Trời nồm ẩm hay thay đổi thời tiết nóng lạnh liên tục cũng có thể là nguyên nhân khiến nồi cơm nhanh thiu. Có khi bình thường để cả ngày không sao nhưng thời tiết ẩm ương nên cơm để được vài tiếng là đã có dấu hiệu ôi thiu, hỏng rồi.
Thế nên, ai cũng định bụng chỉ nấu vừa ăn thôi nhưng cũng có hôm lỡ nấu nhiều, nấu thừa chẳng lẽ lại mang bỏ hết đi. Mà ở quê thì mới có chó mèo lợn gà chứ ở trên phố thì làm gì có, thành thử ra cơm nếu hỏng thì cũng bỏ thùng rác. Bởi vậy, bạn nên biết cách bảo quản thế nào để cơm dù có để lâu cũng không bị hỏng, đỡ lãng phí vì một hạt gạo cũng đáng giá mà.
1. Cho cơm vào hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh
Sau khi ăn cơm xong, bạn lấy hết cơm trong nồi và cho phần cơm còn dư đó vào trong hộp, đậy kín lại và bỏ vào tủ lạnh. Bạn chỉ cần để ở ngăn mát thôi, với nhiệt độ thấp trong tủ thì vi khuẩn gây hại khiến cơm bị hỏng sẽ không được sinh ra. Do đó, cơm vẫn được bảo quản, không bị ôi thiu. Nhưng nếu muốn lấy ra ăn thì bạn phải quay trong lò vi sóng hoặc hấp lại nhé.
Hơn nữa, khi bảo quản cơm bạn cũng tuyệt đối tránh trường hợp để cơm và thức ăn chung hoặc thức ăn dính vào. Vì như thế cơm sẽ nhanh thiu do hấp thụ hơi nước ở những món ăn khác. Nói chung, muốn bảo quản cơm thì tốt nhất nên để nó riêng ra, không chung chạ với bất kì đồ ăn nào kể cả đó có là món ăn khô.
2. Rửa sạch nồi, vo gạo kĩ
Bình thường, cơm bị hỏng, thiu là do nồi đó nấu từ bữa hôm trước, bạn không rửa sạch khiến cơm còn dính lại ở thành nồi, đáy nồi. Khi nấu thì không sao nhưng sau đó thì những vết bợn cơm này lại là nguyên nhân khiến cơm nhanh bị hỏng hơn.
Không chỉ thế, nếu bạn không vo gạo kĩ, lớp cám gạo còn lại trên hạt gạo cũng khiến cơm không được trắng mà dễ sinh ra vi sinh vật khiến cơm bị hỏng. Đó là lý do vì sao mà nhiều khi mát trời, thời tiết mùa đông nhưng cơm vẫn bị thiu như thường.
Ngoài ra, nếu nồi cơm đó đã bị thiu một lần thì bạn nên rửa sạch, để nồi khô cho mùi cơm thiu bay hết đi. Vì nếu bạn nấu ngay lúc này thì cơm giống như sẽ bị “ám mùi” chẳng mấy chốc sau khi nấu xong mà nó sẽ bị thiu ngay đấy.
3. Để cơm nguội rồi mới cất
Bình thường, sau khi ăn xong chúng ta có thói quen lấy hết cơm ra cất vào tủ lạnh hoặc đóng nắp nồi cơm luôn. Nhưng nếu cơm cứ duy trì nhiệt độ nóng thì chúng sẽ hấp thụ hơi nước và nhanh thiu hơn.
Vậy nên, nếu bạn bao quản cơm ở nhiệt độ phòng bình thường, hãy để cơm nguội rồi dùng một chiếc rổ thưa, lồng bàn gì đó úp lên. Nhất định không được dùng nắp kín hoặc vung nồi đậy kín mít nhé.
4. Để cơm ở chế độ giữ nhiệt
Nếu bạn nấu cơm xong nhưng chưa vội ăn hoặc còn bận việc gì đó thì đừng vội rút điện, đóng nắp nồi cơm ngay. Hãy để nồi cơm đó ở chế độ giữ nhiệt ở bên ngoài phòng. Nhưng bạn nên nhớ là chỉ nên duy trì chế độ này tối đa trong 5 tiếng. Vì sau thời gian đó, không những khiến nồi cơm điện nhanh bị hỏng mà nhiệt độ nóng duy trì lâu khiến cơm hấp thu tất cả độ ẩm xung quanh qua khe thoát khói. Cơm sẽ vì thế mà nhanh bị hỏng hơn đấy.
Theo WTT