Bệnh gút (gout) là do lắng đọng các tinh thể urat (urat natri) hoặc tinh thể axit uric gây viêm khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi trên 40. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mãn tính.
Bệnh gút là hậu quả của tăng axit uric máu, một sản phẩm chuyển hoá cuối cùng của các nhân purin (adenine và guanine) thành phần axit nhân tế bào (acxit nucleic).
1. Nguyên nhân:
– Bệnh gút nguyên phát: Gắn liền với yếu tố cơ địa và di truyền,
– Bệnh gút thứ phát: Axit uric tăng thứ phát do nhiều nguyên nhân sau: Ít gặp
+ Do ăn nhiều: Nhất là những thức ăn có chứa nhiều nhân purin (gan, lòng, thịt, cá, tôm, cua…), uống nhiều rượu, bia. Đây là yếu tố thúc đẩy bệnh và tái phát bệnh.
+ Do tăng cường giáng hoá nhân purin nội sinh (phá huỷ nhiều tế bào, tổ chức) bệnh đa hồng cầu, bạch cầu kinh thể tủy, Hodgkin…
+ Do giảm thải axit uric qua thận: viêm thận mạn tính, suy thận…
2.Khi đã mắc Gout thì hậu quả sẽ thế nào?
Nếu không điều trị hoặc để tái phát nhiều lần sẽ gây hủy khớp dẫn đến tàn phế, lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp.
Khoảng 20 % bệnh nhân gút bị sỏi thận do chính tinh thể urat lắng đọng gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng đường tiết niệu… có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Một số bệnh nhân có các cục ở dưới da như vùng khuỷu, mắt cá… gọi là cục tophi là do lắng đọng tinh thể urat, khi vỡ ra làm chảy ra một chất bột trắng giống như phấn. Khi khớp bị viêm nhiều lần gây dày, hạn chế vận động của khớp, giảm khả năng lao động. Đáng chú ý là, bệnh nhân mắc bệnh gút thường có thể mắc một số bệnh kèm theo như Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, bệnh mạch não là những bệnh của Hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến chế độ ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống rất nhiều.
3. Chế độ ăn trong điều trị Gout :
Khi bị gút cấp có thể điều trị bằng các thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng phù hợp nhằm ngăn ngừa hoặc làm kéo dài thời gian tái phát bệnh.
Nguời bị bệnh gút ngoài thực hiện các lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, cần hạn chế các thức ăn có nhiều Purin có thể gây tăng axit uric, đặc biệt trong các đợt bệnh cấp tính.
– Nhóm I: thức ăn chứa ít purin như ngũ cốc, bơ, dầu mỡ, rau quả (trừ một vài loại ở nhóm II), các loại hạt… đặc biệt trứng, sữa không chứa purin nên được khuyến khích sử dụng.
– Nhóm II: thức ăn chứa purin trung bình: thịt, cá, hải sản, gia cầm, đậu đỗ, cải bó xôi, bông cải.
– Nhóm III: thức ăn chứa nhiều purin là phủ tạng các loại như gan, bầu dục, óc, lá lách, trứng cá, nước dùng thịt, cá nục, nấm, măng tây, bia, socola, cacao.
Một số thức uống làm tăng axit uric cần hạn chế là rượu, càphê, trà, nước uống có cola.
Người bệnh gút nên loại bỏ thức ăn nhóm III, đặc biệt khi đang đau cấp tính. Ăn hạn chế thực phẩm nhóm II (tăng sữa, trứng để thay thế), tránh ăn các loại nước dùng, nước hầm, nước rau củ… để giảm bớt lượng purin của thức ăn hòa tan trong nước.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tích cực uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng kiềm để tăng cường thải tiết axit uric qua nước tiểu. Bệnh nhân cần bỏ rượu, thậm chí cả rượu vang, rượu thuốc. Một số loại thức ăn cần hạn chế như socola, cacao, nấm, nhộng, rau dền. Cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua… vì chính những chất chua làm cho axit uric tăng cường lắng đọng vào khớp cấp tính. Bệnh nhân mắc chứng béo phì cần áp dụng chế độ ăn giảm mỡ, giảm calo.
– Khi thấy lượng axit uric cao hơn mức bình thường thì phải thực hiện ngay chế độ ăn uống thích hợp và dùng thuốc giảm axit uric trong máu.
– Bên cạnh đó cần có chế độ tập luyện TDTT, không để bị thừa cân, béo phì.
4. Phòng tránh bệnh Gout nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ở những đối tượng có nguy cơ bị gút không ăn quá nhiều các thực phẩm có nhiều nhân Purin như khuyến cáo ở trên. Uống đủ nước. Bên cạnh đó cần kết hợp tập luyện thể lực hàng ngày để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, không thừa cân và béo phì.
Thạc sĩ, Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – BV198