khăn sữa (20 cái): Chuẩn bị khăn sữa mềm (dùng khi cho bú hoặc tắm rửa, vệ sinh cho bé) với số lượng 20 cái loại nhỏ và 5 cái loại to. Cần chú ý làn da bé rất mềm và nhạy cảm, vì vậy các mẹ nên chọn loại khăn mềm mại để không gây đau bé.
– Bình sữa (1 cái, loại 120ml là đủ dùng), dụng cụ cọ bình sữa (phòng khi mẹ chưa thể cho bé bú trực tiếp).
– Sữa bột dạng thanh hoặc dạng hộp cho bé, loại nhỏ. Không nên mua sữa hộp loại to vì có thể về sau bé sẽ bú mẹ hoàn toàn.
– Lót bông chống thấm (5 cái). Các mẹ nên chuẩn bị miếng lót mông cho bé khi nằm (loại có 1 mặt là cotton hoặc vải xô, mặt còn lại là lớp nilon chống thấm, có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Đối với miếng lót này, nên chuẩn bị 5 tấm lót vuông loại nhỏ và 2 tấm chữ nhật loại to.
– Nước muối sinh lý. Dùng để vệ sinh cho bé. Cái này ở bệnh viện rất dễ mua, mẹ có thể không cần mang cũng được.
– Chậu nhựa nhỏ (2 cái màu khác nhau). Dùng để vệ sinh cho bé, một cái dùng để vệ sinh mặt mũi, một cái để rửa mông cho bé sau khi bé đi vệ sinh. Hai chậu này mẹ cho vào túi nilong xách đi cho tiện.
– Gạc, tưa lưỡi: Gạc dùng để vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Tưa lưỡi để vệ sinh miệng cho bé, cần chuẩn bị khoảng 10 hộp loại tưa lưỡi và 5 hộp gạc sạch, thay hàng ngày cho bé.
– Chăn cho bé (2 cái): Dùng để quấn bé, giúp bé đỡ giật mình và có được cảm giác như vẫn đang ở trong lòng mẹ.
Chuẩn bị đồ cho mẹ
– Quần áo dài tay mặc khi ra viện: 1 bộ – tốt nhất nên chọn loại rộng, thoáng mát, thiết kế thuận tiện khi cho con bú.
– Bỉm người lớn: 3-4 miếng.
– Quần lót dùng một lần: 1 gói 5 chiếc.
– Mũ đội đầu, khăn quàng 1 chiếc.
– Tất chân: 1 đôi
– Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải răng, nước súc miệng, dầu gội khô.
– Các loại trang sức đắt tiền, điện thoại: Sản phụ nên đưa lại cho người thân cất giữ hoặc để ở nhà không nên mang vào bệnh viện.
Một số điều các mẹ bầu cần lưu ý
Có một lưu ý nho nhỏ dành cho các mẹ là nên tìm hiểu về bệnh viện nơi mình chuẩn bị sinh bé trước khi chuẩn bị đồ đi sinh vì có một số bệnh viện hiện đại hỗ trợ rất nhiều thứ cho sản phụ, do đó bạn nên hỏi để tránh tốn chi phí mua và không cần dùng đến nhé.
– Tùy theo tình hình thời tiết khi đi sinh, chị em có thể sắp xếp thêm hoặc thay đổi chủng loại quần áo, đồ dùng cho mẹ và bé phù hợp (đồ dày – mỏng, quần áo dài tay – cộc tay).
– Tìm hiểu trước các dịch vụ cung cấp tại bệnh viện để tránh mang theo lỉnh kỉnh đồ dùng vật dụng khi vào viện: phích nước nóng, thuê giường nằm cho người thân sản phụ, giặt ủi lấy ngay…
– Tất cả vật dụng khi đi đẻ cần mang theo những gì đã được giải đáp trên đây, cần sắp xếp theo thứ tự, phân loại theo ngăn hoặc túi riêng. Chị em có thể dán nhãn các loại đồ đã có bên ngoài túi để người nhà biết. Chỉ nên mang 1-2 túi đồ khi đi sinh. Nếu nhà gần bệnh viện bạn có thể mang thêm đồ dùng vào sau.
– Các loại quần áo cho mẹ và bé cần được giặt khô sạch sẽ khi mới mua.
Để quá trình sinh nở suôn sẻ và tốt nhất, mẹ nhớ lưu ngay vào cẩm nang làm mẹ danh sách những món đồ cần chuẩn bị trước khi đi đẻ trên đây nhé. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần chuẩn bị tâm lý thoải mất nhất để sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” sắp đến, chào đón thiên thần của mình ra đời.
Theo bestie