Chắc chẳng ai nghĩ rằng vòi hoa sen nhà mình đang dùng cũng gây hại cho sức khỏe, nhưng bên cạnh đó thì nó cũng có rất nhiều lợi ích.
LỢI: RẤT NHIỀU
Massage thư giãn
Những tia nước mát có khả năng kích thích các huyệt đạo, tăng cường tuần hoàn máu. Điều này giải thích tại sao chúng ta luôn muốn lưu giữ cảm giác sảng khoái, thoải mái sau khi tắm càng lâu càng tốt.
Sự xuất hiện của vòi hoa sen đã nâng công dụng của tắm lên một bước cao hơn. Những tia nước mạnh từ vòi hoa sen được đánh giá như một liệu pháp massage nhẹ nhàng từ đầu đến chân.
Không chỉ tốt cho làn da trên cơ thể, vòi sen còn có thể dùng massage da mặt, tẩy sạch bụi bẩn và xoa bóp nhẹ nhàng giúp gương mặt được tươi sáng và săn chắc hơn. Gội đầu bằng vòi sen còn tạo ra sự kích thích các huyệt đạo ở trên đầu, giúp giảm những cơn đau đầu do stress.
Thông xoang, thoáng mũi
Đứng dưới vòi hoa sen nước ấm không chỉ giúp cho cơ thể sạch sẽ, mũi của bạn cũng được hưởng lợi từ nó. Hơi nước nóng sẽ làm thông xoang, thông mũi. Đặc biệt với những người bị bệnh xoang, việc hít hơi nước nóng có thể duy trì nhu động cho nhung mao niêm mạc xoang, giúp chất nhớt lưu thông và các xoang được dẫn lưu.
Săn gọn vòng 1
Chỉ cần để các tia nước phun mạnh lên bầu ngực và massage nhẹ nhàng gò bồng đảo, các cơ nâng ngực sẽ mạnh hơn, vòng 1 nhờ vậy sẽ trở nên săn chắc, gọn gàng hơn.
Tuy nhiên, liệu pháp này sẽ phản tác dụng nếu bạn tắm với nước quá nóng. Tắm nước quá nóng thường xuyên chính là nguyên nhân làm cho da bị chảy nhão, mất đi độ săn chắc và các thành phần giữ ẩm tự nhiên của da.
Bạn nên có sự xen kẽ giữa nước ấm và nước mát trong quá trình tắm để se khít lỗ chân lông và làm da săn chắc hơn. Trừ những ngày đông lạnh lẽo, bạn nên tắm theo cách này khoảng 3-4 lần/tuần hoặc hàng ngày nếu bạn cảm thấy thoải mái.
HẠI: KHÔNG ÍT
Hại não vì mangan từ nước
TS. John Spangler, Đại học Wake Forest (Mỹ) đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ hít phải khí mangan thoát ra từ trong nước khi dùng vòi tắm hoa sen. Nhóm nghiên cứu của ông đã tính toán lượng mangan con người hít phải khi tắm bằng vòi hoa sen (10 phút/ngày) và đưa ra kết luận: Sau 10 năm thường xuyên “xì nước” có chứa mangan, trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với lượng vi chất này cao gấp 3 lần so với liều lượng có thể tạo mảng cặn trong não chuột; người lớn (với thời gian tắm vòi hoa sen lâu hơn) có thể hấp thu lượng nhiều hơn tới 50% so với trẻ em.
Mặc dù, lượng mangan trong nước sinh hoạt đã được kiểm soát nhưng khi tiếp xúc trong một thời gian dài thì không ai dám chắc về độ an toàn của nó. Bởi một lượng nhỏ chất này khi xâm nhập vào não cũng có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Các chuyên gia cho biết, việc hít mangan nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc nhiễm mangan qua đường ăn uống vì nó đưa kim loại này vào não nhanh hơn và gây tác động mạnh hơn rất nhiều (các tế bào thần kinh có mối liên quan chặt chẽ với khứu giác).
Vòi hoa sen = Ổ bệnh
Chính thiết kế nhiều lỗ, nhiều lớp để tạo ra các tia nước nhỏ đã biến vòi hoa sen trở thành một môi trường lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập, cư trú và sinh sôi. Một số các nghiên cứu cho thấy, bát sen (phần đầu của vòi tắm hoa sen) có chứa rất nhiều loại vi khuẩn trong đó có cả vi khuẩn mycobacterium avium gây bệnh phổi, vi khuẩn pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) gây viêm nhiễm vùng ngực…
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Colorado (Mỹ) đã tiến hành phân tích một số lượng lớn các mẫu chất bám ở đầu vòi hoa sen tại 45 địa điểm thuộc 9 thành phố của Mỹ. Kết quả cho thấy, 30% số này có chứa mycobacterium avium. Khi so sánh với các mẫu nước trước khi chảy vào vòi hoa sen, người ta phát hiện ra, các mẫu chất này có mật độ vi khuẩn mycobacterium avium cao gấp 100 lần.
Vi khuẩn này có thể gây viêm phổi ở cả những người khỏe mạnh và những người có hệ miễn dịch kém, đặc biệt là người hút thuốc, uống rượu, mắc bệnh phổi mãn hoặc đang phải chống chọi với các bệnh lây truyền. Bệnh nhân nhiễm bệnh sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, ho khan và thở dốc. Riêng với những người mắc các chứng bệnh liên quan đến phổi, thay vì sử dụng vòi hoa sen bạn nên chọn bồn tắm để đảm bảo an toàn.
Khi chúng ta mở vòi hoa sen, cùng với nước là sự phát tán của các vi khuẩn từ trong vòi ra ngoài. Chúng bay lơ lửng trong không trung và dễ dàng bị con người hít vào phần sâu nhất bên trong phổi. Vì thế vòi sen sử dụng công cộng (ở bệnh viện, khách sạn, nhà tắm công cộng) cần được thay mỗi năm 1 lần. Vòi hoa sen trong gia đình cũng cần được cọ rửa thường xuyên để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Học sống hòa bình
Bạn vẫn có thể yên tâm tận hưởng những ích lợi từ vòi tắm hoa sen mà không lo nhiễm bệnh chỉ cần bạn biết cách sống hòa bình với nó.
Các nghiên cứu đã cho thấy, lượng nước đầu tiên được xả ra ở vòi sẽ là lượng nước chứa nhiều vi khuẩn nhất. Bởi vậy, trước khi tắm, hãy mở vòi hoa sen và xả nước ra ngoài trong vòng 1-2 phút rồi mới tắm. Nếu gia đình bạn sử dụng bình nóng lạnh, hãy tận dụng sức nóng đó bằng cách để chế độ nóng và xả ra vài phút để tiêu diệt bớt vi khuẩn. Sau đó mới điều chỉnh lại để tắm.
Thường xuyên sử dụng các loại dung dịch có tính sát khuẩn chuyên dùng để lau rửa vòi hoa sen sẽ giúp làm giảm bớt vi khuẩn bám dính ở vòi hoa sen. Bạn cũng đừng quên cọ rửa nhà tắm, nhất là khu vực vệ sinh ít nhất 1 lần/tuần để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào vòi hoa sen và các đồ dùng khác.
Các nhà nghiên cứu đã khẳng định đầu hoa sen nhựa xuất hiện thì “nạp” khuẩn nhiều hơn so với đầu hoa sen kim loại. Bạn đã biết nên chọn loại vòi hoa sen nào để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình rồi đấy.