Dinh dưỡng là một trong vấn đề trọng tâm hàng đầu trong quá trình chăm sóc sức khỏe người mẹ mang thai. Không chỉ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh mà dinh dưỡng cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ của em bé trong bụng. Cũng vì vậy mà nhiều mẹ bầu thường cố ăn cho 2 người vì nghĩ rằng ăn càng nhiều con sẽ càng khỏe mạnh, thông minh.
Thực tế, các chuyên gia không khuyến cáo điều này, bởi vì 2 lý do sau:
Thứ nhất: Mẹ cố ăn thật nhiều dễ tăng cân và gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi.
Thứ hai: Bên cạnh dinh dưỡng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ
Hậu quả khôn lường nếu mẹ bầu cố ăn cho 2 người, hối chẳng kịp
1 tháng trước đây, gia đình tôi có thêm thành viên mới. Là một cháu trai khỏe mạnh. Khi chị dâu tôi nghe bác sĩ thông báo: “Có thể phải đẻ mổ vì cái thai quá to” đã rất kinh ngạc. Cả chị ấy và bố mẹ tôi đều mong muốn đứa con đầu được sinh thường để được những gì tốt nhất. Suốt thai kỳ, sức khỏe của chị vẫn bình thường, đi siêu âm lần nào cũng nghe bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh lắm. Thế nhưng 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ tôi sợ thằng cháu đẻ ra nhẹ cân nên cứ cố thúc ép chị ăn cho bằng được, thậm chí ăn cả ngày lẫn đêm. Có hôm tôi sang chơi, nhìn chị nhăn nhó nuốt vội đồ ăn mẹ đã chuẩn bị cho mà thấy thương. Ăn riết, tới lúc tăng cân quá nhanh mới tá hỏa. Chị sinh mổ khi thai mới được 38 tuần nhưng con sinh ra thì đã cán mức 4kg. Nhìn đứa bé bụ bẫm mẹ tôi vui ra mặt nhưng chị dâu thì một phen hú vía vì bác sĩ cảnh báo nhiều nguy cơ.
Có rất nhiều bà bầu rơi vào cảnh tương tự. Gia đình có điều kiện nên cứ nghĩ cho bà bầu ăn nhiều thì sinh con sẽ được khỏe mạnh, thông minh. Thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Các chuyên gia không khuyến cáo mẹ bầu ăn cho 2 người bởi vì ngoài nguy thai to phải sinh khó, người mẹ còn đối mặt với rất nhiều hệ lụy khác.
– Tăng nguy cơ béo phì cho người mẹ và đứa trẻ sau sinh
Mẹ ăn quá nhiều trong thời gian mang thai dễ tăng cân, tăng nguy cơ bị béo phì. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mẹ thừa cân dễ sinh ra những đứa trẻ béo phì. Đồng thời, trẻ sơ sinh thừa cân cũng có nguy cơ bị tiểu đường rất cao. Ngoài ra, bà bầu bị thừa cân còn rất khó lấy lại được vóc dáng sau sinh.
Theo các chuyên gia, mức tăng cân chuẩn của mẹ bầu trong suốt thai kỳ trung bình khoảng 10 – 12 kg tùy thuộc vào chỉ số BMI của từng mẹ.
– Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Việc mẹ bầu ăn quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm cho hệ tiêu hóa phải hoạt động hết công suất. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa, kéo theo đó là làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của mẹ và thai nhi. Hơn nữa, nếu hệ tiêu hóa có vấn đề từ trong thai kỳ có thể kéo dài đến sau sinh và thời gian cho con bú.
Thông thường, nhu cầu năng lượng của phụ nữ khoảng 2000 calo trong ngày. Khi mang thai, mẹ chỉ nên bổ sung thêm 300 – 400 calo. Riêng 3 tháng đầu, sức khỏe của mẹ tốt có thể duy trì chế độ ăn uống như bình thường.
– Tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường có xu hướng lười vận động. Do vậy, nếu mẹ bầu hấp thụ vào cơ thể quá nhiều dinh dưỡng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Khả năng hấp thụ dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ thường tăng cao. Do vậy, khi cơ thể nạp vào càng nhiều thì càng hấp thụ nhiều. Bà bầu tăng cân quá nhiều rất dễ đối mặt với nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật,….
– Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Việc thừa cân quá nhiều trong thai kỳ còn gây khó khăn cho quá trình sinh đẻ. Tăng cân nhiều cũng dễ tăng nguy cơ bị tiền sản giật, một trong các biến chứng thai kỳ hàng đầu có thể dẫn đến sinh non.
