Người mẹ đang rất đau đầu để nghĩ cách giúp con ngừng chơi game Pokemon Go và tập trung học hành.
Dù mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam được vài ngày nhưng không nằm ngoài dự đoán, Pokemon Go đã nhanh chóng hút sự qun tâm của mọi người. Không chỉ giới trẻ mà nhiều người ở các độ tuổi khác nhau, từ trẻ em đến những người lớn tuổi đều say sưa “bắt” Pokemon.
Bà mẹ có con trai 10 tuổi nghiện chơi Pokemon Go đã chia sẻ trên một diễn đàn dành cho phụ nữ Việt trao đổi kinh nghiệm hay và thiết thực liên quan đến chăm sóc con cái, gia đình:
“Thằng con của mình đang học lớp 5 thôi, nhưng nó cứ suốt ngày đi “bắt” Pokemon khiến mình phát rầu. Từ bé, con mình đã thích xem phim hoạt hình Pokemon rồi, nên khi game này ra cứ như là thôi miên thằng bé vậy.
Nói đâu xa, mới hôm thứ 7 vừa rồi, được nghỉ học ở nhà chơi. Mình đang lúi húi chuẩn bị cơm trưa cho cả gia đình, thằng con lại cầm điện thoại ngồi chơi Pokemon Go.
Lúc đầu, thằng bé đi vòng vòng trong nhà, trong sân dò tìm Pokemon để bắt thôi nên cũng không để ý lắm. Thế nhưng đến khi nấu cơm xong, mình mới nhớ tới thằng con, gọi xuống ăn cơm thì không biết nó đi đâu mất tiêu, hỏi ba nó ba nó cũng chẳng biết luôn.
Hai vợ chồng lo lắng định đóng cửa đi tìm, bỗng nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ, hỏi có phải là mẹ của cháu H. không, rồi thông báo con mình bị đụng xe, phải nhờ mọi người xung quanh gọi điện thoại cho mẹ.
Đến nơi, mình tá hỏa khi thấy con ngồi một đống bên vệ đường, hỏi điện thoại đâu sao không gọi cho mẹ thì nó bảo bị giật mất tiêu rồi, chân tay mặt mày thì bị xây xát do cú giật điện thoại khi đang cúi đầu, dò dò tìm tìm bắt Pokemon trên đường.
Sau khi đưa con đến bác sĩ xong, mình về giảng đạo một hồi cho con nghe về tác hại của chơi game nói chung và Pokemon Go nói riêng, cuối cùng yêu cầu con không được chơi nữa, rất nguy hiểm.
Sau lần đó, cứ ngỡ là con đã “sáng mắt” ra, nhưng không ngờ chẳng thấm vào đâu mọi người ạ. Mất điện thoại, mình không mua cái mới cho con chơi nữa thì cháu cứ lén lấy điện thoại của ông bà nội chơi.
Như tối hôm qua, tìm tìm bắt Pokemon thế nào lại va đầu ngay vào cạnh tủ thờ, máu chảy dàn dụa. Đến là khổ!”
Nỗi khổ của bà mẹ có con trai nghiện Pokemon Go nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của cộng đồng mạng.
Như vậy, chỉ vì nghiện săn các con Pokemon mà chỉ trong vòng mấy ngày, cậu bé lớp 5 đã gặp 3 tai nạn, vừa bị cướp mất điện thoại, vừa ảnh hưởng đến cơ thể.
Bà mẹ trong câu chuyện trên vô cùng bất lực vì không biết làm cách nào để con rời xa được trò chơi này: “Mình chia sẻ nỗi khổ ra để các chị, các mẹ nào có kế gì có thể giúp mình “tẩy não” cho thằng bé, để con bỏ chơi chứ tình hình này là không ổn rồi.
Dù mình đã tìm hết cách ngăn cản nhưng con vẫn nghĩ ra đủ mọi cách để chơi được”.
Đồng thời, người mẹ trẻ này cũng chia sẻ những tác hại đối với trẻ em khi chơi Pokemon Go mà bản thân đã tìm hiểu được để các bậc làm cha làm mẹ cẩn trọng:
Dễ bị tai nạn, xe đụng: Đặc điểm của trò chơi này là chơi theo gợi ý của hệ thống định vị GPS, theo đó để bắt được pokemon bắt buộc người chơi phải dán mắt vào điện thoại liên tục, di chuyển không theo một quy luật nào.
Nếu ở nhà, việc không chú ý quan sát dễ khiến trẻ té ngã, va đập đầu vào tường các cạnh sắc nhọn gây sát thương cho con.
Ra đường không tập trung dễ bị xe đụng phải, và theo mình biết thì nhiều người gặp tai nạn, đụng xe, lọt cống rãnh gây chấn thương nghiêm trọng rồi.
