Con trai mình năm nay 4 tuổi. Cũng như nhiều bé khác con em rất mê xem tivi, chơi điện thoại, ipad.
Thói quen này của con bắt đầu từ khi mình đi làm lại lúc con 2 tuổi, vì bé khó ăn khó uống nên bà nội mỗi khi cho cháu ăn lại bật tivi lên xe để dỗ, lâu dần con thành thói quen luôn.
Mấy lần mình đã phân tích cho bà nội nghe tác hại của việc cho trẻ xem tivi sớm là: Hại mắt, béo phì, khả năng ngôn ngữ không phát triển, mắc bệnh tim mạch… Nhưng lần nào nói bà cũng dỗi bảo con mình khó vậy, không làm thế sao nó ăn. Nếu mình có cách nào thì chỉ cho bà đi chứ bà hết cách rồi, nên mình cũng không dám nói, chỉ biết thủ thỉ với con đừng xem tivi thôi, nhưng con còn nhỏ quá, lời mình nói với con như muối bỏ bể.
Cứ như thế con mình làm bạn với tivi suốt mấy năm ròng, càng lớn, con càng xem tivi nhiều hơn. Hễ đi học thì thôi chứ về nhà là con ôm tivi suốt, không ôm tivi thì chuyển sang ipad chơi đã đời, có hôm khuya lơ khuya lắc cũng không đi ngủ, cứ ngồi ôm tivi thôi. Nhiều khi bực quá, mình quát: “Tắt tivi cho mẹ ngay đi!” nhưng thằng bé vẫn cứ trơ trơ ra vì được bà bảo kê “cho nó giải trí!”.
Tình cờ mình đọc được bài báo mách chiêu hay của mẹ Nhật khiến con tắt tivi ngay lập tức, mình áp dụng và hiệu quả vô cùng. Đó là người mẹ nhân cách hóa chiếc tivi, bảo với con rằng tivi cũng như con người, làm việc cũng cần có lúc nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động, nếu không sẽ dễ đổ bệnh nhanh hỏng hóc, rồi quy định thời gian xem tivi cho con trong ngày.
Và đây là cách của mình, các mẹ thử xem sao nhé!
Một sáng chủ nhật, mình đưa con đi chơi công viên và cho con chơi tất cả trò chơi đến khi mệt nhừ luôn mà không cho ăn uống thêm gì. Sau gần 2 tiếng chơi mồ hôi con vã đầy người, bụng đói meo, mình vẫn tiếp tục yêu cầu con chơi các trò khác, đến khi con thấm mệt và yêu cầu ngồi nghỉ. Lúc này mình mới bảo:
– Con mệt không?
– Dạ mệt
– Chơi nữa không?
– Dạ không
– Vậy giờ con muốn làm gì?
– Dạ về nhà và nằm ngủ thôi ạ.
– Không được, con chơi tiếp đi chứ mẹ thấy con chưa mệt mà
– Con mệt sao mẹ biết được chứ. Con không chơi nữa mẹ ơi, con muốn xỉu rồi. Mẹ mau chở con về nhà đi, năn nỉ mẹ.
– Được thôi. Nhưng mà mẹ thấy tội cái tivi quá!
– Chời, sao mẹ nhắc cái tivi ở đây?
– Mẹ thấy cái tivi hôm nào nó cũng mệt như là con mệt như hôm nay vậy, nhiều lần nó nói với mẹ là kêu con cho nó đi ngủ đi, nó đuối nó mệt lắm rồi vì phục vụ con liên tục mà con vẫn không cho nó nghỉ, cứ xem miết. Nó còn bảo ngày nào con cũng bắt nó làm việc như vậy nó sẽ bị bệnh và chết luôn cho coi. Không tin, lúc nào xem tivi con thử sờ vào nó xem, nó nóng kinh khủng luôn á.
– Ủa, cái tivi cũng biết mệt hả mẹ? Nó sao giống con người được?
– Biết chứ sao không. Cái tivi nó cũng giống như con người vậy, hoạt động nhiều cũng mệt và muốn nghỉ ngơi. Giống như con mệt con muốn nghỉ ngơi để lấy lại sức thì nó cũng muốn nghỉ ngơi đó. Hàng ngày con bắt tivi làm việc liên tục, bộ con không thấy tội cái tivi hả?
– Dạ tội chứ, mà con không biết nó cũng mệt. Con cứ tưởng nó là máy móc thì không biết mệt chứ!
Sau cuộc trò chuyện đó hai mẹ con chở nhau về nhà và mình không nhắc gì về cái tivi nữa.
Suốt ngày hôm đó mình để ý thấy con ít mở tivi lên xem lắm. Và nếu ghiền quá, mở lên xem thì thằng bé cứ lâu lâu lại chạy đến bên tivi sờ xem nó thế nào rồi tắt tivi và ra chơi cái khác chứ không ngồi ôm riết tivi như mọi ngày. Hoặc khi con xem tivi, mình yêu cầu tắt là con ngoan ngoãn tắt ngay không kỳ kèo xem thêm ít phút nữa.
Vậy đó, mình rút ra một điều: với trẻ con, đôi khi hành động ra lệnh cho con thường không mang lại hiệu quả gì, có thể trẻ sẽ sợ lúc đó và làm theo nhưng rồi lại đâu vào đó, lần sau sẽ tiếp tục tái phạm. Cách hay nhất để con nghe lời, không sai phạm nữa là ba mẹ cần ngồi xuống và nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vì sao con nên làm như vậy, không nên làm như vậy. Như con mình, khi đã hiểu ra bản chất của vấn đề, con đã tự động sửa sai, nghe lời mẹ mà mẹ không cần phải phùng mang trợn má dọa nạt và quát mắng con nữa.
Mẹ nào đang khổ sở vì con nghiện xem tivi, điện thoại thì thử cách này xem sao nhé!
Theo phunugiadinh