Mang thai là một giai đoạn rất đặc biệt của cuộc đời. Mặc dù bạn rất hào hứng và mong chờ em bé ra đời, nhưng trước khi giây phút đó đến, bạn sẽ phải đối mặt với một số vất đề “nho nhỏ”. Và đa số vấn đề mà bạn phải đối mặt trong khi mang thai, đều rất phổ biến.
Tất nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ bất cứ khi nào bạn có các dấu hiệu khó chịu trong khi mang thai. Và dưới đây là danh sách các vấn đề có thể bạn sẽ phải đối mặt trong khi mang thai, để giúp bạn không bị bất ngờ.
Chảy máu lợi
Khi mang thai, bạn có thể bị đau và sưng ở lợi nhiều hơn trước đó. Bạn có thể nhận thấy lợi mình chảy máu khi chải răng, và nguyên nhân có thể là do thay đổi hormone khi mang thai. Tình trạng này thường được biết đến với tên gọi là viêm lợi khi mang thai, và đôi khi đó là một dấu hiệu chỉ báo các bệnh về lợi. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đã trao đổi với bác sỹ hoặc nha sỹ về dấu hiệu này.
Thêm nữa, hãy đến khám và điều trị các vấn đề về răng miệng trước khi bạn có ý định mang thai. Điều này sẽ giúp bạn ít gặp phải những khó chịu răng lợi khi mang thai hơn đấy.
Cảm thấy rất nóng
Nếu bạn luôn cảm thấy nóng khi mang thai, cho dù đó là vào mùa lạnh hoặc khi mọi người đang rét run, thì đó cũng là một dấu hiệu bình thường. Bạn có thể nhận thấy rằng bạn luôn vã mồ hôi hoặc mặt bạn luôn đỏ bừng và khó chịu, giống như khi bạn bị say nắng vậy. Nguyên nhân của tình trạng này là do thay đổi hormone cùng với việc tăng cường lượng máu tới da, khiến bạn luôn cảm thấy nóng trong khi mang thai.
Tiểu tiện không tự chủ
Tiểu tiện không tự chủ là tình trạng bạn sẽ bị rò rỉ nước tiểu không tự chủ khi ho, hắt hơi hoặc khi cười to. Mặc dù đây là một tình trạng rất xấu hổ, nhưng đó lại là một trong số những vấn đề phổ bến nhất trong khi mang thai và đôi khi là cả sau khi sinh. Khi bạn mang thai, các cơ vùng chậu của bạn sẽ giãn ra nhiều hơn để chuẩn bị cho sự chào đời của em bé. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ khó kiểm soát các cơ vùng chậu hơn. Bạn có thể hỏi bác sỹ về một số bài tập cơ vùng chậu và lựa chọn ra bài tập phù hợp và an toàn nhất với thai kỳ của bạn để luyện tập.
Táo bón
Sự thay đổi rất nhiều loại hormone trong cơ thể có thể sẽ khiến bạn bị táo bón hoặc khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện. Để tránh khỏi tình trạng này, hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ ít nhất từ 8-10 cốc nước mỗi ngày. Bạn cũng nên cân nhắc bổ sung thêm nhiều nước vào chế độ ăn của mình, ví dụ như nước ép trái cây tươi, sữa, nước dừa…
Nếu bạn đang phải sử dụng viên sắt và bị táo bón, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ xem bạn có thể đổi loại viên sắt hay không hoặc có thể ngừng uống viên sắt một thời gian hay không. Bởi đôi khi, nguyên nhân của tình trạng táo bón trong khi mang thai là do bạn đang dùng viên sắt.
Có những giấc mơ kỳ lạ, không thể giải thích được
Giấc mơ của bạn có thể sẽ là ác mộng, nhưng điều này là hết sức bình thường nếu bạn xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ khi mang thai. Trong đa số các trường hợp, giấc mơ đều rất kỳ lạ và bạn không thể lý giải được tại sao bạn lại mơ thấy những giấc mơ như vậy. Tuy nhiên, hiện tượng này là hết sức bình thường. Khi mang thai, đặc biệt là nếu bạn mang thai lần đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy rất lo lắng và bối rối. Bạn có thể sẽ thường xuyên lo nghĩ về việc làm mẹ như thế nào, làm thế nào để đảm bảo cả bạn và em bé đều an toàn…
Cảm giác bất an, lo âu và tình trạng thay đổi hormone xảy ra bên trong cơ thể là những nguyên nhân có thể dẫn đến các giấc mơ kỳ lại và không thể lý giải được.
