Chị Du Thị Sáu bị trầm cảm sau sinh không nhớ các con nhưng chị vẫn nhớ những bác sĩ đã giúp chị có được niềm hạnh phúc làm mẹ sau 10 năm mong ngóng.
Cụ Khoái (hàng xóm): Này bà bảo, người ta đến đây chơi đông để xin con mày về đó. Mày không giữ con à?
Chị Sáu: Gương mặt thẫn thờ, không biểu cảm.
Cụ Khoái: Hay là mày cho bà thằng Cò bà mang về nuôi nhé!
Chị Sáu: “Gật, gật”. Cho một đứa thôi
Cụ Khoái: Còn một đứa cho bà nội nuôi à!
Chị Sáu: “Gật, gật”
Cuộc đối thoại ngắn ấy khiến cho ai cũng phải nghẹn lòng. Người mẹ gần 50 tuổi mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ ấy lại dễ dàng gật đầu cho người khác đứa con mình phải dùng thời gian, tuổi thanh xuân 10 năm để đánh đổi, rồi 9 tháng 10 ngày nặng nhọc mang thai, “dứt ruột” đẻ ra chỉ bởi căn bệnh “trầm cảm sau sinh”.
Mẹ chồng U80 một nách 2 cháu, không dám cho con dâu bế vì sợ làm rơi
Sau bài viết “Mẹ Hà Nam 10 năm mong con mòn mỏi, khi sinh đôi lại chỉ biết đờ đẫn chẳng nhìn con” được đăng tải, căn nhà 4 gian của gia đình chị Du Thị Sáu ở Đội 4, Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam đông người đến thăm hơn cả. Mặc dù những ngày đầu tháng 7 nóng bức đến ngột thở nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy như được tưới mát bằng cơn mưa rào bởi những tấm lòng nhân ái của người dân xung quanh và của Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội – nơi đã mang đến cho chị Sáu 2 thiên thần bé nhỏ.
Ngồi đón tiếp mọi người, gương mặt chị Sáu vẫn đờ đẫn, vô hồn, đôi mắt chị cứ nhìn vào khoảng không vô định, chị không nói gì chỉ lặng im giơ tay ra hiệu, còn bà Lại (73 tuổi, mẹ chồng chị) vẫn tất bật tay bế, tay bồng 2 bé bên cạnh.
Bà Lại bảo, kể từ khi 2 bé nằm viện Nhi vì lo lắng tình hình con, lo lắng mùa màng thất bát mà chị sinh ra như vậy. Sau khi đi viện về, hơn 1 tháng nay chị cứ như người trên mây, nhớ nhớ quên quên, thậm chí chẳng thèm ngó ngàng cặp song sinh mình vất vả sinh ra.
Bà 73 tuổi, gầy gò, lưng còng, chân chậm, tay yếu không chỉ lo chăm sóc 2 cháu sinh đôi mới 4 tháng 10 ngày mà còn lo việc lợn gà, vườn tược, cơm nước và cả việc tắm giặt của chị mỗi ngày.
“Trước khi sinh, cháu bị rỉ ối nhưng không hề hay biết chỉ nghĩ ăn bánh chưng nhiều nên đi tiểu dắt và cảm thấy nóng trong người. Về sau lên viện là sinh non luôn. Ở quê nghe tin tôi vỡ òa, phấn khởi lắm vì mong muốn bấy lâu trở thành hiện thực. Bây giờ, cháu bị thế này, hôm trước đi khám bác sĩ bảo bị trầm cảm 30%.
Cháu bị vậy, những lúc bận tôi cẩn thận, chỉ dám đặt 2 cháu bé nằm trên võng mà không cho mẹ nó bế vì sợ rời tay. Có lần mẹ các cháu bế thẫn thờ thả tay ra rơi cả con xuống đất lúc nào không hay mà cũng không biết. Con khóc cũng mặc kệ không bế.
Bà hàng xóm bế hỏi thì bảo: “Bế con nhà ai đấy?”. Họ bảo: “Con nhà mày đấy” thì cháu lại bảo “Đã đẻ đâu” rồi vỗ bụng “bụng còn to thế này cơ mà”. Cháu bây giờ không biết gì, nói xong lại quên, nhiều lúc cái đầu cháu rỗng, dặn gì lại quên có nhớ đâu”, bà Lại tâm sự.
Vừa dứt câu nói, bà Lại nhìn sang con dâu với gương mặt đượm buồn, đôi mắt bà bỗng đỏ hoe lại bởi những giọt nước mắt sắp sửa trào ra. Giá như con dâu chịu nói, chịu thưa khi bà hỏi thì bà sẽ được an ủi phần nào nhưng nàng dâu của bà lại chỉ ậm ừ, không nói câu nào, hỏi cũng không đáp. Thậm chí, 2 đứa con đáng yêu, kháu khỉnh dứt ruột đẻ ra cũng gật đầu dễ dàng cho đi khi có người hỏi.
“Trước cháu vẫn cho con, ai xin là cho hết nhưng tôi nhất quyết bảo tôi nuôi không cho ai. Giờ có ai hỏi thì cháu cũng đều bảo “Hỏi bà nội”, bà Lại rưng rưng.
