Đau bụng có thể là triệu chứng của một bệnh lý thực thể như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, viêm mật, tụy, tắc ruột… nhưng cũng có khi chỉ là một biểu hiện rối loạn sinh lý do rối loạn co thắt cơ dạ dày-ruột.
Vị trí đau bụng có thể giúp chẩn đoán một số bệnh. Trong trường hợp bị đau bụng thường xuyên và dữ dội ở những vị trí sau, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức:
Đau bụng bất chợt bên sườn phải: Cụ thể vị trí đau bên sườn phải, sau đó có thể lan ra những vùng khác của bụng hoặc lưng. Nguyên nhân gây nên cơn đau có thể do bạn bị sỏi mật hoặc viêm túi mật.
Các cơn đau bụng vùng rốn: Đau bụng vùng gần rốn có thể liên quan tới rối loạn ruột non hoặc viêm ruột thừa. Nếu là đau do viêm ruột thừa, nếu không điều trị kịp thời ruột thừa có thể bị vỡ và gây viêm phúc mạc gây nguy hiểm cho người bệnh. Có thể nhận biết các dấu hiệu của ruột thừa như buồn nôn, nôn, chán ăn, sốt nhẹ, có nhu cầu trung tiện hoặc đại tiện.
Các cơn đau vùng trên rốn: Vị trí nằm ở trên rốn, giữa của bụng là vùng thượng vị. Nếu xuất hiện cảm giác đâu ở vùng này có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn tá tràng, tụy hoặc túi mật.
Đau bụng bất chợt dưới rốn: Cụ thể cơn đau có thể lan tỏa sang hai bên rốn. Nguyên do gây nên cơn đau là do bạn bị rối loạn đường ruột, viêm nhiễm đường tiểu hoặc viêm khung chậu.
Đau bụng quặn bụng bất chợt: Cụ thể cơn đau xuất hiện gần hạ sườn, lan xuống háng. Trường hợp này do có thể do bạn bị sỏi thận hoặc nếu kèm theo sốt có thể là viêm túi mật hoặc thận. Phương pháp xử trí trường hợp này là bạn nên uống thật nhiều nước. Nếu bạn bị sốt, nên đi bác sĩ ngay.
Có cảm giác nóng rát trong bụng: Cảm giác nóng rát xuất hiện dưới xương ức, đặc biệt sau khi ăn. Nguyên nhân hình thành nên cảm giác này là do trào ngược thực quản. Biện pháp xử trí khi bị trào ngược dạ dày đó là bạn nên uống thuốc chống tiết axít và tránh những bữa ăn đầy chất béo. Nếu cơn đau kéo dài nhiều tuần, nên đi bác sĩ.
Đau bụng bất chợt và ra máu: Cụ thể là cơn đau trong dạ dày kèm đi tiêu ra máu hoặc ói ra máu. Nguyên do là vì xuất huyết nội. Cách xử trí tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện.
Đau bụng hoặc khó chịu ở bụng tái phát: Tình trạng cụ thể của cơn đau đó là bạn cảm thấy đau âm ỉ trong bao tử và tái phát sau nhiều tuần, nhiều tháng, kèm theo các triệu chứng là tiêu chảy, táo bón, đầy bụng. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do bạn bị dị ứng lactose, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
Các cơn đau bụng trên bên trái: Thường thì các cơn đau vùng này xuất hiện ít hơn, tuy nhiên, nếu bạn có những cơn đau như vậy thì rất có thể bạn bị rối loạn đại tràng, dạ dày hoặc tụy.
Các cơn đau bụng trên bên phải : Nếu người bệnh thấy đau dữ dội bụng trên bên phải thường liên quan tới viêm túi mật. Các cơn đau có thể lan ra giữa bụng và xuyên ra sau lưng. Đôi khi, viêm tụy hoặc tá tràng cũng có thể đau vùng này.
Các cơn đau bụng dưới bên trái: Nếu thấy các cơn đau xuất hiện ở vùng này thường là rối loạn đại tràng xuống, nơi phân được thải ra. Các rối loạn có thể gồm viêm túi thừa hoặc viêm đại tràng – bệnh Crohn hoặc viêm loét tá tràng.
Các cơn đau bụng dưới bên phải: Có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm đại tràng . Một số trường hợp khác có thẻ nặng hơn là viêm ruột thừa.
Các cơn đau bụng di chuyển: Đó là chỉ các trường hợp cơn đau di chuyển dọc theo đường dẫn truyền thần kinh sâu và đau ở các vị trí xa nơi gây bệnh. Một số trường hợp điển hình cho cơn đau này như đau do viêm túi mật (lan lên ngực và dọc vai phải) và đau do rối loạn tụy (cơn đau lan giữa hai vai).