Ngay từ buổi thi đầu tiên, kì thi THPT Quốc gia năm nay đã xuất hiện những trường hợp thí sinh đặc biệt ở nhiều điểm thi khác nhau trên cả nước.
Thí sinh 50 tuổi bị nhầm là giám thị
Trong lúc làm thủ tục dự thi tại điểm thi trường THPT Lê Viết Thuật (TP.Vinh), nhiều thí sinh nhầm tưởng chị Nguyễn Thị Thanh Vân là giám thị, bởi cách ăn mặc lịch sự và ngoại hình đứng tuổi. Nhưng thật ra, chị Vân cũng như bao thí sinh khác, có mặt tại đây để dự thi.
Được biết, chị Vân năm nay đã 50 tuổi và hiện đang là y sĩ công tác tại Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Chị Vân quyết định đăng kí thi THPT Quốc gia năm nay là để xét nguyện vọng vào trường ĐH Y khoa Vinh. Với một người đã có gia đình, công việc bận rộn và lớn tuổi, việc tiếp tục thi cử và học hành là điều không hề dễ dàng. Nếu trúng tuyển, chị Vân sẽ mất ít nhất 6 năm để học tại trường y và lúc ra trường cũng vừa quá tuổi nghỉ hưu. Nhiều bạn bè khuyên “thôi” nhưng chị vẫn muốn thực hiện, vì đó là ước mơ.
Chị Vân chia sẻ thêm, ước mơ này đã phải tạm hoãn khá lâu vì phải dành thời gian nuôi hai con học hành và công việc ở bệnh viện cũng bận rộn. Đến nay, khi con trai cả đã là giảng viên đại học Điện lực Hà Nội, con trai thứ 2 đang học nghiên cứu sinh tại Anh, thì người mẹ này mới nhẹ gánh để tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở.
Là thí sinh lớn tuổi, nhưng chị Vân cho biết mình dự thi với tâm lí thoải mái, nhẹ nhàng. Chị chỉ dự thi ba môn Toán, Hóa học, Sinh học, trong khi các em học sinh phải trải qua nhiều môn thi hơn, nên theo thí sinh 50 tuổi thì áp lực của chị không lớn lắm. Tất nhiên, với số điểm dành cho các chuyên ngành y khoa luôn cao ngất ngưỡng thì việc thi tuyển cũng sẽ khó khăn hơn.
Chị Vân chia sẻ thêm, gia đình chính là hậu phương vững chắc giúp chị thực hiện ước mơ. Dù không muốn mẹ thi cử áp lực, nhưng vì đó là ước mơ của mẹ nên chồng và các con đã giúp chị cũng tìm thêm tài liệu, sách vở, cập nhật kiến thức mới, cách thức thi. Ngoài ra, chị Vân cũng tranh thủ đến lớp ôn luyện cấp tốc vào buổi tối để được hướng dẫn thêm.
Phòng thi đặc biệt: 1 thí sinh, 3 cán bộ coi thi
Tại điểm thi THPT Chi Lăng, huyện tịnh Biên, An Giang, cũng có một trường hợp dự thi đặc biệt với 1 thí sinh và 3 cán bộ coi thi. Theo đó, thí sinh Phạm Quốc Sơn (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) sẽ dự thi một mình một phòng và có 3 giám thị. Trong đó, một cán bộ viết hộ bài thi cho thí sinh.
Được biết, đây là trường hợp đặc biệt được Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tại An Giang kiến nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cho giải pháp xử lí tình huống trước giờ G. Trước đó, ngày 20/6, Sơn bị tai nạn, đứt động mạch chủ ở cẳng tay phải. Đến ngày 22/6, Sơn được xuất viện nhưng tay phải vẫn chưa viết được, nên gia đình đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng thi An Giang trang bị 2 máy ghi âm, cử người viết hộ không có chuyên môn về Văn và 2 cán bộ coi thi khác giám sát trong – ngoài phòng thi.
Trước giờ thi, ngoài thực hiện thao tác mở niêm phong đề thi, các giám thị còn mở niêm phong lấy 2 máy ghi âm ra để trên bàn của Sơn. Trong các môn thi, chỉ môn Văn là thực hiện hình thức làm tự luận nên cần phải có người viết hộ cho Sơn. Sở Giáo dục – Đào tạo An giang cũng lập phòng riêng biệt cho thí sinh này dự thi theo chỉ đạo của Bộ.
Thí sinh 53 tuổi học để giúp đỡ bệnh nhân nghèo
Tại điểm thi trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) sáng nay, cũng có một thí sinh đặc biệt được chú ý đến. Nữ thí sinh này đã 53 tuổi và hiện đang làm điều dưỡng. Do trong quá trình công tác, gặp nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và muốn được giúp đỡ nhưng không đủ năng lực, nên chị đã quyết định thi và học. Thí sinh này chia sẻ mình đã có bằng y sĩ Đông y, nhưng muốn chữa bệnh cần có năng lực, hành nghề y không thể lơ mơ được nên chị muốn theo học ngành y học cổ truyền bài bản và chuyên sâu.
Câu chuyện về các thí sinh đặc biệt của “mùa tuyển sinh” năm nay khiến nhiều người cảm phục về ý chí và nghị lực của họ. Dù gặp khó khăn về sức khỏe hay rào cản về tuổi tác, họ vẫn quyết tâm thực thiện bước đệm đầu tiên cho con đường học vấn của mình.
Theo Ohman