Bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi đã bắt đầu cứng cáp hơn, cựa quậy nhiều hơn. Mẹ bầu lúc này cũng giảm đi phần nào cảm giác khó chịu như thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan vì giai đoạn này là cực kỳ quan trọng.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Châu Quỳnh, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh cho biết 3 tháng giữa thai kỳ được tính từ tuần 14 đến tuần thứ 27. Từ thời điểm này thai nhi bắt đầu phát triển nhanh hơn và bụng của mẹ bầu cũng to dần.
Trải qua thời kì ốm nghén vất vả, bước vào tuần đầu tiên của 3 tháng giữa thai kỳ, các mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn. Có rất nhiều điều thay đổi diễn ra với mẹ và cả thai nhi.
1. Những thay đổi ở cơ thể mẹ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ
Cân nặng:
Trọng lượng cơ thể mẹ bầu chắc chắn sẽ thay đổi. Ở mỗi giai đoạn khác nhau thì trọng lượng cơ thể của mẹ bầu cũng có sự khác nhau. Trung bình mẹ có thể tăng từ 0,5kg mỗi tuần, hoặc 1,5 – 2kg mỗi tháng trong ba tháng giữa thai kỳ.
Tâm lý:
Mẹ sẽ cảm thấy khá thoải mái và hạnh phúc khi chứng kiến bé yêu trong bụng đang dần lớn lên từng ngày. Cảm thấy yêu đời hơn, hào hứng hơn khi nghĩ về tương lai khi em bé chào đời, đặc biệt là những giao tiếp giữa bé và mẹ lúc này cũng khiến người mẹ cảm thấy ấm áp vui vẻ đến lạ thường.
2. Mẹ có biết những thay đổi về bé trong 3 tháng giữa thai kỳ
Lúc này da và các tuyến trong da của em bé đã hoàn chỉnh dần và tiết ra chất gây. Đến khoảng tháng thứ 7 buồng trứng sẽ được hình thành hoàn chỉnh (bé gái) và tinh hoàn từ bụng xuống bìu (bé trai).
Ở 3 tháng giữa thai kỳ thai nhi có sự thay đổi rất rõ rệt cả về kích thước lẫn các bộ phận khác. Trong khoảng thời gian cuối giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi nặng khoảng 0,8 kg, dài khoảng 33 cm. Cùng với đó là sự phát triển của các ngón tay, ngón chân, lông mày, và lông mi.
Bên cạnh đó, hầu hết vào cuối giai đoạn, các cơ quan cơ bản của thai nhi như: tim, phổi, thận đều đã được hình thành và tiếp tục hoàn thiện ở các tháng tiếp theo của thau kỳ. Mẹ sẽ được trải qua những giây phút đặc biệt khi sự chuyển động của thai nhi (thai máy) xuất hiện lần đầu trong thời gian này từ lúc con được 19 tuần, sẽ rõ hơn khi thai nhi được khoảng 25-28 tuần.
Cảm giác lần đầu mầm non trong bụng cử động sẽ là kỷ niệm khó quên mà chỉ có những người mẹ mới được trải qua. Hãy tận hưởng khoảnh khoắc mà sợi dây gắn kết giữa mẹ và bé thêm bền chặt hơn này mẹ nhé!
3. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, không nên ăn kiêng quá nhiều
Ngoài những thay đổi của mẹ và thai nhi mẹ bầu cần đảm bảm chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý. Do sự phát triển của bé mẹ bầu cần nạp thêm năng lượng cho cơ thể. Lúc này mẹ bầu cần cung cấp 2550 kcal/ ngày, tăng hơn 350 kcal so với bình thường.
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho cơ thể, trong đó ưu tiên các nhóm tinh bột và giữ tỷ lệ cân đối với các nhóm khác. Hãy lưu ý những điều dưới đây:
Cung cấp axit béo cần thiết, giúp cho sự phát triển não bộ của thai nhi một cách tốt nhất.
Thường xuyên bổ sung lượng vitamin và chất xơ cho cơ thể thông qa các loại rau quả tươi.
Đặc biệt đảm bảo chế độ ăn chín uống sôi, không ăn các loại thực phẩm hư hỏng, hâm đi hâm lại, và có chứa chất bảo quản…
Tránh xa các chất có hại như: rượu, bia, thuốc lá, cồn, caffein và một số loại đồ uống có ga, … gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ngoài việc ăn uống bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ bầu có thể cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể bằng việc uống thêm một số loại viên uống bổ sung, đặc biệt là sắt và axit folic theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong thời kỳ mang thai này mẹ bầu cũng chú ý không nhuộm tóc hay thuốc bôi mặt, hóa mỹ phẩm. Khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, không tự ý điều trị.
4. Những xét nghiệm cần thiết và các biểu hiện bất thường trong thai kỳ
Trong thời gian này mẹ cũng sẽ được hướng dẫn làm các xét nghiệm cần thiết, hãy lưu ý những điều dưới đây mẹ nhé!
Các bác sĩ sản phụ khoa lưu ý, từ sau tuần thứ 20 một số biến chứng của thai kỳ có thể xảy ra như tiền sản giật, thai chế lưu, nhau tiền đạo, nhau bong non, ối vỡ non, sinh cực non,…
Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn này như nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, đau thượng vị, phù nhiều, tiểu gắt, tiểu buốt, bụng gò cứng kèm đau, ra nước hoặc ra huyết âm đạo,…
Nếu có một trong những dấu hiệu trên, đừng chần chừ hãy đến gặp bác sĩ ngay mẹ nhé!
5. Có nên quan hệ tình dục ở 3 tháng giữa thai kỳ?
Trong 3 tháng giữa, cơ thể mẹ có những thay đổi có đặc biệt có lợi cho “chuyện ấy”. Lúc này lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục vùng chậu (tử cung, âm đạo) và vú tăng lên, dịch âm đạo cũng tiết ra nhiều hơn, do đó làm tăng khả năng cực khoái cũng như ham muốn.
Bởi vậy nên các chuyên gia cho rằng, 3 tháng giữa thai kỳ là thời điểm thăng hoa trong đời sống vợ chồng. Dù đã yên tâm hơn khi quan hệ tình dục nhưng vẫn cần có sự cẩn trọng.Vợ chồng cần biết lựa chọn các tư thế an toàn cho mẹ và con và không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
6. Luyện tập thể dục thích hợp với bà bầu
Mẹ bầu nên luyện tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ, thư giãn sau khi ăn, hoặc tập các bài tập aerobic nhẹ nhàng. Việc tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cho mẹ có một sức khỏe tốt, một tinh thần sảng khoái mà còn giúp đẩy lùi bệnh tật và sẵn sàng cho sự ra đời của bé yêu một cách trọn vẹn.
Mẹ bầu cũng có thể tham khảo các bài tập bơi, đặc biệt là yoga để có thể vừa thư giãn vừa hỗ trợ sức khỏe giúp quá trình sinh nở được thuận lợi hơn.
Theo ohman