Chắc chắn nhiều bạn ngại hoặc không biết cách trả giá nên lúc nào cũng bị hớ khi mua hàng. Học ngay mấy chiêu này để luôn là người mua hàng thông minh nhé bạn!
Nói thách và trả giá khi đi chợ hay mua sắm là một thói quen tiêu dùng của rất nhiều người. Nhưng làm cách nào để mua được một món đồ ưng ý mà không sợ bị hớ thì không phải chị em nào cũng biết.
1. Tìm hiểu trước khi mua
Khi đến mua sắm ở một nơi nào đó, bạn cần phải tìm hiểu kĩ về “đặc trưng” của chỗ đó, có nói thách hay không, và nếu có thì nói thách ít hay nhiều. Có nơi chỉ nói thách từ 10 đến 30 nghìn đồng để khách trả xuống là vừa, có nơi thách gấp 2, 3 lần.
2. Nhìn vào thái độ người bán
Nếu bạn vừa trả giá mà người bán ở đây cười và đồng ý liền thì có nghĩa là bạn đã bị “hớ” rất nặng. Đừng có “chịu đấm ăn xôi” như vậy. Trong lúc thanh toán tiền, hãy giả vờ quên bóp rồi đi luôn, chứ đừng cam chịu mua một món hàng mà giá cao hơn nhiều ở những chỗ khác.
3. Đi nhiều người
Hãy đi ít nhất hai người và cùng trả giá, đây là chiêu áp đảo tâm lí người bán. Chắc chắn nếu bạn đi một mình sẽ không nói lại họ đâu.
4. Mua đồ những ngày vắng khách
Nên chọn đi mua đồ những ngày trời âm u hoặc những ngày giữa tuần. Những ngày này, tâm lí của tiểu thương là bán được càng nhiều càng tốt để bù lỗ hôm ấy lại nên họ sẽ đưa ra một cái giá tốt để giữ chân khách.
5. Giữ thái độ kiên quyết
Một cách trả giá phổ biến là bỏ đi nếu người bán không chịu giá. Tuy nhiên, để thực hiện cách này, bạn phải tỏ thái độ kiên quyết, không nên nhùng nhằng. Đa phần là sẽ được gọi lại để bán.
6. Tạo cảm tình với người bán
Rất nhiều người bán sẵn sàng hạ giá cho khách hàng nào thật sự muốn mua, vì vậy đừng ngại hỏi giá “mua được” là bao nhiêu. Nếu bạn cứ đặt lên đặt xuống hết món này đến món khác và hỏi giá liên tục thì người bán cũng sẽ rất “hờ hững” với bạn.
7. Không nên tỏ ra quá thích thú
Nếu bạn có thể đánh giá qua thái độ người bán thì ngược lại, những người bán hàng kinh nghiệm cũng dễ dàng “bắt thóp” được bạn. Nếu như bạn tỏ ra quá thích thú và trầm trồ khen ngợi về món hàng thì chắc chắn 99% là bạn sẽ khó lòng mà trả giá được khi muốn mua nó, nhất là khi mặt hàng ấy ít được bán trong các gian hàng cùng khu. Hãy cố gắng “hoãn sự sung sướng” đó lại. Tuy nhiên, không khen không có nghĩa là chê bai bộ đồ đó thậm tệ để rồi trả giá xuống. Bạn rất có thể sẽ bị người ta “lấy chổi quét đi”.
8. Tham khảo giá ở nhiều nơi
Đừng ngại đặt món đồ xuống và tham khảo giá thêm một vài nơi nữa trước khi quyết định. Cùng một món hàng nhưng đôi khi hai sạp gần nhau bán giá chênh lệch 100.000 là chuyện bình thường. Có một cách đơn giản hơn: hãy chờ cho những vị khách đến trước hỏi giá, trả giá để nhắm mức độ nói thách của cửa hàng đó.
9. Chọn “mối” quen
Nếu bạn đã từng mua những sản phẩm ở một gian hàng với mức giá đúng, nghĩa là người bán ở đây không nói thách hoặc thách ít thì hãy quay trở lại đó đầu tiên trong những lần mua sắm tiếp theo. Những gian hàng ở chợ thường bán các mặt hàng giống nhau nên bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi mua ở chỗ quen, khi nào chỗ quen không có hãy tìm đến hàng khác cũng chưa muộn mà.