Nếu ai chán nguồn hàng trong phía Nam quá nhàm hoặc ai đang ở tận miền Bắc không thể vào trong Nam đánh hàng thì sau đây em xin cung cấp chút ít kinh nghiệm về cách lấy hàng ngoài Bắc và các khu lân cận đây ạ.
Em chuyên tổng hợp địa chỉ nguồn hàng và bị trách là tại sao không tổng hợp phần phía bắc thì rong bài viết này, em sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm đánh hàng ngoài ấy cho các chị em tham khảo đây ạ. Mọi người tìm kiếm nguồn hàng quần áo về bán thì có lời em cũng mừng giùm, nhưng làm ơn bạn nào lưu về, copy về nhớ ghi danh tánh giùm em, báo nào lấy lại thì cũng nhớ ghi nguồn luôn nhé. Chứ mấy lần rồi, lần nào cũng lấy bài em về, còn ghi là tổng hợp thật là “quá đáng” lắm đấy ạ. Công tình em đi hỏi han, lân la các trang này nọ để tích cóp kinh nghiệm chia sẻ lại mà không được ghi nhận nó như có đứa con mà bị người ta bắt cóc đó các mẹ.
Và đây là những nguồn hàng phía Bắc theo em là rẻ – đẹp – độc mà chúng ta có thể gom:
1. Chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) – còn gọi là chợ vải Ninh Hiệp hay chợ Nành Ninh Hiệp:
Là một trong những chợ cổ nhất Việt Nam. Chợ khá rộng, quần áo được bày bán ngay từ khu vực ngoài trời, cách cổng chợ gần 1km.Xen lẫn những quầy bán vải là các quầy bán phụ kiện may mặc như kim chỉ, dây kéo, dây thun…Hiện chợ được biết đến như trạm trung chuyển quần áo Trung Quốc lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, bạn có chợ chỉ dành cho đối tượng kinh doanh, mua nhỏ lẻ sẽ bị làm khó làm dễ nhe.
2. Chợ Đồng Xuân (ở Hà Nội):
Là chợ bán buôn lớn nhất Miền Bắc Việt Nam nằm ở khu phố cổ của thủ đô Hà Nội. Chợ nằm trong khu phố cổ 36 phố phường và có lịch sử hàng trăm năm từ triều đại nhà Nguyễn. Ở đây bán buôn, bán sỉ các mặt hàng và được phân chia theo khu vực rõ ràng nên rất dễ để mình lựa chọn chứ không tùy tiện như những chợ khác. Đặc biệt có thể mua lẻ bất cứ thứ gì mà bạn muốn nhưng phải lưu ý lựa chọn thật kỹ lưỡng trước khi mua và mua nhanh không thôi người ta đuổi khéo.
3. Chợ Hàng Ngang, Hàng Đào:
Hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt hơn hẳn chợ Đồng Xuân và Ninh Hiệp và được cái thuận tiên đi lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển.Tuy nhiên cũng phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu để mua sản phẩm chất lượng tốt với giá hợp lý, vì nhiều khi gặp phải hàng trà trộn kém chất lượng mà lại giá cao
4. Chợ Lim (ở Bắc Ninh) cũng là 1 đơn vị được đề cử và ngoài ra còn có Chợ cửa khẩu Tân Thanh (ở Lạng Sơn) hay khu chợ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), …
5. Hàng Đài Loan:
Đánh hàng khu vực miền Bắc thì cũng không nên bỏ qua nguồn hàng Đài Loan nhỉ, vận chuyển về cũng khá gần nè. Đặt hàng sẽ được giao nhận sớm.C ác bạn có thể tìm mua hàng hóa từ 4 trang web dưới đây và giao hàng với giá vận chuyển về Hà nội khoảng 150k/1kg ấy.
Link tham khảo
http://24h.pchome.com.tw/?m=index&f=…24hour&s=vogue
http://buy.yahoo.com.tw/
http://www.payeasy.com.tw/fashion/clothes/index.shtml
www.gohappy.com.tw ( hàng hiệu, giá cao hơn so với 3 web trên)
6. Xưởng gia công khu Dốc Lã:
Nơi đây có các ki ốt nhỏ được xây san sát nhau phía hai bên đường. Đây là những cơ sở nhỏ chuyên đặt may các mẫu thời trang số lượng lớn theo yêu cầu, tuy nhiên họ vẫn có bán buôn cả quần áo may sẵn nhưng số lượng ít hơn. Nếu có nhu cầu đặt may theo mẫu bạn nên dừng lại các quầy hàng này để tham khảo giá, đừng vội chốt đơn hàng ngay với họ mà nên đi tham khảo vài ba nhà khác nhau để tìm được nguồn hàng quần áo mức giá tốt nhất.
Địa chỉ: Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội.
7. Trung tâm thương mại Baza:
Cũng vòng quanh khu chợ Ninh Hiệp, cách khoảng chừng 1,5 km nữa, là đến chợ đầu mối Baza, chuyên bán buôn bán lẻ vải vóc các loại (thực chất các chủ hàng đều chuyển dịch ra phía ngoài đường và không bán trong trung tâm). Nếu đi lần đầu bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vải vóc ở đây quá nhiều và đa dạng với mọi chất liệu, màu sắc và giá cả.Nếu có ý định đi mua vải bạn cũng nên học hỏi biết chút ít kiến thức về vải đủ để nhận biết chúng là loại gì để mà trả giá nhé, người bán hàng ở đây siêu chuyên nghiệp, nhìn thôi là biết bạn từ đâu đến và mục đích là gì.
