Khi vào cấp cứu, bác sĩ phát hiện anh Hưng đã bị giãn đồng tử mắt trái kèm theo mảnh vỡ mũ bảo hiểm cứa dọc thái dương đến khóe mắt. Anh hôn mê cả tháng trời với vài lần cấp cứu tràn dịch màng não tưởng không qua khỏi…
Theo các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân nhập viện do chấn thương sau tai nạn giao thông, đặc biệt là xe hai bánh, chiếm quá nửa số bệnh nhân đến cấp cứu trong ngày. Đặc biệt là về ban đêm, con số này lên đến 2/3.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Hưng, 34 tuổi trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là điển hình. Anh Hưng sau khi uống rượu với bạn bè đến 23 giờ, anh lại được một nhóm bạn khác rủ đi lên Bùi Thị Xuân hát karaoke. Anh Hưng không từ chối mà đi thẳng xe máy từ Thanh Xuân lên Hai Bà Trưng để gặp gỡ bạn bè dù đã uống quá say.
Đến đường Trần Nhân Tông, trước cửa rạp xiếc, anh Hưng tự đâm vào dải phân cách khiến anh ngã trọng thương. Vết thương quá nặng, chảy máu não dù anh có đội mũ bảo hiểm. Khi vào cấp cứu, bác sĩ phát hiện anh Hưng đã bị giãn đồng tử mắt trái kèm theo mảnh vỡ mũ bảo hiểm cứa dọc thái dương đến khóe mắt. Anh hôn mê cả tháng trời với vài lần cấp cứu tràn dịch màng não, tràn dịch màng phổi tưởng không qua khỏi.
Những lúc đó, vợ anh Hưng chỉ khóc vì bất lực không biết phải làm gì. Chồng chị hôn mê mà bác sĩ không biết đó là hôn mê do rượu hay chấn thương sọ não. Khi đến công an nhận xe máy và túi xách, ví của chồng kèm theo chiếc mũ bảo hiểm hình lưỡi trai đã gãy nát, chị Nhung vợ anh Hưng càng khóc to hơn. Chị kể, chồng chị rất ngại đội mũ bảo hiểm vì nóng nên lúc nào anh cũng lấy cái mũ mua ở lề đường 35.000 đồng đội chỉ để đối phó với CSGT. Nào ngờ cái mũ lại vỡ gây thêm vết thương xẻ dài trên thái dương và mắt của anh.
Một trường hợp khác là Bùi Văn Hải trú tại Thanh Miện, Hải Dương không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Hải bị gãy chân và phải đóng đinh ở chân, còn mặt thì xước xát do mũ bảo hiểm rởm vỡ đâm vào mặt. Cũng giống như nhiều người, Hải rất ngại đội mũ bảo hiểm vì sợ hỏng mái tóc vuốt keo nên lúc nào cậu cũng cầm theo cái mũ nhẹ, mỏng manh để đội đề phòng CSGT. Khi vào viện với gương mặt nhiều vết cứa, Hải mới sực tỉnh. “May mà em ngã ở đường đê rồi lăn xuống đê nên đầu không sao, chỉ có mặt bị mũ bảo hiểm đâm nát vào thôi” – Hải kể.
Khó chịu khi bị bác sĩ hỏi về mũ bảo hiểm
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh, Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đa số các bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào nhập viện với đa chấn thương, trong đó chấn thương vùng đầu là nhiều nhất. Tuy nhiên, khi vào cấp cứu, các bệnh nhân đều thấy khó chịu khi bác sĩ hỏi có đội mũ bảo hiểm hay không chứ chưa nói đến mũ rởm hay mũ xịn. Thậm chí có những bệnh nhân cáu lên “Ông hỏi làm gì?”.
Chấn thương sọ não ngày càng gia tăng và là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Biện pháp để bảo vệ đầu khỏi va đập khi bị tai nạn chính là đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, chịu được va đập, có xốp bảo vệ.
Mặc dù từ năm 2008, Việt Nam đã có quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng tỉ lệ chấn thương sọ não vẫn cao. Điều này là do việc đội mũ bảo hiểm ở nước ta chỉ mang tính hình thức, khiến các bác sĩ phải điều trị thêm vết thương do mũ rởm gây ra trên phần mềm.