“Chiều nào anh em tụi tôi cũng đứng thành hàng ở đây chờ Hùng “sa đọa” về phát tiền. Nó cứ rút ào ào cho đến khi nào hết thì thôi”.
Chứng kiến cái chết của người yêu, Hùng “sầu” gần như rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Gã trai mới lớn hai lần bị người nhà chối bỏ, giờ đây người yêu thương nhất cũng bỏ mà đi. Hùng “sầu” bàng hoàng nhận ra mình như một mãnh hổ cô đơn.
Những cuộc chơi không có điểm dừng
Cái chết đầy ám ảnh của Trinh đã mở khóa cho con mãnh thú từ lâu trú ngụ trong Hùng “sầu”. Kể từ đây, Hùng “sầu” sống không cần biết ngày mai, chấp nhận những hợp đồng đòi nợ, đâm thuê, chém mướn,…
Vì độ nhanh nhẹn và máu lạnh, Hùng “sầu” vừa lên tiếng đã có nhiều đại gia sẵn sàng chi đẹp. Ngày nào, Hùng “sầu” cũng cùng đàn em cầm cả xấp tiền, không vào sòng bạc cũng đi quán bar, hết gái gú lại đến ma túy, sẵn cơn hưng phấn thì lấy xế đua vài vòng. Chiều về còn dư bao nhiêu, Hùng “sầu” phát không tiếc tay cho xe ôm, ba gác,… ở khu vực bến xe An Sương.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (63 tuổi), chạy xe ôm trước bến xe An Sương (H.Hóc Môn) cười: “Ai nói gì thì nói chứ hồi xưa, đám ba gác tụi tôi khoái Hùng “sa đọa” lắm. Nó tuy số má thiệt nhưng không bao giờ làm khó tụi tôi.
Tôi còn nhớ lúc nó còn “làm trùm” xứ này, chiều nào anh em tụi tôi cũng đứng thành hàng ở đây chờ nó về phát tiền. Nó cứ rút ào ào cho đến khi nào hết thì thôi. Nói về độ ăn chơi thì nó là số một khu vực này rồi. Nên tụi tôi kêu nó là Hùng “sa đọa” luôn”.
“Từ khi được gọi là Hùng “sa đọa” tôi càng thích hơn. Tôi phải chơi thiệt đẹp với biệt danh mới, chơi để lấy oai, và cũng là để quên đi hình ảnh của cô gái mà tôi yêu quý. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại cái chết của cô tiểu thư ấy, tôi thấy tội lỗi lắm. Vì cô ấy mất vào đúng độ tuổi đẹp nhất thời con gái”, Hùng “sầu” trầm ngâm.
Cuộc chiến gần 10km để giành địa bàn
Nhắc về thời giang hồ của mình, Hùng “sầu” không nhớ hết mình đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến, mất đi không biết bao nhiêu đàn em. Trong đó, 3 lần Hùng “sầu” cũng suýt về “chầu ông bà”.
Ví như lần Hùng “sầu” cùng đàn em đi Bình Phước đòi nợ thuê, khi xong việc và quay trở về thì nhóm giang hồ ở đây tưởng Hùng “sầu” đi lấn địa bàn nên phục kích, giữa đường đánh cho Hùng “sầu” chạy trối chết. Sau cùng, Hùng “sầu” phải trốn vào bụi cây ven đường, ngồi nhìn mã tấu lướt qua ngọn cỏ trên đầu.
Tức khí vì bị đánh oan, hôm sau Hùng “sầu” dẫn 90 đàn em quay lại Bình Phước tính sổ với băng đảng trên, nhưng cuối cùng không thể “rửa hận” được.
Là đại ca có số má lại khéo ăn nói nên Hùng “sầu” hay được bạn bè nhờ đi giải quyết mâu thuẫn. Một lần Hùng “sầu” qua Hóc Môn (đoạn gần Củ Chi) để nói lý lẽ giúp bạn. Tuy nhiên cuộc nói chuyện không thành, hai bên dùng mã tấu, lưỡi lê, dao găm lao vào nhau. Trong lúc sơ ý, Hùng “sầu” bị đối phương dùng lưỡi lê đâm một vết sâu hóm trên trán.
Hùng “sầu” rùng mình: “Vết thương sâu lắm, đổ cả chai thuốc bột vào để cầm máu mà không đầy. Hôm đó, tôi tưởng mình đã về chầu diêm vương rồi chứ. Khi ra viện, tôi trở lại tìm 6 tên kia tính sổ thì biết được bọn chúng từ Hải Phòng mới vào. Từ lúc đâm tôi đến nay thì chúng cũng bỏ đi khỏi đất Sài Gòn”.
Nhắc đến độ lì và liều của Hùng “sầu” phải kể đến trận đánh tranh giành địa bàn với băng Khánh Tân Bình. Vì bị băng đại ca Khánh Tân Bình lấn địa bàn, giải quyết không được Hùng “sầu” lệnh cho đàn em mang mã tấu, dao phay đến làm việc.
Hai bên rượt đuổi ầm ầm trên đoạn đường dài gần 10km từ Lăng Cha Cả qua Mũi Tàu, đến bến xe An Sương.
Cuối cùng băng Hùng “sầu” thắng thế. Đại ca Khánh Tân Bình phải chạy ngược về đường Phạm Văn Bạch mới hòng thoát thân. Sau trận này, danh tiếng Hùng “sầu” càng nổi đình nổi đám.
Hùng “sầu” nhớ lại: “Đàn em của tôi 3 đứa bị chém chết, bị thương thì nhiều lắm. Mà hồi đó, giang hồ đa số là kẻ mồ côi, gia đình bỏ rơi, hoặc bỏ nhà đi bụi nên đâu đứa nào được mai táng tử tế.
Hồi xưa chỗ mũi tàu Cộng Hòa – Trường Chinh có một trũng rau muống được gọi là nghĩa địa của giang hồ Sài Gòn. Cứ thằng nào bị chết là gom xác bỏ vào bao bố rồi quăng xuống. Đàn em của tôi 7 thằng đã “ngủ” ở đó”.
Cũng từ đây, Hùng “sầu” bị công an hình sự TPHCM để mắt đến và cho vào danh sách đen. Khoảng một năm sau, Hùng “sầu” phải tra tay vào còng, trả giá cho những việc mình gây ra.
Lần vào trại này là lần thứ 3 của đại ca khét tiếng. Trong lần đi tù này, những thước phim đen tối nhất của Hùng “sầu” cứ phát lên trong đầu mỗi ngày khiến Hùng “sầu” run sợ, để rồi quyết tâm làm lại cuộc đời khi về với xã hội.
Thụ án xong, Hùng “sầu” bắt đầu xây lại tâm hồn mình, rồi trở thành chủ của chuỗi xưởng điêu khắc gỗ lên đến cả ngàn tỉ đồng. Cũng tại xưởng gỗ này, những con người lạc lối khác được Hùng “sầu” giang tay dẫn lối tìm về với bản thân. Để rồi ngày ngày, họ cần mẫn khắc lại cuộc đời mình.