8. Khu chợ Sơn Long và Phú Điền:
Đi hết đoạn đường vào chợ Ninh Hiệp bạn sẽ bắt gặp 2 trung tâm thương mại mới được thành lập đó chính là chợ Sơn Long và Phú Điền, nằm đối diện phía trường tiểu học Ninh Hiệp. Hai khu chợ này có bán buôn bán lẻ hầu như tất cả các mặt hàng thời trang nam, nữ (tuy nhiên có một vài quầy họ sẽ không bán lẻ cho khách). Khi vào bất kỳ một quầy nào sẽ có các mẫu được trưng trên một chiếc bàn nhỏ để khác xem trước, nếu ưng mẫu nào thì chủ shop sẽ nhặt cho bạn cả dây còn đóng nguyên túi trong kho của họ.
Thường thì trong này sẽ khó mặc cả, họ sẽ hỏi luôn bạn từ đầu là lấy lẻ hay buôn và đưa ra giá bán. Khi nhận hàng bạn không cần mở ra xem, nhưng nhớ phải nhắc họ kê toa (đơn hàng) và hỏi qua về chính sách đổi trả. Nếu sau này sản phẩm nào bị lỗi, không đúng màu, size số thì mang cả đơn hàng và sản phẩm lỗi đi để đổi.
Đó là những địa chỉ nguồn hàng lớn mà em tóm tắt cho các chị nắm trước, còn ai muốn tìm hiểu kỹ hơn riêng về kinh nghiệm mẹo vặt lấy hàng thì đọc phần review nhỏ dưới đây, em sẽ đào sâu hơn cho mọi người biết rõ
– Trang phục nhẹ nhàng, đi giày đế thấp và trên tay xách một lô các túi hàng lớn nhỏ, giống các con buôn thứ thiệt. Và gặp mấy bà tại chợ hãymạnh dạn hỏi: “Mấy hôm nay có mẫu mới nào về không em? Mẫu này giá nhập bao nhiêu? Có hạ thêm được không?”
– Cần mang theo khẩu trang (vì chợ rất bụi) và mang giày thấp (tốt nhất là giày bata) vì chợ rất dài nên bạn sẽ phải đi bộ khá xa
– Nếu đi xe Bus thì có 2 xe: Xe 10B xuất phát từ bến xe Lương Yên, cách 30 phút sẽ có một chuyến, giá vé 7 nghìn/lượt; Xe 65 xuất phát từ bến xe Thụy Lâm (Đông Anh), giá vé 8 nghìn/lượt. Cả 2 xe đều dừng ngay chỗ chợ Baza nên cũng rất thuận tiện.
– Nếu đi xe máy từ Hà Nội > Cầu Long Biên > Gia Lâm > Cầu Đuống > Hà Huy Tập (Yên Viên) -> Dốc Lã (xã Yên Thường) > Chợ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, nếu đi xe máy thì không nên rẽ vào lối chợ (vì rất đông) mà nên đi thẳng thêm một đoạn và rẽ trái vào luôn khu trung tâm thương mại để gửi xe, sau đó mới đi mua hàng.
– Khi lấy hàng nhớ bảo chủ quầy kê hóa đơn và chính sách đổi trả để phóng tránh hàng lỗi sau này có thể đổi được.
– Nếu muốn rút tiền thì có 2 cây ATM, một cây ngay cổng chợ Nành, một cây nằm cạnh khu vui chơi cho thiếu nhi.
– Chợ mở cửa từ khoảng 7h- 18h hàng ngày, nếu đi mua buôn nên đi sớm sẽ được đón tiếp nhiệt tình hơn. Nếu là người “mở hàng” đầu tiên thì cần lưu ý tránh bị “ăn chửi”. Nếu mua lẻ thì nên rủ nhiều người đi cùng nhau, mỗi người mua một món nhưng nhiều người mua sẽ vẫn được tính giá buôn nhưng cũng không nên đi đến đồng loạt cản trở người ta buôn bán người ta đuổi đấy.
– Chợ rất đông và chen chúc nên tư trang, tiền bạc cần cất thật cẩn thận tránh bị kẻ gian móc túi.
– Thông thường, các chủ sạp sẽ hỏi luôn là mua lẻ hay mua buôn và chỉ nên mặc cả một lần vì ít khi họ giảm thêm giá trừ khi bạn nhập một lượng hàng đủ lớn. Những người mua lẻ muốn có giá buôn có thể biện cớ muốn lấy thử 1-2 mẫu trước nếu ok sẽ nhập số lượng lớn cho các lần sau.
– Mua xong thì đừng quên xin số điện thoại, số tài khoản chủ sạp để họ tin tưởng rằng bạn sẽ liên hệ lại, người ta sẽ gói hàng cẩn thận hơn này nọ.
Nguồn: hlam27051993 – webtretho