Các bác sĩ nhi khoa đề nghị cho trẻ bú mẹ cho đến khi trẻ ít nhất được một tuổi và nhiều mẹ tiếp tục cho con bú lâu hơn nữa. Vậy cho con bú kéo dài có những lợi ích nào?
Là người mẹ của tám đứa trẻ và là một chuyên viên tư vấn sữa mẹ có chứng nhận, Robin Elise Weiss biết tất cả mọi điều cần biết về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi cho con bú, cô ấy chọn cho bú kéo dài hoặc lâu dài, có nghĩa là cho bú tới chừng nào trẻ không muốn nữa thì thôi. Cô ấy gọi nguyên tắc của mình là “Đừng yêu cầu, đừng từ chối.” Có nghĩa là cô ấy không bắt trẻ bú, cũng không từ chối khi trẻ muốn.
Weiss thường xuyên nói với các bệnh nhân của cô ấy rằng cho trẻ 18 hay 24 tháng bú mẹ cũng đều có nhiều lợi ích như cho trẻ sơ sinh bú vậy.
Cô ấy chia sẻ các lợi ích nổi bật nhất của việc cho bú kéo dài như sau:
Cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
“Nhiều người nghĩ sữa mẹ sau một năm sẽ không còn giá trị dinh dưỡng nữa, và điều này không hề đúng,” Weiss nói. Dù cho con bạn có bao nhiêu tuổi, bé vẫn tiếp tục nhận lợi ích từ lượng đạm, calci, chất béo, vitamin A, và các chất dinh dưỡng khác trong sữa mẹ. Ví dụ như cải bó xôi, bạn ăn nhiều hay ăn ít cải bó xôi thì bạn cũng vẫn nhận được các chất dinh dưỡng từ nó. Bạn ăn cải bó xôi lần đầu tiên hay lần thứ 1,000 thì nó vẫn tốt cho sức khỏe của bạn.
Nâng cao hệ miễn dịch.
Trẻ bú mẹ giảm được các nguy cơ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong thấp hơn. Càng cho trẻ bú lâu, trẻ càng ít khả năng mắc những bệnh mà chúng ta cho là có liên quan đến việc không cho trẻ bú mẹ, ví dụ bệnh viêm tai và viêm hô hấp trên.
Mẹ cho con bú cũng ít bị ung thư vú hơn, ít nguy cơ bị ung thư buồng trứng và ung thư màng trong dạ con.
Lợi ích của việc cho con bú mẹ mang tính tích lũy, nghĩa là một người mẹ cho hai bé bú, mỗi bé bú hai năm, thì lợi ích cũng tương đương với một người mẹ cho bốn bé bú, mỗi bé bú một năm.
Các nghiên cứu cho thấy cho con bú thúc đẩy não của các em bé phát triển, không phải chỉ từ các chất dinh dưỡng có trong sữa. Weiss nói rằng những em bú mẹ cả hai bên bầu ngực được thay đổi vị trí đặt nằm ở hai hướng khác nhau, và sẽ có cơ hội được nhìn và sờ mó sự vật ở hai hướng ngược nhau. Còn khi cho bé bú bằng bình, bố mẹ có khuynh hướng sử dụng tay thuận của mình và đặt bé nằm cùng một vị trí. Weiss khuyến khích bố mẹ cho con bú bình nên thay đổi hướng nằm của bé và bình bú để giúp bé luyện tập khả năng đụng chạm đồ vật và phát triển não của bé.
Cho bú là một cách xoa dịu, an ủi bé.
Cho bú là cơ hội để hai mẹ con gắn kết với nhau, và cũng là một cách giúp bé bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng. Weiss nói mỗi khi con cô ấy cáu gắt, khó chịu trong người, cô ấy cho con bú để phân tán và làm dịu bé trước, rồi trong lúc cho bú thì kiểm tra xem bé có đau, có sưng chỗ nào không.
Cho bú cũng giúp mẹ bình tĩnh nữa.
Mẹ có rất nhiều thứ phải làm, và rất dễ bị cuốn vào các công việc, việc nhà và các vấn đề gia đình. Weiss nói cô ấy yêu những phút giây nghỉ ngơi khi cho con bú. Cô ấy biết đó là là khoảng thời gian chỉ dành cho cô ấy và con, mọi thứ khác có thể chờ. Cô ấy nói, “Đối với tôi, cho bú luôn là cơ hội để tôi được ngồi xuống và bình tĩnh lại.”
Cho con bú mẹ rất tiện lợi.
Mặc dù cho con bú lâu dài cần phải lên kế hoạch nhưng nó vẫn thuận tiện rất nhiều so với bú sữa công thức. Chỉ cần kéo áo lên, ẵm bé lại gần và cho bú. Rất nhanh!
Một cuộc nghiên cứu ở Brazil từ năm 1982 theo dõi gần 6,000 trẻ em với đủ hoàn cảnh gia đình khác nhau từ lúc mới sinh trong ba thập niên qua. Gần 3,500 trong số chúng, bây giờ đã được 30 tuổi, chấp nhận được phỏng vấn và kiểm tra chỉ số thông minh. Kết quả cho thấy những đứa trẻ đã được cho bú mẹ thông minh hơn, theo đuổi việc học hành lâu hơn và thu nhập cao hơn những đứa trẻ không được bú mẹ. Và những đứa mà khi nhỏ được cho bú càng lâu thì càng thể hiện tốt. Một điểm quan trọng nữa mà cuộc nghiên cứu này mang lại, đó là không chỉ những người mẹ có hoàn cảnh khá giả và có giáo dục cho con bú. Cho con bú không giới hạn ở một nhóm xã hội kinh tế nào mà nó phân bổ đều khắp các tầng lớp xã hội. Vì thế những người có thành tựu cao khi 30 tuổi không phải do họ xuất thân từ những gia đình có điều kiện.
Khi phân tích kết quả, các nhà nghiên cứu còn xem xét cả thu nhập của gia đình khi mới sinh con, trình độ học vấn của cha mẹ, mẹ có hút thuốc khi mang thai hay không, cân nặng của trẻ lúc sinh ra, và phương pháp sinh nở để tránh cho các yếu tố này ảnh hưởng đến kết quả. Họ tìm thấy rằng tất cả những đứa trẻ được bú mẹ 12 tháng có chỉ số thông minh cao hơn những đứa trẻ được bú mẹ chưa đến 1 tháng đến 4 điểm, học hành nhiều hơn 1 năm, và thu nhập nhiều hơn khoảng 70 bảng một tháng – cao hơn khoảng 1/3 thu nhập trung bình.
Theo beyeu