Trái với suy nghĩ của nhiều bạn trẻ yêu thích đời sống, văn hóa tại Hàn, nền giáo dục của đất nước này nổi tiếng quá tải và đã khiến nhiều học sinh phải tự vẫn như một cách giải thoát mọi áp lực vô hình mà nhà trường, gia đình hay xã hội mang lại.
Hầu hết những bạn học sinh trung học tại Hàn đều phải học cả ngày tại trường. Một số gần như ở lại đến tận tối mịt để củng cố và ghi nhớ được bài vừa học. Mục tiêu của họ chính là vượt qua kì thi cấp quốc gia “College Scholastic Aptitude Test” (CSAT) để được xét tuyển vào đại học. Bởi lẽ, ở một xã hội đầy tính cạnh tranh và vẫn còn xem trọng bằng cấp như Hàn Quốc thì việc rớt đại học như một bản án tinh thần mà gia đình và xã hội vô tình gán cho họ.
Dễ dàng nhìn thấy được kì thi vào đại học khó khăn và khắc nghiệt như thế nào. Mỗi thí sinh sẽ phải cắm trụ ở hội đồng thi từ 8 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều để đối mặt với lần lượt nhiều môn thi khác nhau: quốc ngữ, toán, anh, các môn xã hội (lịch sử, địa lí,…), các môn khoa học (lí, hóa, sinh,…), tiếng Anh và ngoại ngữ thứ 2 khác (Đức, Pháp, Nga, Ả Rập, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật,…).
Tất cả tuy đều theo hình thức trắc nghiệm nhưng kiến thức trong đề thi thì mang tính tổng quát và dàn trải khắp hết tất cả những gì đã được học. Việc soạn đề thi cũng được tổ chức và kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Hàng trăm giáo viên giỏi sẽ cùng tham gia biên soạn ở địa điểm bí mật và cách li với thế giới bên ngoài cho đến khi kì thi diễn ra thành công tốt đẹp.
Vào ngày diễn ra kì thi, các công ty phải lùi giờ làm 1 tiếng, cảnh sát giao thông được huy động tối đa để duy trì an ninh và đảm bảo không bị tắt đường cho các sĩ tử dễ dàng di chuyển.
Chính lịch thi và độ khó của kì thi đã khiến nhiều học sinh phải học hành ngày đêm trừ những học sinh cá biệt bỏ bê học hành. Nhưng cơn ác mộng chưa thật sự dừng lại khi kì thi kết thúc, cần lưu ý rằng kì thi trên chỉ là thước đo ưu tiên để quyết định bạn có đủ điều kiện xét tuyển vào trường đại học bạn muốn hay không. Nếu được, sau đó bạn còn phải tiếp tục tham gia vào kì thi vấn đáp hay năng khiếu riêng của trường đại học mà bạn đăng kí. Số thí sinh không đậu sẽ phải chọn trường khác hoặc chờ sự may mắn vào lần sau.
Nhưng kì thi ở Hàn không phải là thứ duy nhất đáng sợ. Thật may mắn nếu những gì nói trên chỉ tạo cho học sinh áp lực ở giai đoạn nước rút. Sự thật là để có thể vào được trường bạn mong muốn, thành tích học trước đó của bạn cũng được xem qua và cân nhắc. Vì vậy mà ngay từ những năm đầu của trung học, học sinh ở Hàn đã phải sớm chọn cho mình một con đường và nỗ lực hết mình vì nó.
Theo một nghiên cứu gần đây, học sinh Hàn Quốc có chỉ số hạnh phúc thấp nhất thế giới. Trung bình một ngày, họ phải dành 18 giờ đồng hồ cho việc học. Hầu hết đều dậy từ 6 giờ sáng và học liên tục đến tận khuya. Tại Hàn Quốc cũng có những phòng học với bạn học và đèn chiếu sáng cho học sinh thuê ngoài giờ đến lớp.
Kì thực cách giáo dục ở Hàn Quốc khá áp lực và có chút cực đoan. Dù vậy, đã từ lâu, nền giáo dục như vậy vẫn duy trì vì hơn ai hết, người Hàn Quốc biết được đất nước mình không có tài nguyên nhiều như những quốc gia khác. Tiềm lực về yếu tố con người chính là thứ quyết định khiến Hàn Quốc phát triển vượt bậc và mạnh mẽ như ngày nay. Đó chính là lí do tại sao nền tảng kiến thức và bằng cấp trong xã hội Hàn Quốc cực kì được xem trọng.
Thêm nữa, Hàn Quốc vốn là một quốc gia có phúc lợi xã hội khá cao cho người đã hết khả năng lao động. Trong khi đó, dân số Hàn lại ngày càng già hóa. Điều này đã khiến cho sức nặng về tài chính đè nặng lên vai của những người trẻ. Vậy nên, học hành chính là con đường duy nhất. Đã có không ít những cuộc biểu tình đề nghị chính phủ phân công lại lao động xã hội và không ít người trẻ bất lực đã tìm đến đáy sông Hàn như một cách giải thoát khỏi gánh nặng gia đình.
Vì tỉ lệ tự tử ở học sinh, sinh viên và người trẻ càng tăng cao, chính phủ Hàn Quốc đã cho xây những tượng đài, những bảng chữ ở cạnh sông Hàn với thông điệp mang tính an ủi nhằm giảm thiếu số vụ tự tử. Thậm chí, nhiều lớp học về “trải nghiệm cái chết” cũng được tổ chức nhằm điều chỉnh lại tâm lí của học sinh hay những người trẻ có ý định tìm đến cái chết.
Trong lớp học đó, họ sẽ được thầy cô giảng giải về sự sống, cái chết, ý nghĩa và lí tưởng của cuộc đời. Ngoài ra, họ còn được trải nghiệm cảm giác nằm trong quan tài khoảng 10 phút để hiểu rõ sự lạnh lẽo, cô đơn và bất lực khi linh hồn đang từ giã cõi đời.
Rõ ràng, Hàn Quốc có thể phát triển như ngày hôm nay phần chính nhờ vào tinh thần tự lực tự cường, học hỏi và nỗ lực không ngừng nghỉ từ thế hệ trẻ. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt trong giáo dục ngay khi đất nước đã phát triển như một con dao 2 lưỡi, làm thế hệ trẻ có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực về học hành, sự nghiệp thậm chí là lí tưởng của bản thân mình.