Bạn là sinh viên, bạn ra trường chưa có việc làm,… không sao cả! Sự phát triển của các phương thức truyền thông mới đang tạo ra các cơ hội kiếm tiền mới, không cần phụ thuộc vào ai.
1. Mạng xã hội nhiều lần làm rò rỉ bảng giá vài chục triệu đồng cho một status của các ca sĩ, MC hay các ngôi sao giải trí.
Với số lượng người theo dõi khủng hàng trăm nghìn hoặc thậm chí vài triệu người, mỗi thông điệp đăng trên trang cá nhân hoặc fanpage sẽ lan tỏa rất rộng trên mạng xã hội, và đây chính là cơ hội quảng bá tốt cho nhiều nhãn hàng.
Ca sĩ Khởi My có tới 10 triệu người theo dõi, nghệ sĩ Hoài Linh là 9,5 triệu, và những cái tên không mấy kém cạnh là Trấn Thành, Sơn Tùng M-TP, Hồ Quang Hiếu,…
Ở góc độ nào đó, nếu so với lượng phát hành của một tờ báo chính thống, đây là con số lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh các ngôi sao giải trí thì còn có các “ngôi sao online”, nổi danh nhờ các bài viết được nhiều người chia sẻ. Mỗi status của các facebooker này có hàng nghìn người like và hàng trăm comment là chuyện bình thường.
Để có thể gia nhập “câu lạc bộ nghìn like” không dễ bởi phải có khả năng viết và có kỹ thuật “nuôi like”.
Khi có nhiều người đọc, sẽ có các nhãn hàng tìm đến, không chỉ để quảng bá mà thậm chí có cả những hợp đồng định hướng truyền thông, hoặc xử lý (hay tạo) rắc rối truyền thông với giá trị không nhỏ.
Có một câu chuyện về một nhà hàng (xin phép không nêu tên) tại Hà Nội, ông chủ của nhà hàng đã chạy hàng loạt chiến dịch truyền thông trên mạng vẫn chưa mang lại số khách mong muốn.
Sau khi được tư vấn, ông chủ này đã quyết định chọn một vài ngôi sao và “hot girl”, “hot boy” đến tham gia sự kiện tại nhà hàng, chấp nhận chi trả mức thù lao tương đối, có thể lên tới vài chục triệu đồng. Hiệu quả tới sau 1 tháng.
Lý do khá đơn giản, như người đã tư vấn cho chiến dịch truyền thông này chia sẻ: “Những ngôi sao có thể ở ngoài đời không được ồ ạt xin chữ ký như trong “trong phim”, nhưng trên mạng xã hội, fan (người hâm mộ) lại rất lớn, có đến mấy chục, mấy trăm ngàn người theo dõi.
Vì vậy, chỉ cần đưa tấm hình cô ấy đang ăn ở nhà hàng này lên đã thúc đẩy khách hàng đến nườm nượp”.
Một câu chuyện khác về ngành thẩm mỹ viện, đang rất “hot” nhờ quan niệm “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết… cách hết xấu”. Lợi nhuận cao và cạnh tranh cũng rất lớn khiến hầu hết các thẩm mỹ viện đều phải thuê đội chạy truyền thông.
Chiêu phổ biến dễ bắt gặp trên mạng đó là thuê các nữ blogger có lượng tương tác lớn với nhiệm vụ duy nhất là thường xuyên cập nhật sản phẩm trên trang cá nhân Facebook, Instagram hay Twitter hoặc Zalo của mình, bằng việc viết các status (chia sẻ) về việc cô đang sử dụng sản phẩm cũng như tác dụng của sản phẩm mà cô thấy sau khi sử dụng, đã giúp các trung tâm thẩm mỹ luôn đông khách.
Các status này không nhất thiết phải do chính người đó viết mà có thể là do đơn vị chạy truyền thông cung cấp.
2. Một công việc viết lách khác cũng được coi là “hái ra tiền” trên mạng xã hội, đó là là “viết bình luận” thuê trên các diễn đàn, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook.
Bắt nguồn từ tâm lý chung rằng đa số mọi người ít khi tin vào quảng cáo và cảm thấy mình đang bị lừa khi nghe một nhân viên quảng cáo nói về sản phẩm, dịch vụ của anh/cô ấy, nhưng chúng ta lại tin sái cổ vào những thông tin được mọi người truyền tai nhau. Nghề seeding đã dần hình thành như vậy.
Nếu bạn quan tâm tới công nghệ, liệu bạn có bao giờ thắc mắc những thông tin “rò rỉ” là từ đâu ra cả tháng trời trước khi một dòng điện thoại mới chính thức ra mắt.
Luôn có sự “ngẫu nhiên” khi hình ảnh “rò rỉ” trên các diễn đàn, các trang tin điện tử hay những vụ bị lộ phiên bản dùng thử, bị mất sản phẩm mẫu đình đám của các hãng công nghệ lớn trên thế giới khiến người dùng tò mò, quan tâm, thậm chí lên kế hoạch lập quỹ để chuẩn bị rước sản phẩm này về.
