Đông y gọi hoa hòe là hòe mễ, mễ là hạt gạo, ý nói vị thuốc từ hoa hòe, có kích thước chỉ bằng hạt gạo, nghĩa là còn ở dạng nụ hoa, mới được dùng làm thuốc. Do vậy, ta phải thu hái hoa hòe, ngay từ khi nó còn là nụ hoa, là như vậy.
Hoa hòe là một loại cây được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Tuy nhiên, về công dụng chữa bệnh của hoa hòe thì nhiều người còn chưa biết đến.
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ hoa hòe sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Canh hoa hòe với gà
Công dụng: Tư âm ích khí, lương huyết giáng áp, dùng để chữa trĩ xuất huyết, đau mắt đỏ, cao huyết áp.
Chuẩn bị: Hoa hoè tươi 250g, thịt gà 150g, cà chua 25g, tỏi 25g, lòng trắng trứng gà 1 quả, bột mỳ, rau mùi, giấm, dầu thực vật và gia vị vừa đủ.
Thực hiện: Hoa hoè rửa sạch, chần qua nước sôi, để ráo nước; Thịt gà loại bỏ gân thái chỉ rồi đem ướp với gia vị, lòng trắng trứng và bột mỳ; Rau thơm thái nhỏ, cà chua thái chỉ. Đổ dầu thực vật vào chảo, đun nóng già rồi cho thịt gà hoa hoè vào đảo đều, khi gần chín cho cà chua vào đun thêm một lát là được, đổ ra đĩa, rải rau mùi lên trên, ăn nóng.
Chữa bệnh trĩ xuất huyết bằng món hoa hòe chiên
Công dụng: Tư âm nhuận táo, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ xuất huyết.
Chuẩn bị: Hoa hoè tươi 250g, trứng gà 3 quả, thịt hun khói 20g, hạt đậu Hà Lan luộc chín một ít, hành củ, mỡ lợn và gia vị vừa đủ.
Thực hiện: Hoa hoè rửa sạch, chần qua nước sôi, để ráo nước; Thịt hun khói thái vụn; Trứng gà đập ra bát, cho gia vị, thịt hun khói và hoa hoè vào quấy đều. Đặt chảo lên bếp, bỏ mỡ lợn vào đun nóng và phi hành cho thơm rồi cho trứng gà và hoa hoè vào tráng chín, ăn nóng.
Canh hoa hòe hầm
Công dụng: Tư âm nhuận táo, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ xuất huyết do nhiệt thịnh.
Chuẩn bị và thực hiện: Hoa hoè tươi 50g, thịt lợn nạc 120g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị rồi đem hầm với hoa hoè, chia ăn vài lần trong ngày.
Trà hoa hòe chữa sa niêm mạc trực tràng
Công dụng: Thanh nhiệt tán phong, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ viêm loét chảy máu, sa niêm mạc trực tràng xuất huyết.
Chuẩn bị; Hoa hòe 12g, trắc bá than 12g, kinh giới 8g, chỉ xác 12g tán bột mịn uống với nước sôi nguội hoặc làm thang uống. Hoặc hoa hoè 50g, hoa kinh giới 50g, hai thứ đem sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước cơm hoặc nước cháo.
Hoa hoè ngâm
Hoa hoè 60g sắc kỹ lấy nước, chia 2/3 uống và 1/3 dùng để ngâm rửa hậu môn, mỗi ngày 1 thang.
Công dụng: Thanh nhiệt tả hoả, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ sa ra ngoài, sưng đau.
Hoa hòe còn được dùng để làm thuốc xông hơi và ngâm rửa khi bị trĩ gây đau đớn: hoa hòe, chỉ xác, mỗi vị 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 20g, cho vào nồi, thêm nước sạch, bịt kín nồi bằng lá chuối tươi, đun sôi 10 phút. Chọc một lỗ nhỏ, xông nhẹ vào nơi bị trĩ. Sau đó để nước ấm, rồi ngâm, rửa các búi trĩ, sẽ giảm được đau đớn và nhanh khỏi.
Ngoài hoa hòe ra, người ta còn dùng một số bộ phận khác của cây hòe, cũng dùng làm thuốc như quả hòe, còn gọi là hòe giác, có vị đắng, tính hàn. Quy kinh can, đại tràng; có công năng thanh can đởm, trừ phong, lương huyết, dùng sắc uống trong các trường hợp tỳ vị nhiệt, chảy nhiều dãi, trị mụn nhọt, phụ nữ bị nhọt vú, hoặc trị tăng huyết áp, trị di, mộng tinh. Hoặc lá hòe, dùng lá tươi, sắc đặc tắm khi bị ngứa, lở, dị ứng. Hoặc đem lá hòe, đồ chín, phơi khô, sắc uống hàng ngày, trị mắt bị mờ.
Sau khi thu hái hoa hòe, người ta tuốt lấy nụ hoa, nhặt bỏ các cành con và lá còn sót lại, rồi đem sao. Do hoa hòe có giá trị, nên một số người đã làm giả mạo nụ hòe bằng cách, lấy những cành hòe nhỏ, có kích thước gần bằng nụ hoa, đem thái nhỏ, rồi trộn lẫn vào vị thuốc. Do đó đã làm giảm giá trị chữa bệnh của hoa hòe.
Theo YHCT, hoa hòe có vị đắng nhẹ. Tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng, có công năng lương huyết, chỉ huyết, dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, gây xuất huyết, như chảy máu cam, lỵ, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu. Phụ nữ băng kinh, băng huyết. Trên thực tế, hoa hòe có thể sử dụng dưới nhiều hình thưc khác nhau.