Nồng độ muối cũng như nhiều nguyên tố hóa học khác được giữ ở mức tương đối cân bằng nhờ vào hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tiết niệu và tiêu hóa. Vì thế, nếu trẻ bị thiếu muối ít, cơ thể sẽ tự thích ứng bằng cách làm giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi. Cơ thể cũng sẽ có cảm giác thèm ăn mặn hơn nên sẽ sớm có được lượng muối cần thiết trong cơ thể. Chức năng thận của trẻ 7 tháng tuổi rất non nớt và việc nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.
Thêm nêm muối/mắm khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn. Hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai. Natri và Clo, thành phần chủ yếu của muối, là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Điều này có nghĩa rằng dù là bé mới sinh hay đã lớn đều cần muối.
Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà trẻ cần lượng muối khác nhau. Cụ thể con bạn 7 tháng tuổi nhu cầu muối khoảng 1g.Trong khi đó, ở các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi đều có 1 lượng muối nhất định. Với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối trong các thực phẩm này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu muối của cơ thể trẻ. Còn với các thực phẩm chế biễn sẵn dành cho bé tuổi ăn dặm, bạn nên xem kỹ thành phần muối ghi trên nhãn hàng. Với các công ty lớn và các nhãn hàng có uy tín, hàm lượng muối trong các loại bột ngũ cốc ăn dặm thường được tính toán phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Cách nêm hợp lý
– Trẻ ăn dặm từ 6 tháng đến 7 tháng tuổi: Không nên nêm nếm bất kỳ một loại muối hay gia vị nào khác vào thức ăn của trẻ. Bởi trong các loại thực phẩm như rau củ, thịt, cá… cũng có chứa một lượng muối nhất định. Lượng muối này phù hợp với khả năng hấp thụ và tiêu hóa của cơ thể trẻ trong giai đoạn đầu tập ăn dặm. Trong thời gian này, nếu cơ thể trẻ thiếu muối chúng sẽ tự thích ứng bằng cách giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi, sau đó bổ sung cân bằng muối vào cơ thể thông qua thực phẩm.
– Trẻ từ 8 tháng đến 1 tuổi: Giai đoạn này mẹ có thể nêm gia vị một chút vào đồ ăn của trẻ như bột gạo hay cháo xay. Nhưng mẹ nên nhớ chỉ nêm 1 chút khoảng 0,5 đến 1 g muối mỗi ngày thôi nhé. Trong trường hợp trẻ ăn bột ăn dặm của các nhãn hàng uy tín hay cháo đóng hộp thì không nêm thêm bất cứ gia vị nào. Bởi các công ty đã tính toán lượng muối thích hợp trong thực phẩm rồi nhé. Mẹ cũng lưu ý, nếu nêm muối cho trẻ thì cần nêm trước khi cho rau và dầu ăn vào.
– Bé từ 1 – 3 tuổi: mẹ nêm 1,5g muối/ngày vì giai đoạn này thận của bé đã khá hoàn chỉnh và có thể đào thải lượng muối ra ngoài cơ thể tốt hơn so với dưới 1 tuổi.
– Bé từ 4 – 8 tuổi: có thể nêm 1,9g/ngày.
– Bé từ 9 – 18 tuổi: nêm 2,2 – 2,3g/ngày.
Một số mẹ cho rằng, để bổ sung i-ốt cho trẻ cần phải nêm muối i-ốt vào thức ăn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng vì bản thân các loại tôm, cua biển, mực, trứng, gan heo, thịt bò, rong tảo, phô mai, bột mì, mì sợi, đậu phộng, rau xanh… đều chứa lượng muối i-ốt nhất định. Nếu mẹ nêm thêm i-ốt vô tình khiến con thừa i-ốt. Tốt nhất, các mẹ nên bổ sung muối i-ốt thông qua thực phẩm tự nhiên thay vì nêm muối có chứa thành phần i-ốt cho trẻ nhỏ.