Dễ bị cướp giật, bắt cóc: Vì là trò chơi theo định vị GPS nên mỗi bước di chuyển của người chơi đều phải tuân thủ hướng dẫn của hệ thống định vị, do đó nếu những kẻ xấu có ý đồ cướp giật, bắt cóc sẽ bật đèn hiệu lên để dụ dỗ trẻ tới chỗ của chúng để ra tay.
Và con trẻ sẽ là những con mồi ngon vì không có khả năng phản kháng, chống cự rất dễ đi lạc, mất phương hướng khi sa đà theo đuổi pokemon trong trò chơi.
Có hại cho thị lực: Việc tập trung, chăm chú vào màn hình không để ý gì xung quanh dễ khiến thị lực con suy giảm
Học hành sa sút: Sắp tới năm học mới rồi ạ, đi học mà suốt ngày cắm đầu cắm mặt vào chơi game chơi mãi không chán thế này thì cầm chắc là dễ học kém lắm này.
Pokemon bắt đầu trở nên “sốt” ở Việt Nam, do đó người chơi cần tìm hiểu kĩ và lựa chọn cách chơi phù hợp để tránh được những tình huống oái oăm.
Câu chuyện của người mẹ này nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận từ các thành viên trong diễn đàn. Nhiều người tỏ ra đồng cảm và đưa ra một số phương pháp nhằm giúp bà mẹ trẻ “cai nghiện” Pokemon Go cho cậu con trai.
Thành viên Ngọc Hà bày tỏ: “Cùng “hiến kế” để giúp cậu bé này thoát ra khỏi cái game Pokemon Go đang khiến già trẻ lớn bé phát điên như hiện nay nào mọi người.
Mà mình cũng không hiểu trò chơi này có gì thú vị khiến mọi người cứ phát cuồng vì nó như vậy? Biểu hiện cho thấy bé bắt đầu nghiện chơi, chứ không phải chỉ dừng lại ở giải trí thông thường nữa rồi đó.
Không chỉ trẻ con, thanh thiếu niên mà ngay cả người lớn tuổi nếu không kiềm chế được game biết bao trường hợp phải vào viện để cai nghiện, phải tới tìm bác sỹ tâm lý để cai nghiện game rồi đấy.
Mình nghĩ mẹ bé nên hướng bé chơi những trò thú vị khác như thể dục thể thao, học võ hay học nhạc, đọc truyện..”
Tuy nhiên, ngược lại, có một vài ý kiến cho rằng không hùa vào tẩy chay trò chơi này. Nick name Berserker7 chia sẻ: “Mình nghĩ gia đình bạn thay vì cấm đoán, hãy thử chơi cùng con xem
Xét về game thì nó là tích cực nhất trong số các game rồi, buộc phải đi bộ để tìm kiếm thay vì ngồi lì ở nhà.
Gia đình bạn có thể chọn ngày chủ nhật hoặc tối nào rảnh rỗi rồi bố mẹ đưa con ra công viên, những địa điểm nổi tiếng ( ở đây nhiều Pokemon, khuôn viên rộng ) cùng bắt Pokemon.
Game có tính năng ấp trứng cần chạy bộ, sao không thử cùng bé chạy mỗi buổi sáng coi như tập thể dục. Tốt hay xấu là tùy cách bạn dùng như thế nào thôi!”
Một thành viên khác cũng đưa ra lập luận để phản bác lại người mẹ trong câu chuyện trên khi đề cập đến tác hại của game đối với con trẻ: “Nói chơi game dễ bị dễ bị cướp giật, bắt cóc là chưa rõ về game này rồi.
Hệ thống GPS chỉ để dễ dàng xác định vị trí của các phòng tập GYM hoặc Pokestop thôi chứ không yêu cầu người chơi phải đi đến.
Không có kẻ bắt cóc nào đủ khả năng xâm nhập vào hệ thống GPS để có thể bật lên vị trí Pokestop hay cho hiển thị Pokemon để dụ dỗ trẻ con được.
Nếu nói về cướp giật thì nghe điện thoại cũng bị cướp chứ đừng nói gì đến chơi PKM
Ngoài ra, so sánh với việc con bạn ngồi lỳ ở nhà xem xem tivi, hoạt hình thì bé ra ngoài vừa chơi vừa đi bộ mấy km vẫn tốt hơn.
Vì vậy, bạn nên tìm hiểu và dạy cho con cách chơi khoa học thì sẽ hay hơn là nói rằng trò chơi này rất có hại và cấm đoán con một cách cứng nhắc”
Những tình huống oái oăm mà người chơi Pokemon Go gặp phải bắt nguồn từ việc game trực tuyến này ứng dụng công nghệ thực tế ảo, cho phép người chơi tương tác và trải nghiệm ngay ngoài đời thực.
Do đó, khi trò chơi này bắt đầu trở nên “sốt” ở Việt Nam, người chơi cần tìm hiểu kĩ và lựa chọn cách chơi phù hợp để tránh được những rủi ro đáng tiếc.