Sự xuất hiện của mẹ ghẻ như “người mẹ thứ hai” chính là niềm may mắn của cuộc đời, là một định mệnh mà những người con luôn cảm thấy biết ơn ông trời đã bù đắp cho họ.
Cô Trịnh Thu Hà (sinh năm 1961) là mẹ kế của Tú Ngọc, đã cùng hai cô con gái riêng của chồng chung sống đầm ấm, hạnh phúc hơn chục năm nay. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha đầy ác nghiệt về “dì ghẻ – con chồng”, cô Hà đã thực sự khiến mọi người phải nể phục.
Nói về cơ duyên đã mang tới cho mình một người phụ nữ tuyệt vời đến như vậy, Ngọc chậm rãi kể về những ngày đầu tiên hai người gặp gỡ. Ngày đó, Ngọc đang là học sinh lớp 11, em gái ruột đang học lớp 3, mẹ ruột của hai chị em Ngọc đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Sự mất mát này đã để lại trong tâm hồn hai cô gái trẻ nỗi tổn thương lớn. Càng buồn hơn khi cuộc sống sau đó vô cùng khó khăn, bố đi suốt ngày, họ hàng không mấy ai quan tâm.
Giữa lúc khốn khó đó, gia đình xuất hiện thêm một thành viên mới. Người mẹ kế để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cô gái 17 tuổi khi đó bởi cũng là một người đi lên từ nghèo khó nhưng vô cùng nhẫn nhịn. “Bố mình tính nết gia trưởng, hay cục tính, hai chị em khi ấy cũng đang tuổi lớn vô cùng khó bảo và ương bướng, không thích có ai khác thay thế mẹ ruột của mình cả”, Ngọc bộc bạch. Sự khác biệt đó đã khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà từng rơi vào tình cảnh không mấy dễ chịu trong suốt 2 năm trời, khi hai chị em Ngọc nằng nặc gọi mẹ mới là cô rồi khó chịu vì sự có mặt của bà trong nhà. Ngọc vẫn nhớ như in những lần mẹ Hà rơi nước mắt vì vất vả, hay thấp thoáng đâu đó có lẽ còn chính bởi sự lạc lõng trong ngôi nhà mới.
Thời gian cũng dần trôi qua, khi hai chị em Ngọc trưởng thành hơn, chứng kiến tất cả mọi quan tâm lo lắng của mẹ Hà dành cho mình thì lúc đó mọi việc cũng dần thay đổi. Nhìn cuộc sống bằng ánh mắt của một phụ nữ trưởng thành khiến Ngọc nhận ra tình cảm và sự yêu thương của người bên cạnh mới đích thực là món quà vô giá. Cô gái 17 tuổi năm nào, giờ đã làm vợ, làm mẹ, cô không giấu được sự biết ơn và cảm động khi nói về những hi sinh của mẹ kế trong suốt bao năm qua: “Mẹ tuy không sinh ra hai chị em nhưng coi bọn mình giống như con đẻ. Dù ở ngoài, lăn lộn với công việc buôn bán nhưng khi về nhà, mẹ luôn lo lắng, chăm sóc cho cả gia đình từng ly từng tí. Ngày mình lấy chồng, mẹ chuẩn bị chu đáo từ chút của hồi môn, ngày em gái mình lên xe hoa, mẹ tổ chức hoành tráng và đầy đủ, lại cho em thêm cả ít tiền làm vốn lo cho tổ ấm riêng. Mình lấy chồng xa, cuộc sống đôi khi không suôn sẻ, cũng lại là mẹ một tay lo lắng, bù đắp cho mình”.
15 năm chịu ơn nhiều từ mẹ kế, Ngọc lúc nào cũng tâm niệm một điều rằng sự xuất hiện của bà trong cuộc đời của mình là một duyên phận. Cô ấn tượng bởi cách bà hi sinh cho chồng con, từ cách dạy bảo uốn nắn với hai cô con gái riêng của chồng cho tới việc “thuần hóa” tính cách, khiến chồng gần như trở thành một người khác, tích cực hơn rất nhiều so với ngày xưa. “Mẹ là một người kiên định, quyết đoán, yêu thương mọi người lại nhanh nhẹn tháo vát. Từ ngày mẹ về nhà sống, cuộc sống của ba bố con thay đổi hẳn, không hề thua kém ai mặc dù kinh tế gia đình thì không phải là giàu. Đôi lúc nghĩ lại mới thấy hết nỗi lòng của mẹ, nếu ngày đó mẹ không đến với ba bố con thì không biết bây giờ cả gia đình đã trở nên thế nào”, Ngọc bày tỏ.
Xúc động câu chuyện “dì ghẻ” lặn lội nuôi 8 người con đau ốm của chồng
“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Câu ca dao ấy không rõ đã xuất hiện từ khi nào nhưng có lẽ là rất lâu, rất sâu vào tiềm thức mỗi người, rằng dì ghẻ luôn là người phụ nữ hà khắc, tàn nhẫn, không thể yêu thương con riêng của chồng.
Thế nhưng những điều tưởng đã là tất nhiên ấy lại không phải luôn luôn đúng. Câu chuyện về người “dì ghẻ” Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) sẽ là minh chứng để thấy rằng, trên đời này “bánh đúc có xương” vẫn còn tồn tại.