Mặc dù người gầy gò, đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Lại vẫn bảo bà còn khả năng, còn chịu được. Bà vẫn lao động, nuôi các cháu mà không ỉ lại vào ai. Mỗi lần nghĩ đến các con, các cháu bà lại cố gắng, hy sinh sức khỏe mà không hề phàn nàn.
“Cai rượu hẳn thì hơi khó nhưng mình cũng phải nghĩ lo cho vợ cho con”
Có lẽ điều bà Lại phiền lòng không chỉ là con dâu bị trầm cảm sau sinh mà còn cả con trai – anh Sử triền miên với những cơn say. Thế nhưng, bà cũng hiểu được nổi khổ của con trai khi 10 năm trời mong ngóng con, để rồi khi đã dính vào thứ men say ấy khiến thần kinh yếu, không thể kiếm soát bản thân, không thể chăm con, lo toan được nhiều nữa.
“Cháu lúc tỉnh lúc say, rượu vào thì say. Ngày trước, cháu đi làm trong Nam đã uống rồi, về nhà con cái không có nên đi vào con đường uống quá đà. Bây giờ thần kinh yếu, hôm trước đi khám tạng cũng hỏng hết rồi”, bà Lại cho biết.
Ngồi bên cạnh, bà Khoái (hàng xóm) kể thêm, hồi đi chăm con một mình ở viện, cũng vì rượu mà anh Sử để quên cả con, bố một nơi, con một nơi khiến các bác sĩ phải bế con vào và 1-2h sáng gọi điện cho bà Lại lên đón cháu.
Có lẽ hôm nay là một trong ít ngày anh Sử được tỉnh táo để đón tiếp mọi người đến chơi. Chia sẻ về lý do rơi vào những cơn say, anh Sử cho biết, vì buồn về kinh tế, chăn nuôi thua lỗ, vất vả chữa chạy từ Bắc vào Nam mà không có được mụn con nên anh tìm đến rượu giải sầu. Mặc dù vậy, những lúc tỉnh anh vẫn phụ mẹ chăm con, lợn gà. Thậm chí, anh cũng luôn nghĩ cho con, biết rằng trời nóng mình lắm mồ hôi sẽ ảnh hưởng đến con nên anh chỉ dám đưa võng cho con ngủ hay cầm bình sữa cho con ăn những lúc đói.
Đặc biệt, anh hiểu hơn hết sự quý giá khi vất vả có con nên dù say, anh vẫn nhất quyết giữ con mặc dù vợ bị trầm cảm muốn cho đi. Dẫu không dám hứa sẽ bỏ hẳn rượu những anh cũng ý thức được việc mình phải lo cho vợ con, phải suy nghĩ cho gia đình nhỏ.
“Bỏ hẳn hơi khó vì còn phải đi đám đi xứ, bạn bè, uống ít là tất nhiên rồi, mình cũng phải nghĩ để lo cho vợ con thôi. Lúc ở viện chữa chạy cho con, vợ suy nghĩ nhiều về tiền bạc bảo cho con đi nhưng tôi đâu có cho, vẫn bảo còn nước còn tát. Giờ vợ bị vậy phải chăm con thôi, chữa cho vợ khỏi bệnh cũng là mong muốn lớn nhất”, anh Sử cho hay.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 người mẹ của cặp sinh đôi sau 10 năm mong ngóng
Dường như biết mình cần phải cố gắng hơn nên trong cuộc nói chuyện anh Sử chỉ dám lặng lẽ đứng ngoài nhìn mọi người, nhìn các con và mời nước các bác sĩ của bệnh viện Bưu Điện, đặc biệt bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – người đã cho vợ chồng anh được hưởng niềm hạnh phúc làm bố làm mẹ, người đã sinh ra các con anh lần thứ 2.
Còn chị Sáu, dù bị trầm cảm, đờ đẫn, không nhớ cả các con nhưng có lẽ niềm hạnh phúc làm mẹ khi chuyển phôi lần đầu thành công và sự hỗ trợ của Bệnh viện cho gia đình khiến chị không thể quên được các bác sĩ.
Chị vẫn nhớ bác sĩ Nhã, vẫn nhớ cô y tá, điều dưỡng đã giúp mình những năm tháng ở viện thực hiện IVF. Tuy chị không nói được nhiều, gương mặt vẫn thẫn thờ khi mọi người hỏi chuyện nhưng đó cũng là động lực, niềm vui đối với các bác sĩ. Đặc biệt, đối với bác sĩ Nhã, niềm vui nhân lên gấp bội khi bế cặp song sinh – trái ngọt mà mình đã mang đến cho các cặp đôi hiếm muộn.
Hình ảnh bác sĩ Nhã và chị Sáu bế 2 bé song sinh khiến cho mọi người thật sự xúc động. Sự gặp gỡ của 2 người mẹ – một người mẹ đã gieo mầm sống và một người mẹ mang nặng đẻ đau bế cặp song sinh cùng với món quà yêu thương vượt gần trăm cây số giữa trưa hè nắng nóng mà bác sĩ Nhã mang đến có lẽ là hình ảnh đọng lại mãi trong lòng mọi người.
Và đó cũng là động lực đối với gia đình chị Sáu, dù có khó khăn thế nào cũng cố gắng để nuôi 2 bé khôn lớn, thành người, chữa trị cho chị khỏi bệnh.
Xem video :
https://www.youtube.com/watch?v=1WNsnpNEvQw
Theo lamme