Cảm thấy rất mệt mỏi
Đôi khi, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vào khoảng 3 tháng cuối thai kỳ. Nhưng trong đa số các trường hợp, bạn có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kể từ tuần thứ 12 trở đi. Và kể cả khi bạn đã nghỉ ngơi đầy đủ, thì việc thay đổi hormone trong cơ thể cũng có thể sẽ khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi. Trong giai đoạn này, tốt nhất, bạn nên lắng nghe cơ thể mình và nghỉ ngơi bất cứ khi nào thấy mệt. Tránh đi bộ quá nhiều hoặc làm những việc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Ngứa
Khi bạn mang thai, lượng máu cung cấp tới da sẽ tăng lên đáng kể. Hậu quả là, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ngứa. Khi bước sang 3 tháng cuối, hoặc khi bụng bạn bắt đầu lộ rõ, da vùng bụng của bạn sẽ bị kéo giãn và sẽ khiến bạn bị ngứa dữ dội hơn. Ngứa nhẹ và vừa là một dấu hiệu bình thường và tự nhiên, nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn không bị ngứa dữ dội. Nếu bị ngứa dữ dội, thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe như chứng ứ mật sản khoa hay còn gọi là ứ mật trong gan khi mang thai.
Đau đầu
Bạn có thể sẽ bị đau đầu nhẹ trong vài tuần đầu thai kỳ, trong một số trường hợp, cơn đau có thể cũng sẽ rất dữ dội. Kể cả hiện đau đầu là dấu hiệu bình thường sẽ xảy ra khi mang thai, thì những cơn đau đầu khi mang thai cũng sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Lý do chính khiến bạn bị đau đầu khi mang thai là do thay đổi hormone trong cơ thể. Bạn có thể thử luyện tập yoga hoặc các kỹ thuật thư giãn. Đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước để hạn chế tối đa cảm giác khó chịu này.
Ợ nóng và khó tiêu
Thay đổi hormone trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, đôi khi, tình trạng khó tiêu có thể sẽ xảy ra rất sớm, ngay từ 3 tháng giữa thai kỳ. Ngoài ra, khi em bé phát triển lớn hơn và bụng bạn lộ rõ, tử cung cũng sẽ giãn ra và sẽ tạo ra rất nhiều áp lực lên dạ dày của bạn. Hậu quả là, bạn sẽ cảm thấy rất khó tiêu và bị ợ nóng. Để giảm tình trạng này, bạn nên ăn các bữa ăn nhẹ, chia nhỏ các bữa ăn thành khoảng 6 bữa/ngày thay vì ăn 3 bữa chính. Tránh ăn các loại đồ ăn chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ, cũng không nên để mình bị đói bởi đói sẽ khiến bạn bị ợ nóng.
Chảy máu mũi
Chảy máu mũi đôi khi sẽ khiến bạn hoảng loạn, nhưng chảy một chút máu mũi trong khi mang thai thực ra lại rất bình thường và không có gì phải lo lắng cả. Nguyên nhân chính của tình trạng này cũng là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Ngoài ra, khi bạn mang thai, da của bạn sẽ khô hơn so với bình thường. Niêm mạc mũi cũng vậy, do đó, mũi của bạn có thể sẽ bị kích ứng và chảy máu mọt chút.
Tiết dịch từ núm vú
Bạn có thể sẽ nghĩ rằng bạn chỉ bắt đầu sản xuất ra sữa khi em bé chào đời. Nhưng trên thực tế, cơ thể bạn sẽ bắt đầu chuẩn bị nguồn sữa ngay từ khi bạn đang mang thai. Do vậy, việc tiết ra một chút sữa từ núm vú ngay từ lúc mang thai là một việc rất bình thường. Dịch hay sữa bạn nhìn thấy lúc này chính là sữa non, loại sữa đầu tiên mà em bé sẽ được bú sau này.
