Trẻ đã lớn ngủ chung với bố mẹ có sinh ra ảnh hưởng tâm lý không tốt? Trẻ bao nhiêu tuổi thì thích hợp ngủ riêng?
Liên quan đến giấc ngủ của trẻ, nhiều phụ huynh thật sự băn khoăn không biết lúc nào thì cho trẻ ngủ riêng, trong đó gồm cả ngủ giường riêng cho đến ngủ phòng riêng. Thực tế, từ thói quen ngủ chung bố mẹ chuyển tiếp sang giai đoạn ngủ riêng là cả một thử thách dành cho trẻ. Lúc này đòi hỏi bố mẹ cần thấu hiểu tâm lý trẻ và có giải pháp thông minh hỗ trợ trẻ ngủ độc lập.
Lúc nào thì nên cho trẻ ngủ riêng và diễn biến tâm lý ở trẻ
Với câu hỏi lúc nào thì bắt đầu để trẻ ngủ một mình trong một phòng riêng biệt, trước mắt vẫn chưa có chứng minh thời gian cụ thể nào. Thông thường, bạn nên căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để quyết định cho trẻ ngủ riêng. Chẳng hạn theo văn hóa các nước khác nhau thì việc cho trẻ ngủ riêng cũng không giống nhau, rất nhiều gia đình ở Mỹ đã cho trẻ ngủ phòng riêng ngay từ sau khi mới sinh. Ngoài ra, có thể căn cứ vào tình trạng của mỗi gia đình, ví dụ gia đình có mấy con, số phòng trong nhà thế nào v.v… Bên cạnh đó, dựa theo đặc trưng cá tính của trẻ để quyết định lúc nào cho trẻ ngủ riêng cũng rất quan trọng, ví dụ trẻ có tính độc lập cao hay thường nhút nhát sợ hãi.
Tuy nói phải căn cứ rất nhiều khía cạnh để xem xét việc cho trẻ ngủ riêng, nhưng trong tình huống thông thường, các chuyên gia đều khuyên rằng trong lúc tạm thời chưa cho trẻ ngủ riêng phòng thì bạn vẫn nên tập cho trẻ sớm thích nghi với việc ngủ riêng giường. Từ lúc mới sinh cho đến khoảng 3 tuổi, trẻ đã có thể tiếp nhận được việc ngủ riêng giường một mình. Bố mẹ nên cố gắng đừng để trẻ đến sau 3 tuổi mới ngủ riêng giường vì có thể khiến cho việc ngủ riêng phòng sau này càng khó khăn hơn. Đến độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, bạn bắt đầu có thể thử để trẻ ngủ riêng phòng một mình.
Khi bắt đầu ngủ riêng giường hay riêng phòng, rất nhiều trẻ luôn xuất hiện các tình trạng như nửa đêm giật mình, khóc quấy, tè dầm v.v…, thậm chí có trẻ còn bị “mộng du”, tâm trạng vào ban ngày cũng có biến động lớn. Đây là những biểu hiện lien quan đến chứng “sợ hãi phân ly trước khi ngủ”. Triệu chứng này sinh ra do trẻ bị “chia cắt” với người chăm sóc chủ yếu (mà thông thường chính là mẹ), khiến trẻ cảm thấy mất đi chỗ dựa, dẫn đến bất an sợ hãi, không vui. Tình trạng này thường xuất hiện sớm nhất ở trẻ khoảng 6 – 8 tháng tuổi và kéo dài đến khoảng 5 tuổi.
2. Giải pháp giúp trẻ ngủ riêng một cách thuận lợi
Nếu trẻ vẫn luôn ngủ chung giường với người lớn thì không nên lập tức cho trẻ ngủ riêng phòng
Do luôn có bố mẹ bên cạnh suốt giấc ngủ nên trẻ đã quan với hơi ấm, mùi cơ thể, nhịp thở, thậm chí là tiếng ngáy của bố mẹ hay người nằm bên cạnh. Vì vậy nếu đột ngột chia phòng sẽ khiến trẻ không thể thích ứng, xuất hiện tình trạng giật mình nửa đêm nhiều hơn. Ngoài ra, khi tỉnh giấc phát hiện chỉ có một mình trong một phòng vắng vẻ thật sự là chuyện rất đáng sợ với trẻ, sinh ra tâm lý sợ hãi, kháng cự mạnh mẽ. Do đó, tốt nhất bạn nên tập cho trẻ quen với việc ngủ riêng giường nhưng vẫn chung phòng với bố mẹ, dần dần tạo cho trẻ tính độc lập và an tâm hơn rồi mới nghĩ đến việc cho trẻ ngủ riêng phòng.
Chuẩn bị tâm lý và những ám thị tư tưởng cho trẻ
Trước khi ngủ, bạn có thể đọc truyện cho trẻ nghe với những câu chuyện liên quan đến trẻ đã lớn và nên ngủ một mình. Nhân vật trong truyện có thể là những người bạn nhỏ, cũng có thể là những động vật đáng yêu, có hình ảnh nhân vật ngủ ngoan một mình v.v… Trong quá trình kể chuyện, hãy nhấn mạnh cho trẻ biết về việc ngủ một mình không hề đáng sợ, chẳng hạn bạn có thể vừa chỉ bức tranh trong truyện vừa nói với trẻ: “Con xem, bạn voi nhỏ ngủ một mình ngoan chưa nè”. Những ám thị tâm lý này sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận việc ngủ riêng hơn, giảm bớt những tâm lý tiêu cực.
Cho trẻ tham gia nói về mong muốn của mình cho căn phòng riêng
Bạn có thể trao đổi với trẻ về chiếc giường và cả căn phòng dành riêng cho trẻ. Hỏi trẻ thích có một căn phòng như thế nào, có thể là thiết kế phòng với giấy dán tường như một vườn động vật nhỏ, xung quanh giường ngủ của trẻ sẽ có những chú gấu bông dễ thương hay những chiếc đèn nhiều màu sắc trên tường v.v… Hãy để trẻ thỏa sức tưởng tượng và nêu lên nguyện vọng và cố gắng tạo ra thế giới riêng đúng ý trẻ.
Trình tự trước khi ngủ
Khi bắt đầu cho trẻ ngủ riêng phòng, mẹ có thể kể chuyện cho trẻ nghe như khi ngủ chung, sau khi trẻ đã đi vào giấc ngủ, mẹ nên nán lại them một lúc ngồi cạnh giường, sau đó bật đèn ngủ vừa phải rồi hãy rời phòng. Hoặc bạn có thể thỏa thuận với trẻ rằng sau khi dỗ trẻ ngủ thì mẹ sẽ đếm nhẩm đến 100 rồi mới về phòng mình. Tốt nhất bạn nên tham khảo nguyện vọng của trẻ và căn cứ theo đó cùng tiến hành theo trình tự để giúp trẻ quen dần với việc ngủ riêng.
Cho trẻ biết bạn vẫn luôn xuất hiện đúng lúc và hãy kiên trì
Nếu có điều kiện, bạn có thể gắn thiết bị quan sát trong phòng trẻ để luôn theo dõi được tình hình của trẻ ở phòng riêng, đồng thời có thể nhanh chóng đến bên trẻ khi trẻ giật mình nửa đêm hoặc có sự cố ngoài ý muốn. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần phải kiên trì và giữ lập trường, không nên vì trẻ một mực đòi ngủ chung bố mẹ mà bỏ cuộc. Bạn có thể nán lại dỗ dành trẻ ngủ rồi rời đi, không nên vì mềm long mà lên giường ngủ chung với trẻ.