Người Việt Nam đang dần trở nên những người tiêu dùng thông minh, nên các nhà sản xuất và chuyên gia Marketing cũng dần trở nên “khôn ngoan” hơn trong cách thức “móc túi” khách hàng.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ thế giới thật sự ảnh hưởng nặng nề lên Việt Nam 2012-2014, nhiều công ty tập đoàn thực phẩm đồ uống không những phải thắt lưng buộc bụng mà còn phải tìm cách giảm chi phí sản phẩm bán ra. Theo một chuyên gia tài chính trong ngành, hiện tại mức lợi nhuận trước thuế, chưa bao gồm hoạt động chiêu thị, khuyến mãi bán hàng của các công ty ở mức 60-80%, nhưng mức lợi cuối cùng sau khi khấu hao tất cả chi phí chỉ còn ở mức khoảng 30% với các tập đoàn lớn và 25% với các công ty nhỏ. Theo vị chuyên gia này, mức lợi nhuận trên là quá thấp và không thể chấp nhận được, nhất là với các tập đoàn đa quốc gia vốn đặt kỳ vọng lợi nhuận và tăng trưởng rất cao (trên 35%) ở những nước đang phát triển. Những ý tưởng về giảm kích thước hoặc tăng giá lần lượt được đưa ra.
Dạo một vòng quanh các siêu thị, cửa hàng, nếu chỉ dựa vào cảm quan ban đầu, chúng ta dễ dàng bị đánh lừa rằng ngành hàng nước giải khát đang cố gắng bám trụ mức giá cố định bao năm qua để không làm người tiêu dùng thiệt hại. Tuy nhiên, hơn phân nữa trong số này đang dùng những chiêu trò hết sức tinh vi trong chuyện giảm đáng kể kích cỡ nhưng giữ nguyên giá, một số khác cố gắng giữ kích cỡ hoặc tăng đôi chút và tăng giá nhưng dùng nhiều chiêu trò khuyến mãi, tặng kèm với sự hỗ trợ nhiệt tình của người bán lẻ để che mắt. Nhưng tinh vi nhất vẫn là thay đổi thành phần thức uống (thường đồng nghĩa với hy sinh một tính năng, chất lượng nào đó của sản phẩm).
Đơn cử, một số sản phẩm giảm dung tích, trọng lượng nhưng giá bán sỉ chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm nên giá bán lẻ hầu như không giảm. Ví dụ 1 số sản phẩm nước giải khát ở Việt Nam đã âm thầm giảm từ 10% -20% dung tích ban đầu xuống 390ml hoặc 400ml, nhưng giá bán vào cửa hàng thì chỉ giảm 2,000- 4,000đ/thùng nên giá bán lẻ cuối cùng vẫn giữ nguyên.Hay 1 số các nhà sản xuất cà phê hoà tan trong và ngoài nước như đã đồng loạt giảm trọng lượng, ví dụ giảm từ 19g xuống còn 17g/gói hay từ 20g xuống còn 18g/gói. Như vậy trước đây để pha được 1 ly cà phê chỉ cần 1 gói nhỏ thì nay với trọng lượng rút xuống 10-20%, người tiêu dùng phải dùng tới 2 gói.. Do đó khi một sản phẩm giảm dung tích hay trọng lượng mà không giảm giá thì thực tế người tiêu dùng phải trả thêm tiền để có chất và lượng như cũ.
Giá trị thật sự của một sản phẩm nằm ở chất lượng và giá tiền, cũng như những cam kết vì lợi ích cộng đồng. Việc âm thầm nâng giá, tìm cách che giấu bằng những biện pháp Marketing tinh vi rõ ràng đã đi ngược lại hoàn toàn lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên do luật pháp không quy định hay ngăn cản điều này, nên cách duy nhất là người tiêu dùng cần đề phòng, tỉnh táo và đưa ra những lựa chọn thông minh. Trong thời điểm bão giá và trào lưu tăng giá hiện nay, những công ty bám trụ mức giá cũ dù chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh nhưng cũng nói lên được mức độ cam kết lâu dài với cộng đồng.