Chỉ sau 2 ngày bán, bé Măng có doanh thu hơn 300 nghìn đồng, và hiểu rằng kiếm tiền không dễ.
Tuần trước, tại hầm một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội), một cậu bé đeo giỏ trước ngực lướt băng băng chiếc xe thăng bằng, vừa đi vừa rao: “Mua kẹo đi chú ơi/cô ơi”. Có người mua, người từ chối, có người không mang tiền nên phân vân…
Đây là một tình huống mà chị Ngọc Hà, 32 tuổi, muốn thử nghiệm cùng con trai – bé Măng, mới 3 tuổi rưỡi – để dạy về tiền. Trong lúc con bán thì chị đứng cách không xa quan sát. Sau hai buổi bán hàng, Măng thu về 310 nghìn, sau khi trừ vốn 132 nghìn thì em lãi 178 nghìn đồng. Ngoài ra em vẫn còn thừa 5 gói kẹo để ăn và tặng mọi người.
Có lần Măng mời một bà cụ, nhưng bà nói không mang theo tiền. Lúc sau có một cô hỏi mua, Măng liền hỏi lại: “Thế cô có tiền không?”.
Kế hoạch bán kẹo nhìn qua tưởng như đơn giản, nhưng đã mất khá nhiều công chuẩn bị. Đầu tiên Măng cùng mẹ đi mua kẹo và giấy gói. Những cái kẹo tự bọc không bắt mắt, khó bán, tuy nhiên đó là một hoạt động cần thiết, để bé thực sự để tâm vào việc bán hàng.
Đến ngày thứ ba, chị Hà dẫn theo con đi tìm địa điểm bán kẹo. Khâu này có vẻ gian nan nhất khi đến hai quán cà phê xin bán và đều bị từ chối. Sau đó hai mẹ con quyết định sẽ đi dạo bán quanh khu chung cư, nhưng vì hôm sau trời mưa bão nên đi xuống hầm bán, người mẹ kể.
Làm trong lĩnh vực nuôi dạy con, nên chị Ngọc Hà quan tâm đến dạy về tiền cho trẻ. Trước khi đến buổi thử nghiệm này, từ khi Măng 2 tuổi, hai mẹ con đã chơi đồ hàng, khi đi mua đồ thì mẹ đưa tiền cho con trả. Lên 3 tuổi bé Măng tự mở lời với người bán hàng, mẹ đứng bên quan sát. Dần dần, tự bé bước vào cửa hàng, còn bố hoặc mẹ đứng ngoài chờ.
Hiện tại 3,5 tuổi, cậu bé này đã rất tự tin khi mua bán. Thi thoảng vào các buổi tối, chị Hà dạy con cách phân loại các tờ tiền, như tờ một nghìn có con voi, hai nghìn có cô gái, 5 nghìn màu xanh lè, tờ 20 nghìn có cái chùa to…
“Kế hoạch tiếp theo là phân biệt tiền to, tiền nhỏ. Ví dụ tờ một nghìn Măng sẽ mua được một viên kẹo nhưng 5 nghìn lại mua được 5 viên”, chị cho biết.
Tương tự trong việc giúp con hiểu về buôn bán, người mẹ cho thấy việc bỏ ra một đồng vốn (một ngón tay) khi bán hết sẽ thu lại được cả vốn lẫn lãi (5 ngón tay).
Bà mẹ hai con này khuyến khích con suy nghĩ. Mỗi lúc con hỏi tại sao, thay vì trả lời ngay, chị thường hỏi ngược lại. “Với mỗi yêu cầu từ con, ví dụ như muốn ăn thêm kẹo, mình sẽ hỏi rằng: ‘Măng hãy đưa ra 3 lý do để thuyết phục mẹ đồng ý cho con ăn thêm kẹo”.
Nhờ sự khuyến khích của mẹ, Măng trở thành cậu bé có chính kiến, trong đầu luôn có hàng ngàn câu hỏi vì sao. Bán kẹo là một trải nghiệm thú vị và chắc chắn hai mẹ con sẽ còn đồng hành bán rong nhiều lần nữa.
Theo VnExpress