Mỗi kiểu khóc của trẻ sơ sinh có nhiều ý nghĩa khác nhau. Hiểu được tiếng khóc của con, mẹ có thể yên tâm hơn trong việc chăm sóc bé.
Với những ông bố bà mẹ “mới toanh”, họ không khỏi lo lắng khi thấy con yêu khóc quấy. Tuy nhiên, đôi khi đó cũng chính là những “thông điệp” mà bé muốn gửi đến bố mẹ dù chưa thể nói ra thành lời. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh là sự thể hiện một nhu cầu cơ bản nào đó chưa được thỏa mãn như bé đói, buồn ngủ, cần được vỗ về hay minh chứng dấu hiệu trẻ không được khỏe. Khi nghe bé khóc, mẹ đừng vội lo lắng, mà trước tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân để đáp ứng ngay cho trẻ.
Hãy cùng “giải mã ngôn ngữ đặc biệt” này của bé, để hiểu bé hơn và bố mẹ cũng sẽ bớt căng thẳng hơn trong quá trình chăm sóc bé
1. Tiếng khóc của bé rất to, lặp đi lặp lại, và ngày càng to hơn, thậm chí bé sẽ gào thét, gắt gỏng
Con muốn nói là:
a. Con đầy hơi
b. Con đói
c. Con buồn ngủ
d. Con muốn được bế
Câu trả lời đúng là b.
Khi đói bụng, tiếng khóc của bé thường lặp đi lặp lại và không dừng cho đến khi mẹ bắt được tín hiệu. Các mẹ nên biết rằng, vì gào khóc nhiều khi đói, bé sẽ nuốt nhiều không khí, dẫn tới bị đầy hơi và điều này càng khiến bé khó chịu rồi khóc nhiều hơn. Vì thế, ngay khi nhận ra con đói, hãy cho bé ăn, trước khi con bị kích động.
Một số dấu hiệu khác: miệng chóp chép, mút tay, dụi mặt vào ngực mẹ, há miệng, nếu mẹ để ý sẽ thấy nước miếng chảy quanh miệng bé…
2. Sau khi ăn xong, bé khóc to, dữ dội
Con đang cố gắng cho bạn biết là:
a. Con muốn ngủ khi đã ăn no
b. Con vẫn đói
c. Con cần phải được ợ hơi
d. Con muốn được thay tã mới
Câu trả lời đúng là c
Kêu ầm lên ngay khi vừa được cho ăn thường là minh chứng của việc bị đau bụng, bé sẽ khó chịu cho tới khi được ợ hơi. Những lúc bé như vậy, mẹ nên cho biện pháp giúp bé thoát khỏi cảm giác khó chịu nàu. Mẹ có thể bế bé đứng thẳng và quay mặt vào ngực mình, cằm tựa lên vai, sau đó nhẹ nhàng vuốt lưng bé. Có một số mẹ lại đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực bé và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Mẹ nên nhớ lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra.
Một số dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi là bé co đầu gối lên ngực. Hãy giúp con bằng cách đặt bé nằm ngửa, giữ chân con và di chuyển chân như động tác đạp xe.
3. Tiếng khóc của bé có vẻ cáu kỉnh và đan xen giữa tiếng cười và tiếng khóc, thậm chí có lúc bé gào lên
Bé muốn nói:
a. Con bắt đầu thấy đói
b. Con cần được ợ hơi
c. Con cần được thay tã mới
d. Con bị kích thích quá mức
Câu trả lời đúng là d
Bé đang nhận được quá nhiều kích thích từ các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, âm thanh ồn ào hay bé được truyền tay qua hết người này tới người khác. Bé có thể cảm thấy thích như vậy, nhưng khi nó diễn ra quá nhiều hoặc vượt quá mức chịu đựng của bé, con sẽ khó chịu. Đó là lí do tại sao đôi khi bé hòa âm giữa tiếng khóc và tiếng cười.
