Rất rất nhiều người trên thế giới đều có thói quen dùng cà phê ngay sau khi thức dậy, lúc bụng đói. Mặc dù cà phê có những lợi ích nhất định cho cơ thể, nhưng tuyệt đối đừng nên uống khi bụng đói, đặc biệt là vào buổi sáng.
Nguyên nhân là khi uống một tách cà phê đen trên dạ dày rỗng vào buổi sáng sẽ làm tăng lượng a-xít hydrochloric trong đường tiêu hóa. Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn bị viêm dạ dày, a-xít này sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Chúng gây nên một số vấn đề về tiêu hóa, khiến dạ dày khó tiêu hóa các protein. Và khi protein không được phân hủy hoàn toàn sẽ dẫn đến các vấn đề khác như đầy hơi, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, trầm trọng nhất là gây bệnh ung thư ruột kết.
Đây chính là lý do tại sao nhiều chuyên gia y tế cảnh báo rằng bạn không nên uống cà phê khi đói, nhất là vào buổi sáng. Cá phê sẽ làm tăng mức độ cortisol và cơ thể cần một thời gian dài để cân bằng. Cortisol là hormone điều khiển đồng hồ sinh học, giữ cho bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo. Đồng thời cà phê làm giãn cơ vòng thực quản dưới gây chứng trào ngược a-xít và ợ nóng.
Ngoài ra, cà phê còn làm tăng nhịp tim, huyết áp; do đó, những người bị cao huyết áp cần hạn chế cà phê. Đối với những người bệnh tim, uống nhiều hơn 5 cốc cà phê mỗi ngày sẽ không an toàn. Chúng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Chất caffeine có thể làm tăng lượng canxi đưa ra ngoài qua nước tiểu, gây suy yếu xương. Do đó nếu bạn bị loãng xương, lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày không được vượt quá 300mg (khoảng 2 tách/ngày).
Như vậy, bạn nên ăn sáng trước khi uống cà phê. Tuy nhiên, nếu không thể ăn sáng, nhưng bạn cũng không thể bắt đầu một ngày mới mà thiếu tách cà phê, hãy thêm sữa hoặc bơ vào ly cà phê. Cách này có thể làm giảm tác hại của cà phê đối với dạ dày.