Sáng nay vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa mới mua dọc đường đi làm, vừa tranh thủ đọc báo, em hoảng hồn khi nhấp vào bài báo một chủ cơ sở sản xuất nhuộm đen cà phê bằng pin.
Ly cà phê trên tay em muốn rơi xuống đất. Vị ngon ngọt thơm ngào ngạt mùi bơ của nó trước đó giờ bỗng dưng đắng chát trong miệng, dù là chỗ bán cà phê em mau bảo là cà phê sạch, cà phê nguyên chất nhưng ai biết được trong đó có gì. Thật là em không thể nào uống nổi thêm một ngụm nào nữa. Cứ tưởng tượng cái thứ mình đang uống là “cà phê pin” thì em toát cả mồ hôi.
Khủng khiếp quá các mẹ ạ. Vì lợi nhuận, vì tiền mà con người ta có thể không từ bất cứ thủ đoạn nào, mặc kệ sức khỏe người khác. Mặc kệ cho mỗi ngày có biết bao nhiêu người phải từ giã sự sống vì căn bệnh ung thư quái ác, người ta vẫn cứ bất chấp vì tiền.
Cơ sở nhuộm đen cà phê bằng pin của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông mỗi tháng bán ra cả tấn cà phê bột. Khủng khiếp chưa các mẹ. Bà này khai, bà thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… sau đó dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm đen cà phê, đóng gói bán ra thị trường. Nhớ lại trước đây mỗi lần chồng em đi công tác Đắk Nông, thế nào em cũng dặn mua cà phê về làm quà cho bạn bè đồng nghiệp, giờ thì thôi hết dám luôn.
Thật không ngờ ở xứ sở cà phê, mà người ta còn đang tâm sản xuất ra những loại cà phê cực độc thế này. Trước đây em có nghe nói người ta dùng bắp và đậu nành rang cháy rồi trộn chung với cà phê để cho có lời, mặc cho những lời cảnh báo rằng uống thứ cà phê này vào người là lãnh đủ, các loại bệnh tật, ung thư sẽ tìm tới. Người bán thì vì lợi nhuận, người mua thì vì ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng của mình mà chấp nhận uống cà phê này. Nhớ có lần, em share bài cảnh báo về cà phê bẩn trên facebook, có người đã nói rằng, “uống cà phê này quen rồi, giờ cà phê sạch, cà phê nguyên chất là không uống được”. Ôi thôi em cũng chịu thua luôn các mẹ ạ.
Khi lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang cơ sở nhuộm đen cà phê bằng pin này thì phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con ó, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg… dùng để nhuộm đen cà phê.
Cơ sở chế biến cà phê của bà Loan hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn được nhuộm đen bằng… pin. Trời ơi nghe mà hãi hùng luôn các mẹ. Nhiều năm nay bà này đã sản xuất ra không biết bao nhiêu tấn cà phê cực độc. Cứ trung bình mỗi tháng 1 tấn cà phê được bán ra, thì mỗi năm bà bán ra thị trường 12 tấn cà phê. Có biết bao nhiêu người phải bỏ tiền ra mua cái thứ chất độc này để uống. Họ đâu có biết thứ cà phê được quảng cáo là cà phê sạch, cà phê nguyên chất kia thực ra chỉ toàn là phế phẩm, vỏ cà phê, cà phê thải. Nếu chỉ là vỏ cà phê và cà phê thải thì cũng đỡ phần nào. Nhưng vì nếu chỉ dùng những thứ này thì cà phê không có màu đen, và bà Loan phù phép bằng cách mua pin về đập bẹp lấy lõi rồi hòa nước để nhuộm cà phê. Còn muốn cà phê thơm, sánh như cà phê thật thì có gì đâu khó, cứ ra “thiên đường hóa chất” Kim Biên là từ thượng vàng hạ cám đủ cả.
Còn nhớ, có một người quen gần nhà em cũng từng sản xuất cà phê bột. Nhưng anh ta chẳng biết hạt cà phê trông như thế nào. Toàn bộ cà phê là bột và hóa chất để tạo hương, tạo màu, tạo độ sánh, là tinh cà phê mà chợ Kim Biên bán đầy muốn bao nhiêu cũng có. Vậy nên anh ta chẳng bao giờ uống cà phê mình làm ra.
