Theo con số của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 trường hợp người Việt tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
1. Những con số đáng sợ về thực trạng hút thuốc lá ở Việt Nam
Theo thông tin được cung cấp từ thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, trong vòng 20 năm qua, lượng tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam tăng bình quân từ 2 tỷ bao lên đến hơn 4 tỷ bao mỗi năm.
Tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành ở Việt nam là 47% tương đương với 15 triệu nam giới hút thuốc. Nếu tính cả nữ giới với một tỷ lệ thấp hơn thì Việt Nam đứng trong nhóm 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Theo con số của Bộ Y tế năm 2014, mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Nhưng con số tài chính chi cho thuốc lá không dừng lại ở đó.
Với 22.000 tỷ mỗi năm để mua thuốc, người Việt còn phải chi thêm 23.000 tỷ mỗi năm để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá (con số này chỉ tính chi phí của 5/25 bệnh liên quan).
Tuy tổng số tiền chi cho thuốc lá và để giải quyết hậu quả của thuốc lá rất lớn, nhưng giá để mua 1 sản phẩm thuốc lá lại rất rẻ do thuế áp trên mỗi sản phẩm rất rẻ chỉ chiếm 41% giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng).
Tính ra, loại thuốc lá tầm trung có tính phổ biến nhất của người Việt cũng chỉ có giá chưa đến 1.000 đồng/ điếu và được bán lẻ với giá từ 1000 – 2000 đồng/điếu. Nhiều loại thuốc còn rẻ hơn giá này.
Chính vì thế, ngay cả những người có thu nhập thấp, thanh thiếu niên cũng dễ dàng tiếp cận và trở thành người nghiện thuốc.
2. Thuốc lá độc hại thế nào?
Theo con số thống kê của các nhà khoa học, trong thuốc lá có đến hơn 4.000 loại hóa chất trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc. Hơn 200 chất đó được chia ra làm 4 nhóm chính sau đây:
– Nicotine: Đây là một loại hóa chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Nicotine được xếp vào nhóm có tính chất dược lý gây nghiện tương đương với heroin và cocain.
Trung bình một điếu thuốc có chứa từ 1 đến 2mg nicotine. Chất này được hấp thụ qua da, miệng, niêm mạc mũi, phổi và chỉ 10 giây sau khi hít vào là đã lên tới não, gây nghiện chủ yếu trên hệ thần kinh trung ương.
– Khí CO (monoxit carbon): CO là một loại khí gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy sẽ làm nên sự tăng hemoglobine khử làm chuyển dịch đường cong phân tách oxy-hemoglobin.
Điều này sẽ dẫn đến việc giảm lượng oxy chuyển đến tổ chức gây thiếu máu tổ chức, góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Một người nếu hút trung bình 1 bao thuốc lá một ngày thì hàm lượng hemoglobine khử có thể tới 7-8%.
– Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ.
Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển.
Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày – lông chuyển. Những thay đổi này chỉ có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc lá.
– Các chất gây ung thư: Trong khói thuốc lá có trên 40 chất có tính chất gây ung thư trong đó tính cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene.
Các chất này có thể tác động đến các tế bào về mặt của đường hô hấp, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào gây nên tình trạng viêm mạn tính, dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa tế bào chuyển thành ung thư.
Khói thuốc nào độc nhất?
Theo các nhà khoa học, khói thuốc lá không đơn thuần chỉ có 1 kiểu mà chia thành 3 kiểu khác nhau gồm có dòng khói chính, dòng khói phụ và khói thuốc môi trường.
– Dòng khói chính (MS): Là dòng khói đi qua gốc của điều thuốc và được người hút thuốc hít vào.
– Dòng khói phụ (SS): Là dòng khói từ đầu điếu thuốc chảy tỏa vào không khí, không bao gồm phần khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Phần khói này chiếm 80% lượng khói của một điếu thuốc.
– Khói thuốc môi trường (ETS): Là hỗn hợp của dòng khói phụ và dòng khói chính cộng với các chất tạp nhiễm khuếch tán qua giấy quấn thuốc lá. Dòng khói môi trường này bao gồm 3.800 loại hóa chất.
Một điều không phải ai cũng biết là dòng khói phụ (SS) lại có nhiều hỗn hợp gây ung thư mạnh hơn dòng khói chính (MS). Nguyên nhân của điều này là do dòng khói phụ bị tạp nhiễm nhiều hơn dòng khói chính.
Các sản phẩm độc hại như nicotine ở dòng khói chính chủ yếu tồn tại ở dạng hạt rắn, trong khi đó lại tồn tại ở dạng khí trong khói thuốc môi trường, vì thế nó dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể người hơn.
Kích thước của hạt phân tử ở những loại khói thuốc khác nhau cũng khác nhau. Trong dòng khói chính, kích thước của phân tử rắn dao động trong khoảng 0.1 – 1 micromet.
Trong dòng khói phụ, chỉ số này là 0.01 – 1 micromet. Khi dòng khói phụ bị pha loãng kích thước này còn nhỏ hơn. Vì kích thước các hạt trong dòng khói phụ nhỏ hơn nên nó vào sâu hơn trong tổ chức phổi.
Theo như logic này thì kích thước các hạt trong môi trường khói thuốc cũng nhỏ hơn trong dòng khói chính.