Hơn nữa, nếu bà bầu tăng cân quá nhiều ảnh hưởng đến khá năng thụ thai sau này vì nó làm thay đổi các hoocmon, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và sản xuất tinh dịch khiến phụ nữ khó mang thai.
– Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh
Thai quá to, trẻ có thể đối mặt nhiều nguy hiểm trong quá trình chào đời. Chẳng hạn, những bất thường ở buồng tim làm tăng nguy cơ tử vong. Đồng thời, bé sơ sinh rất dễ bị hạ đường huyết, canxi, suy hô hấp, hệ tuần hoàn. Nghiêm trọng hơn là xuất huyết dẫn đến bại não.
Vậy, yếu tố nào ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ?
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy cân nặng của người mẹ quyết định đến trí thông minh của con. Mặc dù có những cơ sở nhất định để đi đến kết luận này nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn đồng thuận rằng chỉ số IQ của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
– Thứ nhất: Di truyền
Về cơ bản, di truyền quyết định khoảng 30% trí thông minh của trẻ. Cha, mẹ có chỉ số IQ cao sẽ dễ sinh con thông minh. Hơn nữa, yếu tố di truyền cũng có mối liên hệ với những người thân trong cùng họ hàng quyết thống.
– Thứ hai: Sức khỏe của người mẹ mang thai
Các chuyên gia đều khuyến cáo mẹ bầu nên kiểm tra sức khỏe trước khi có kế hoạch mang thai để đảm bảo sức khỏe đủ tốt cho việc có bé. Bởi vì, thể trạng người mẹ có tốt thì thai nhi mới phát triển toàn diện. Đứa trẻ sinh ra từ người mẹ có bệnh nhiễm trùng đường ruột hoặc mắc phải các vấn đề sức khỏe khác thường có chỉ số IQ thấp hơn so với trẻ sinh ra ở mẹ khỏe mạnh.
– Thứ ba: Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đủ chất giúp trẻ phát triển tối đa não bộ. Trong đó, DHA là thành phần quan trọng đối với sự hình thành và phát triển não bộ của trẻ. Nếu người mẹ bị suy dinh dưỡng thai kỳ hoặc thiếu hụt dinh dưỡng như DHA, sắt, kẽm, i ốt, cholin, folate, B6, B12,…sẽ tác động xấu đến sự phát triển não bộ và trí thông minh của trẻ về sau này. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đứa trẻ sinh ra từ mẹ bổ sung đủ axit béo Omega-3 hoặc DHA trong thai kỳ thường thông minh và có khả năng tập trung tốt hơn.
– Thứ tư: Tuổi mang thai của mẹ
Các chuyên gia đã cho rằng tuổi mẹ mang thai cũng quyết định một phần đến trí thông minh của đứa trẻ sau khi chào đời. Một nghiên cứu của trường Kinh tế London đã cho thấy đứa con đầu được sinh ra từ mẹ có độ tuổi dưới 30 tuổi thường sẽ tốt nghiệp Đại học, dễ thành đạt và có nhiều mối quan hệ hơn.
– Thứ năm: Thói quen của người mẹ trong thai kỳ
Theo các chuyên gia, tất cả thói quen của người mẹ trong thai kỳ đều có tác động không nhỏ đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Theo đó, một đứa trẻ bắt đầu hình thành “gen thông minh” từ trong bụng nếu mẹ duy trì những thói quen lành mạnh trong thai kỳ. Cụ thể, mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con, massage bụng bầu, cho thai nhi nghe nhạc, đọc sách, tập luyện thể dục.
– Thứ sáu: Sự giáo dục của gia đình
Bên cạnh những yếu tố trong thai kỳ thì quá trình rèn luyện và nuôi dưỡng từ gia đình có tác động rất lớn đến trí thông minh của con. Đặc biệt, 2 năm đầu đời là giai đoạn trẻ có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ. Vậy nên, trong giai đoạn này trẻ cần được chăm sóc và nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, được đảm bảo đủ các điều kiện để phát triển toàn diện. Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần giúp con có định hướng đúng đắn cũng như hỗ trợ con phát triển não bộ tối đa.
Cho đến nay, phần lớn các chuyên gia dinh dưỡng đều không đồng tình với quan niệm ăn cho 2 người để con thông minh. Quan niệm này không chỉ không quyết định đến chỉ số IQ của con mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy ngay cả chính mẹ bầu cũng không lường hết được. Chính vì vậy, tốt nhất luôn phải biết cân bằng chế độ dinh dưỡng của mình để có được thai kỳ như ý.
Theo WTT