Thời điểm gần cuối năm hình như em thấy số lượng các mẹ sắp “vỡ chum” tăng lên nhiều thì phải. Lướt F.B thì người người khoe hình bụng bầu to vượt mặt, đi ra đường mà nghía vô mấy shop bán đồ trẻ sơ sinh thì đông đen luôn.
Ai sắp làm mẹ sẽ thấy được cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi tự tay chuẩn bị cho con bé bỏng những món đồ cần thiết để dùng sau khi chào đời. Thế nhưng, có một thứ cũng cực kỳ quan trọng mà hầu như rất đông các mẹ lơ là hoặc chủ quan không lo tìm hiểu trước để rồi sau sinh bận bịu đủ thứ với thêm hội chứng “não cá vàng” thành ra cập rập, nay nhớ mai quên, bỏ sót tùm lum.
Đó chính là danh sách những mũi tiêm phòng sau sinh cực kỳ quan trọng dành cho bé. Mẹ chỉ cần ghi chép lại mai mốt căn cứ vào đó để đưa con đi tiêm đầy đủ thì chẳng bao giờ phải lo con bị bệnh này bệnh kia, bảo toàn tính mạng cả đời cho con.
Em có thằng con trai 6 tuổi đã tiêm gần như hết các mũi quan trọng, giờ an tâm lắm, ngồi rung đùi mà chơi thôi, chẳng còn nơm nớp lo con bệnh tật như mấy mẹ khác nữa. Con em gái lấy chồng sau mới sinh cách đây vài tuần nên nó có nhắn tin hỏi em chuyện tiêm phòng cho bé. Em ghi cho nó sẵn có lưu lại chia sẻ cho các mẹ trên này luôn. Thấy vậy chứ mà cần thiết lắm, mẹ nào sắp sinh còn gà mờ vụ này thì nhớ để dành mai mốt có cái mà nghía đưa con đi tiêm nha. Mẹ nào đẻ rồi thì kiểm tra lại xem bé được tiêm những mũi nào, thiếu mũi nào để kịp thời bổ sung để trễ mất nha!
1/ Bé sơ sinh từ 2-6 tháng tuổi: Các mũi cần tiêm là:
-Bại liệt mũi 1-2-3
-Tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván
-Viêm gan siêu vi B mũi 2,3,4
-Tiêm phòng Hib (Haemophilus cúm B) mũi 1,2,3
Vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1) được tiêm 3 mũi gồm:
+Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
+Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
+Mũi tiêm thứ 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
Vắc xin Virus Rota (RV): ngăn ngừa virut gây bệnh tiêu chảy
RV là một loại virut gây ra bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ. Do đó, mẹ nên cho con dùng thuốc phòng virus Rota khi con được 2 tháng và 4 tháng tuổi
2/ Bé sơ sinh từ 6-11 tháng tuổi:
Các mẹ sẽ đưa con đi tiêm phòng mũi cúm để phòng tránh bệnh cúm cho bé.
3/ Trẻ từ 12-15 tháng tuổi:
-Tiêm chủng viêm não Nhật Bản B với 3 liều cơ bản:
+Mũi thứ nhất tiêm lúc con tròn 1 tuổi
+Mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần
+Mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai 1 năm.
Lưu ý: Sau đó cứ 3-4 năm thì các mẹ lại đưa con đi tiêm nhắc lại một lần cho đến khi con qua 15 tuổi mới dừng.
-Tiêm phòng thủy đậu cho bé ở độ tuổi từ 12 đến 15 tháng. Khi con được 4-6 tuổi thì tiêm nhắc lại một lần nữa. Thủy đậu là một căn bệnh gây ra những bóng nước trên da do virus thủy đậu gây ra.
-Viêm gan A mũi 1:
Khi bé được 13-23 tháng tuổi, mẹ nhớ đưa đi tiêm phòng bệnh viêm gan A. Sau đó, mũi tiêm nhắc lại sẽ được tiêm cách mũi đầu ít nhất nửa năm.
4/ Trẻ từ 16-23 tháng tuổi:
Có các mũi cần tiêm là:
-Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt mũi 4
-Hib mũi 4
-Viêm gan B mũi 4
-Viêm gan A mũi 2
5/ Trẻ từ 16-23 tháng tuổi:
Mẹ nhớ tiêm phòng thương hàn cho con (tên là Typhim Vi). Mũi này có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm, phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi.
6/ Trẻ trên 24 tháng tuổi:
-Tiêm phòng viêm màng não mô cầu A+C
-Tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 3 để phòng bệnh viêm mũi họng, viêm màng não do vi khuẩn phế cầu.
7/ Trẻ trên 9 tuổi:
Tiêm ngừa mũi HPV: ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và căn bệnh sùi mào gà.
Còn dưới đây là một số lưu ý quan trọng các mẹ phải nắm rõ khi đưa bé đi tiêm phòng nè:
-Khi đưa con đi tiêm, tùy vào thời tiết như thế nào mà mặc quần áo cho con để giữ ấm hoặc thoát mồ hôi, thoải mái, thoáng mát.
-Tiêm xong các mẹ đừng vội bế con về mà phải ngồi lại theo dõi tầm 15-30 phút xem con có dị ứng, sốc phản vệ hoặc gặp bất cứ tình trạng gì xấu không. Nếu quá thời gian trên mà con không bị làm sao hãy về.
-Khi về nhà cũng phải để ý con 24/24: coi thử con có bị nóng sốt không, có quấy khóc nhiều không, bú ngoan hay bỏ bú, phân bé có gì bất thường không… Bố mẹ quan tâm kĩ đối với những bé tiêm lần đầu khi 2 tháng tuổi, tiêm mũi 5in1.
-Có thể lấy khăn thấm nước chườm mát nơi tiêm (không được chườm nóng nha). Cho con bú mẹ liên tục, càng nhiều càng tốt, uống nhiều nước, mặc đồ thoáng để thoát nhiệt. Nếu sốt nhẹ 37-38 độ thì có thể đắp khăn làm mát hạ nhiệt. Nếu sốt nặng trên 38 độc thì có thể dùng thuốc đặt hậu môn hoặc thuốc uống hạ sốt.
-Nếu con bị sốt cao trên 39 độ C, co giật, tím tái, khó thở, thuốc hạ sốt thông thường không có tác dụng, bỏ ăn bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm… thì ngay lập tức phải đưa con đi bệnh viện ngay.
-Trước 2-3 hôm ngày đưa con đi tiêm các mũi như 5 in 1, em thường mua lá tía tô về đun nước uống cho con bú, trộm vía bé tiêm về đỡ sốt, đỡ quấy khóc lắm các mẹ ạ. Với lại em thấy cho con bú càng nhiều thì bé càng khỏe, mau hết sốt lắm, các mẹ áp dụng đi sẽ thấy hiệu quả vô cùng.
(Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet)
Theo phunuthudo