Nếu gặp cảnh nam nữ hôn nhau trên phố, người lớn sẽ lắc đầu cho rằng, cặp đôi này không đàng hoàng.
Nhận định về vấn đề bày tỏ tình cảm chốn công cộng, cô bạn người Úc của tôi thường nói đùa: “Người Việt Nam các bạn lạ thật, việc cần kín đáo như đi vệ sinh thì tôi thấy đàn ông các bạn làm suốt ở ngoài đường, còn việc rất bình thường là trao nhau tình cảm thì ai cũng dè chừng!”
Cách bày tỏ tình cảm của người Việt Nam và nước ngoài rất khác biệt. Ở chốn công cộng phương Tây, nam nữ có thể thoải mái ôm ấp, trao nhau những cử chỉ yêu thương mà không hề ngần ngại những ánh mắt của người xung quanh. Thế nhưng nếu hình ảnh đó “bị” bắt gặp ở Việt Nam là sẽ “có chuyện” ngay. Người lớn thì lắc đầu ngao ngán cho rằng, đôi này không đàng hoàng, người trẻ thì bĩu môi kêu “Về nhà mà thể hiện!”.
Những người đàn ông phương Tây có thể bắt tay, khoác vai hay thậm chí là hôn má người khác giới để chào hỏi. Nhưng ở Việt Nam, nếu chàng trai nào có hành động như vậy thì chắc chắn, họ sẽ hứng chịu được cú bạt tai kinh hoàng.
Việc bày tỏ tình cảm nơi công cộng đối với người Việt là một chuyện vô cùng tế nhị, kín đáo. Đó cũng là truyền thống bao đời khó có thể thay đổi được ở các nước Á đông.
Chính vì lớn lên trong môi trường như vậy nên tôi – một du học sinh Mỹ đã rất ngại ngần khi những người bạn Mỹ giang tay ra ôm như một cử chỉ thân mật mỗi lần gặp mặt. Khi “bị” ôm lần đầu tiên, những người bạn cùng trường của tôi đều ngạc nhiên khi thấy tôi phản ứng ái ngại. Tôi phải phân trần rằng, ở Việt Nam, dù có thân nhau mấy người ta cũng không có thói quen ôm nhau chào hỏi như vậy. Việc đụng chạm vào nhau chỉ dành cho những cặp yêu nhau mà thôi. Do vậy, những cô gái Việt được xem là kín đáo và hơi có phần bảo thủ, trái ngược với những cô gái phương Tây phóng khoáng, tự do.
Không chỉ “tiết kiệm” việc bày tỏ tình yêu, người Việt Nam ta còn “tằn tiện” cả việc bày tỏ tình bằng hữu, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
Ở nước ngoài, mỗi khi có tai nạn xảy ra, hay chỉ đơn giản là ai đó cần giúp đỡ, nhiều người sẵn sàng dừng lại. Người thì kêu gọi cứu trợ từ các lực lượng chức năng như cảnh sát, lính cứu hỏa, người thì một tay gắng sức giúp được chút nào hay chút nấy cho người đang gặp nạn.
Nhưng ở ta thì khác. Họa hoằn lắm mới có người đủ dũng khí dừng lại giúp người gặp nạn. Ta nghe rất nhiều câu chuyện về những tiếng hét “Cướp” thất thanh trên phố, và người qua đường chọn cách phản ứng là tiếp tục với công việc thường ngày của họ. Bởi có rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do giúp đỡ người khác, bởi người ta sợ bị “trả thù”… và bởi không biết giúp họ bằng cách nào nữa.
Ta nghe rất nhiều câu chuyện về những con người lợi dụng những mảnh đời éo le để lừa gạt người khác khiến cho người Việt Nam càng ngày càng nghi ngờ nhau, thành thử kể cả có éo le thật nói ra cũng chẳng ai tin! Chính những câu chuyện xấu xí ấy khiến người ta đâm ra “ngại” giúp đỡ nhau hơn, vì biết đâu, họ sẽ tự biến mình thành nạn nhân thì sao?
Dạo gần đây, cư dân mạng có truyền tay nhau thông tin về một cụ bà 80 tuổi ngày ngày vẫn bán bún thịt nướng dạo, với lời nhắn gửi mỗi người ra ủng hộ cụ một chút. Ngay lập tức, xe bán bún của bà làm việc hết công suất, hàng trăm suất bún hết veo chỉ trong một giờ đồng hồ.
Điều này cho thấy người Việt Nam ta rất có ý thức về việc san sẻ khó khăn với cộng đồng, giúp đỡ những người thực sự cần giúp. Và xã hội này còn biết bao nhiêu mảnh đời khó khăn như cụ, chỉ mong rằng chúng ta ai ai cũng có thể đóng góp phần nào sức lực của mình để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Xã hội chúng ta là xã hội cộng đồng, việc bày tỏ tình cảm lứa đôi là việc của cá nhân nên ta “cứ đưa về nhà” cũng không sao. Nhưng việc sẻ chia khó khăn, giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn là điều vô cùng quan trọng. Và việc này có thực hiện được tốt hay không là đều phụ thuộc vào ý thức, cách sống của người trẻ.