Ít người biết rằng, những vụ rò rỉ “ngẫu nhiên” ấy là một chiến dịch của nhà sản xuất với kịch bản chi tiết đến từng câu chữ.
Trong thời đại của internet, mỗi khi muốn tìm hiểu một vấn đề, điều đầu tiên bạn làm là lên mạng tìm kiếm. Khi thấy một thông tin được nhiều người bàn luận, xác nhận rằng sản phẩm dịch vụ này họ đã dùng qua và đánh giá tốt, bạn yên tâm là nó tốt và tin tưởng sử dụng.
Có khi nào bạn nghĩ rằng, tất cả những lời khen ngợi ấy đều xuất phát từ một người? Rất nhiều seeder sử dụng phương pháp lập nhiều nick ảo khác nhau trên mạng, tạo nên một cuộc trò chuyện ảo để lôi kéo nhiều thành viên khác tham gia và hướng họ theo ý muốn của mình.
Seeding dịch đúng nghĩa từ tiếng Anh là ươm mầm, gieo mầm. Những người làm forum seeding, online seeding cũng được coi là người gieo mầm.
Trên mảnh đất màu mỡ internet, các seeder gieo mầm thông điệp lên các diễn đàn, các website, blog, các mạng xã hội, tạo nên dư luận, lôi kéo nhiều người, từ đó truyền tải được thông điệp có lợi cho thương hiệu của họ.
Theo chia sẻ của nhiều đơn vị thầu “seeding” hiện tại, seeding có thể trải dài trong tất cả các lĩnh vực, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa, bỉm, gạo,… tới dịch vụ, giải trí cấp cao như xem film, đi máy bay hay thậm chí là tư vấn xây dựng, mua nhà.
Chẳng hạn, khi muốn chạy chương trình cho một nhãn hiệu sữa chua mới ra mắt thị trường. Kịch bản một đơn vị thầu “seeding” phải thực hiện trong vòng 3 tháng là truyền miệng thật nhiều về một cô Á hậu V. lên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,… như cô này đang làm gì, ở đâu, ăn gì, bởi cô Á hậu này chính là đại sứ thương hiệu của hãng.
Song song đó là “gieo mầm” thảo luận các chủ đề về sữa chua, bao gồm các hướng dẫn về việc kết hợp sử dụng sữa chua để làm đẹp, để lợi tiêu hóa… trên các diễn đàn để mọi người, hoặc chính nhóm seeder dùng nhiều tài khoản lên bình luận.
Tất nhiên, để thuê các nhóm seeder này thực hiện viết “comment thuê”, ban truyền thông của các doanh nghiệp cũng phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn, với mức giá có thể lên tới 15.000 đồng/comment.
Tính toán sát sườn con số này cũng có thể lên tới vài trăm triệu cho một chiến dịch tạo thương hiệu, bởi lẽ khi làm seeding, khó nhất là viết kịch bản, tạo chủ đề và định hướng mỗi ngày phải viết gì, bình luận gì để thu hút thành viên diễn đàn tham gia.
Với sản phẩm lĩnh vực chuyên sâu như tài chính, ngân hàng, sức khỏe thì còn buộc người làm seeding phải có kiến thức chuyên môn sâu mới làm được.
3. Hai nghề nêu trên chỉ là số ít trong hàng trăm nghề đang nổi lên từ không chỉ Facebook, mà còn hàng trăm các mạng xã hội lớn nhỏ trên thế giới và Việt Nam vào thời điểm hiện tại như Twitter, Flick, Google+, LinkedIn, Zing, Zalo, Mocha,…
Riêng đối với Facebook, tính tới thời điểm cuối tháng 4/2016, trên thế giới đã có khoảng gần 1,7 tỷ thành viên của mạng xã hội này, còn tại Việt Nam con số này ước tính vào khoảng 35 triệu thành viên.
Như vậy, với số dân là 90 triệu người, thì hơn 1/3 dân số Việt Nam đã biết đến mạng xã hội. Con số sử dụng với các mạng xã hội khác trên thế giới cũng đến vài trăm triệu, và ở Việt Nam là khoảng vài chục triệu người.
Điều này cho thấy một ý nghĩa quan trọng của mạng xã hội đối với các cá nhân, doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận người dùng tại khu vực Việt Nam.
Điểm nổi bật mà chúng ta có thể nhận thấy đó là bên cạnh khả năng kết nối và chia sẻ, mạng xã hội còn cung cấp nhiều công cụ giúp người dùng tìm kiếm bạn chung độ tuổi hay chung sở thích, qua đó họ có thể gửi thông điệp đến đúng đối tượng.
Với hàng chục triệu người dùng, cùng lượng truy cập thường xuyên lên tới vài giờ mỗi ngày, đồng thời độ tuổi trung bình người dùng vào khoảng 18 – 34 tuổi, mạng xã hội không chỉ là nơi tiếp nhận thông tin, giao tiếp với bạn bè, mà còn là một môi trường kiếm tiền hoàn hảo.