Tăng tiết dịch âm đạo
Trong suốt quá trình mang thai, bạn sẽ nhận thấy tình trạng tăng tiết dịch ở âm đạo. Lượng dịch âm đạo không chỉ thay đổi về số lượng, mà còn thay đổi cả về cấu trúc mà mùi của dịch. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng hết sức bình thường. Khi bạn mang thai, niêm mạc âm đạo của bạn sẽ trở nên mềm hơn. Việc tăng tiết dịch âm đạo sẽ giúp bạn chống lại bất cứ tình trạng nhiễm khuẩn nào có thể di chuyển ngược từ âm đạo đến tử cung.
Ra máu âm đạo
Mặc dù việc ra máu âm đạo khi mang thai là bình thường và cũng thường xảy ra, nhưng bạn nên cho bác sỹ biết về thời điểm bạn bị ra máu. Nếu bạn bị ra một chút máu trong khi vừa mới mang thai, thì sẽ được gọi là đốm xuất huyết. Tình trạng này xảy ra khi bào thai bắt đầu làm tổ tại niêm mạc tử cung.
Nếu bạn nhận thấy bạn bị chảy máu trong 12 tuần đầu của thai kỳ, thì đó cũng có thể là dấu hiệu của sảy thai hoặc chửa ngoài tử cung. Tuy vậy, cũng không nên quá hoảng loạn. Bởi cũng có rất nhiều phụ nữ bị ra máu âm đạo trong khoảng thời gian này nhưng vẫn có thai kỳ khỏe mạnh và em bé vẫn có thể chào đời. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng bạn đã thông báo cho bác sỹ ngay khi bạn bị ra máu âm đạo.
Mất ngủ
Cũng giống như tình trạng mệt mỏi và kiệt sức khi mang thai, mang thai cũng có thể sẽ khiến bạn bị mất ngủ hoặc khó ngủ. Rất nhiều thay đổi diễn ra trong cơ thể bạn giai đoạn này sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, khi bụng bạn lớn hơn, bạn sẽ cảm thấy bị tăng áp lực ở vùng bụng khi nằm xuống. Đừng nên suy nghĩ quá nhiều về vấn đề mất ngủ bởi càng suy nghĩ thì bạn sẽ càng bị mất ngủ nhiều hơn mà thôi. Hãy cố gắng tìm một tự thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Nếu bạn cảm thấy mình không thể ngủ được một giấc dài vào ban đêm, hãy cố gắng chợp mắt trong suốt cả ngày hoặc bất cứ khi nào có thể. Bạn cũng có thể ngồi trên một chiếc ghế thoải mái và chợp mắt một lát, nếu được.
Đau ở vùng chậu
Mặc dù đây là dấu hiệu không quá phổ biến, nhưng rất nhiều phụ nữ sẽ bị đau và khó chịu tại vùng chậu khi mang thai. Tình trạng đau ở vùng chậu như vậy được gọi là đau vùng thắt lưng chậu khi mang thai (pregnancy-related pelvic girdle pain – PPGP) hoặc rối loạn chức năng khớp mu (symphysis pubis dysfunction – SPD). Một số triệu chứng phổ biến của tình trạng đau vùng thắt lưng chậu khi mang thai là đau ở cả 2 bên thắt lưng, đau ở vùng giữa âm đạo và hậu môn, và đau gần xương mu. Bạn có thể bị đau nhiều nhất khi đi bộ, khi trèo lên giường, khi leo cầu thang hoặc khi đứng bằng một chân. Hãy nói chuyện với bác sỹ ngay khi bạn nhận thấy mình bị đau khi mang thai.
Mang thai sẽ khiến bạn phải trải qua rất nhiều thay đổi của cơ thể và rất nhiều trong số những thay đổi này có thể sẽ dẫn đến các triệu chứng khó chịu. Mặc dù các vấn đề kể trên đều rất phổ biến, nhưng bạn nên nhớ rằng, mỗi thai kỳ ở mỗi phụ nữ đều khác nhau. Dấu hiệu có thể là bình thường với người này nhưng sẽ là bất thường với người khác. Do vậy, bạn hãy đảm bảo rằng đã trao đổi tất cả các dấu hiệu với bác sỹ dể có được những lời khuyên chính xác nhất.
Theo beyeu