Em không hiểu sao người ta có thể làm ăn thất đức đến vậy. Họ không biết sinh mạng con người đáng quý hay sao mà chỉ vì ba đồng lợi nhuận mà dám làm mọi thứ, bất chấp mọi thứ. Cứ làm cà phê bẩn, bán ra thị trường, thu tiền bỏ túi, không màng đến sức khỏe của biết bao nhiêu người uống phải thứ cà phê độc hại.
Nói chủ cơ sở này làm ăn thất đức, thì cũng phải nói thêm rằng chỉ tại nhiều người quá ham rẻ mà không màng đến chất lượng nên những kẻ ác ôn mới có đất mà sống. Thử hỏi nếu không ai tìm mua những loại cà phê chỉ 70, 80 ngàn một ký, thì những cơ sở cà phê này bán cho ai? Có cung nên ắt có cầu. Nếu những người tiêu dùng biết bảo vệ sức khỏe của mình, biết nói không với những loại cà phê bẩn, cực bẩn này thì làm gì mà mỗi tháng cơ sở này tiêu thụ được cả tấn cà phê đúng không các mẹ?
Mà còn có chiêu trò này nữa các mẹ à. Cà phê bẩn, cà phê cực độc được gắn mác cà phê sạch, cà phê nguyên chất, bán ra thị trường với giá của cà phê nguyên chất, lợi nhuận cao vô cùng. Với người ham rẻ đã đành, với người chấp nhận số tiền xứng đáng ra để mua cà phê sạch, rốt cuộc vẫn bị lừa. Vì cà phê giờ rang xay đóng gói, cái nào cũng thơm như nhau, người mua làm sao mà phân biệt, nên chỉ chờ vào lương tâm người bán mà thôi.
Những loại cà phê bẩn bán đầy ở chợ, trung bình 80 ngàn một ký, thì một tấn cũng thu về 80 triệu đồng, trong khi ở các tỉnh như Đắk Nông, Đắk Lắk, thủ phủ cà phê, thì vỏ cà phê rẻ bèo, người ta chỉ cùng làm phân, chứ ai mà xay uống, còn cà phê thải loại đen, vỡ cũng có giá rất rẻ, rẻ vô cùng, ở các cơ sở sản xuất cà phê sạch, cà phê đen vỡ này bị loại ra. Tính ra một tấn cà phê chi phí đâu hết bao nhiêu mà bỏ túi những 80 triệu đồng, với bà chủ cơ sở nhuộm đen cà phê bằng pin này đúng là làm giàu không khó thật các mẹ ạ.
Pin là thứ cực kỳ độc hại các mẹ ạ. Nó có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.
Uống cà phê được nhuộm đen bằng pin, các chất như chì, magie, mangan trong pin sẽ gây ngộ độc. Nhẹ thì ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư. Với chì có trong pin, tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh…, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa.
Đọc vụ nhuộm đen cà phê bằng pin, em nhớ mấy vụ người ta luộc bắp, nấu bánh chưng bằng pin mà vẫn còn sợ, thật là đến giờ em chẳng bao giờ dám mua bắp luộc ngoài đường hay mua bánh chưng ngoài chợ nữa. Vì nhiều người sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào, mánh khóe nào, trò gian dối, thất đức nào, miễn có tiền.
Những kẻ làm ăn thất đức thì trước sau gì cũng nhận quả báo nặng nề. Nhưng đó là chuyện của người ta, còn chuyện của mình thì cứ phải lo bảo vệ mình, bảo vệ sức khỏe của mình trước, phải không các mẹ? Chứ xem thường sức khỏe mình rồi mua ba đồ cà phê rẻ bán đầy đường về uống sau đó ngồi chờ người ta bị trả giá thì cũng buồn cười. Chờ được vạ thì má đã sưng. Cứ bảo vệ mình trước đi các mẹ ơi. Không mua được cà phê sạch nơi tin tưởng thì thôi nhịn uống cho lành vậy.