Nhìn vào dáng hình bà Hoa, người ta không khỏi động lòng thương vì thoáng thấy ở đó một bóng dáng số phận khắc khổ. Đôi tay bà nổi gân xanh gầy guộc, gương mặt hốc hác. Bà kể rằng lúc bình thường cũng nặng được tới 40kg nhưng gần đây, vì bận chăm sóc con trai nên cơ thể sụt cân nhanh chóng, chỉ còn 35kg.
Người mà bà gọi là con trai thực chất là con riêng thứ 7 của chồng. Cậu tên Trần Văn Thắng (SN 1997). Vốn là một chàng trai đang độ khỏe mạnh nhưng mới đây, gia đình bất ngờ phát hiện Thắng mắc bệnh ung thư xương đầu gối. Sau một cuộc phẫu thuật, đôi chân em gặp khó khăn trong việc đi lại và mọi sinh hoạt cá nhân, đều phải cậy nhờ vào mẹ Hoa.
Vì chăm sóc Thắng, bà Hoa một mình lặn lội lên Hà Nội. Thương con, những đêm trời Hà Nội trở gió, bà Hoa lại trằn trọc thâu đêm, phần vì lo cho Thắng, phần vì nhớ thương chồng và các con ở quê nhà.
Thắng không phải là người con chồng duy nhất được bà Hoa yêu thương, cưng chiều. Ngoài cậu, bà có tất cả 9 người con nhưng trong đó, chỉ có một người là do bà sinh ra. Người ta thường nói, phụ nữ lấy chồng chỉ có đứa con làm lãi, nhưng ngay cả phần lợi ấy, bà Hoa cũng cắt ruột hy sinh. Khi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng, bà đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc các con chồng. Đối với bà, không có khái niệm con riêng mà chỉ có con chung vì dù 8 người con kia bà không sinh ra bằng máu mủ nhưng lại sinh ra bằng một trái tim bao la tình yêu.
Người phụ nữ ấy nói: “Khi tôi về sống chung với bố nó thì các con còn nhỏ dại lắm, Thắng mới chỉ có 3 tuổi thôi còn đứa út vừa tròn 2 tháng. Chúng không có tội tình gì và tất cả đều thiếu vắng tình yêu của mẹ. Vì thế, tôi thương các con như thương chồng, thương cho chính số phận của bản thân mình”.
Bà kể, chính bà cũng từng mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ. Gia đình bà có tới 9 anh chị em, hoàn cảnh cũng vô vàn khó khăn. Bố bà cũng từng đi bước nữa để tìm người phụ nữ chung tay chăm sóc các con và đến lượt bà, chứng kiến hoàn cảnh tương tự của cha con Thắng, bà tin rằng, việc lãnh nhận trách nhiệm nuôi dạy 8 người con của chồng là một sứ mệnh mà ông trời sớm đã định đoạt sẵn cho mình.
Gia cảnh nhà chồng rất nghèo, quanh năm sống bám vào vài sào đất trồng chè nên các con đều ốm đau quặt quẹo. Người con gái đầu bị bệnh câm điếc bẩm sinh, tốn không it tiền chạy chữa nên trong căn nhà vách đất của cha con Thắng, chẳng mảy may có một chút của nẻ, tiền bạc. Hàng xóm thường nói, bà Hoa là một người không bình thường bởi vì chỉ có người như thế mới dám đi vào một “vũng lầy” mà bản thân đã biết là trong đó có rất nhiều chông gai, đớn đau.
“Bố tôi cũng cấm đoán rồi hàng xóm thì dị nghị nhưng tôi không bận tâm. Có lẽ tình yêu sẽ là một phép màu để có những quyết định lạ lùng, tôi yêu ông ấy và tôi còn yêu các con riêng của ông nhiều hơn”, bà Hoa tâm sự.
Nhưng rồi mọi nghi kị cùng dần qua đi. Mẹ Hoa không những không ghét bỏ chị em Hiền mà còn vô cùng yêu thương, ân cần chỉ bảo từng li, từng tí. Nhờ có bà, bản thân Hiền và các chị em khác bỗng thấy căn nhà nhỏ như ấm áp tình yêu thương nhiều hơn. Thậm chí, ngay cả hàng xóm cũng dần phải thay đổi cách nhìn.
Giờ đây, không ai còn bàn tán chuyện vì sao bà Hoa lại ngu ngốc, đâm đầu cưới một người đàn ông nghèo khổ đã có tới 8 mặt con. Họ cũng thôi xì xào, giễu cợt chị em Hiền mồ côi mẹ vì tất cả đều tin rằng, chúng đã tìm lại được mẹ ruột, một người đàn bà yêu thương chúng hơn cả chính bản thân mình.
Theo lời Thắng, nhờ có bàn tay tần tảo của bà Hoa mà kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Bố mẹ cậu đã xây cất được một căn nhà mới 2 gian, mở rộng diện tích trồng chè, lo cho các chị gái dần yên bề gia thất. “Cuộc sống bây giờ tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã khá hơn xưa nhiều lắm”, Thắng khẳng định.
Bây giờ nhiều người con của bà Hoa đã đi làm, đi lấy chồng ở xa quê nhưng mỗi khi có tâm sự gì, chúng lại tìm đến bà để sẻ chia. Thương mẹ là thế, nhưng vì một nếp văn hóa từ bao đời và cả thói quen từ nhỏ, chưa ai dám một lần gọi tiếng mẹ trước mặt bà Hoa.