Một số dấu hiệu khác là: Bé quay đầu khỏi nơi có quá nhiều kích thích. Nhiều trẻ sơ sinh thích được bảo vệ bằng cách quấn chặt trong tã khi xung quanh quá ồn ào. Khi bé bị quá tải bởi âm thanh, mẹ nên bế bé đến cho yên tĩnh hơn, tránh để bé trở nên quá khích.
4. Bé khóc ê a, ngắt quãng, khóc rồi lại nín. Khi mẹ dỗ thì be sẽ nín nhưng sau đó lại khóc
Bé muốn nói gì với mẹ:
a. Con buồn ngủ
b. Con thấy buồn chán và muốn làm điều gì đó khác
c. Con bị đau bụng
d. Con gặp vấn đề về tiêu hóa
Câu trả lời đúng là a
Bố mẹ thường bỏ qua tiếng khóc buồn ngủ của con, nhất là khi nó rơi vào thời gian họ không mong đợi. Giấc ngủ của trẻ là vô cùng quan trọng, nếu để trẻ ngủ thiếu giấc sẽ ảnh hưởng sức cũng khỏe cũng như trí tuệ của trẻ sau này. Có những ngày bé lúc nào cũng buồn ngủ,nhưng cũng có lúc mẹ cố gắng dỗ mà con không chịu ngủ. Thậm chí nếu con vừa có một giấc ngủ ngắn một giờ trước, mà bé vẫn ê a khóc thì có thể là con vẫn chưa ngủ đủ và cần ngủ tiếp.
Dấu hiệu khác: Bé dụi mắt, khóc trong khi mắt nhắm và ngáp.
5. Tiếng khóc của con có vẻ lạ, khác hẳn mọi lần
Bé muốn nói với mẹ là:
a. Con mọc răng
b. Con thấy mệt
c. Con bị ốm
d. Con muốn được bế và âu yếm
Câu trả lời đúng là c
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh bị ốm khác hẳn tiếng khóc do đói hay buồn chán. Nếu mẹ thấy tiếng khóc của con có vẻ khác lạ, hay bé không thể ngưng khóc suốt vài giờ, hãy tin cho con đi khám trước khi có điều đáng tiếc xảy ra.
Dấu hiệu khác là: Bé sốt, bé không muốn ăn, bé ngủ li bì hay khó ngủ, lượng nước tiểu ít hay có những hành vi khác thường ngày.
6. Mẹ đã cố gắng vận dụng tất cả mọi cách mà vẫn không thể cắt được tiếng khóc to, liên tục của con. Và điều này không xảy ra một lần. Con khóc như thế hằng ngày và kéo dài nhiều giờ
Con muốn nói với mẹ là:
a. Con mắc hội chứng Colic – khóc dạ đề
b. Con cần được chơi đùa nhiều hơn
c. Con đói
d. Con quá mệt
Câu trả lời đúng là a
Colic – Hội chứng quấy khóc kéo dài là một thuật ngữ được dùng để mô tả việc một em bé khỏe mạnh khóc quá nhiều. Nếu con bạn dưới 5 tháng tuổi và khóc nhiều hơn 3 giờ một ngày, hơn 3 ngày tronng một tuần, hơn 3 tuần trong một đợt, thì có lẽ bé bị hội chứng này. Đây không phải là một bệnh và không gây hại về sức khỏe lâu dài cho bé nhưng làm cả bé và bạn đều mệt.
Dấu hiệu khác: Ở hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh, hầu hết các bé đều khóc không lý do rõ ràng, đặc biệt là vào đầu buổi tối. Khi khóc, trẻ với hội chứng này thường quấy gắt, ôm chặt bụng, đạp chân, khóc thét lên khiến nhiều bố mẹ dễ nhầm là con bị đau bụng. Tin tốt cho mẹ là, điều này sẽ không kéo dài mãi, thường kết thúc sau khoảng 6 đến 8 tuần và giảm dần trong vòng 3-4 tháng.
(Theo Khám phá)