Làm đẹp móng là thói quen của nhiều chị em. Tuy nhiên, thường xuyên đến tiệm nail và không chú ý vấn đề vệ sinh dụng cụ, phái đẹp có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Việc làm đẹp móng tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai ngờ tới nó chính là nguy cơ lây bệnh cho các chị em nếu dụng cụ làm không được vệ sinh cẩn thận.
Không giống các tiệm nail ở một số nước châu âu như Mỹ, Đức… ở Việt Nam chưa có quy định về việc cấp giấy chứng nhận an toàn tại các dịch vụ chăm sóc móng.
Bên cạnh đó, những nhân viên làm nail gần như chưa được đào tạo về quá trình sát trùng dụng cụ làm móng cũng như được trang bị kiến thức để xử lý vết thương khi da bị xước hoặc bị chảy máu trong quá trình cắt móng.
Theo đó, trước khi sơn, thợ nail thường dùng kềm chuyên dụng cắt móng và phần da thừa xung quanh để tạo hình.
Tuy nhiên, do không cảm nhận được độ mỏng của da, họ thường cắt sâu 2 bên khóe móng, làm mất đi lớp bảo vệ và dễ tạo nên vết xước.
Nếu để lâu không chữa trị tay bạn sẽ gặp những triệu chứng như trên, và nếu để lâu nữa sẽ gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong.
Bề ngoài có vẻ thô ráp, song móng chân móng tay là một thực thể sống, các keratin – một loại protein tìm thấy trong móng và lớp ngoài của da – có khả năng thấm hút nước. Đó là lý do vì sao những chất độc có trong sơn móng tay như toluen, aceton, Benzen… có thể ngấm qua móng tay vào máu. Chính vì thế, các bác sỹ luôn cảnh báo không nên sử dụng các loại sơn kém chất lượng, lâu ngày có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Thậm chí, các cửa hàng làm móng không có đầy đủ dụng cụ chuyên nghiệp, dùng chung cho nhiều khách hàng, không hấp sấy đúng nguyên tắc… gây ra nhiều hệ lụy. Dùng chung kềm bấm và sơn móng tay ở tiệm nail, chị em có thể bị nhiễm trùng, chín mé, nấm móng, viêm gan, thậm chí ung thư.
Theo các chuyên gia, việc khử trùng dụng cụ bằng cồn hoặc axeton không đảm bảo tiêu diệt toàn bộ các vi khuẩn gây bệnh. Chính điều này dẫn đến khách hàng có thể bị nhiễm trùng, bị lây bệnh nấm móng, chín mé… hay đặc biệt nguy hiểm là nhiễm viêm gan B, C, kể cả HIV từ những khách hàng mắc bệnh trước đó.
Muốn diệt hết vi khuẩn trên các dụng cụ làm móng cần phải khử trùng theo quy trình tương tự như khử trùng các dụng cụ y tế trong các bệnh viện với dụng cụ và chất khử trùng chuyên ngành và được bảo quản đúng cách. Nhưng hiện nay rất ít tiệm làm móng có trang bị này. Đây là điều đáng lo ngại nhất cho chị em khi đi làm đẹp móng.
Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp sinh con dị tật, bị hoại tử, nhiễm độc, bị ung thư… có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng sơn móng tay, móng tay giả trong thời gian dài.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hầu hết các hóa chất được sử dụng trong công nghệ chế tạo các sản phẩm nail đều là các chất gây nhiễm độc, có hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng cũng như người làm nghề.
Do đó, thay vì trông chờ vào việc khử trùng dụng cụ đúng cách và an toàn của các thợ làm móng, cách tốt nhất để chị em tự bảo vệ sức khỏe của mình là nên chủ động sử dụng bộ dụng cụ làm móng riêng cho mình để sử dụng mỗi khi tới tiệm nail.
Khi mua nên chọn các thương hiệu uy tín, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, quy trình sản xuất loại bỏ các vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, nên chọn bộ kềm được sản xuất từ các loại thép cao cấp để hạn chế gỉ sét trong quá trình sử dụng.
Chị em cần lưu ý khử trùng dụng cụ làm nail, theo chuẩn y tế thì phải dùng máy hấp ướt tại nhiệt độ 120 độ C trong vòng 30 phút và áp suất 1.036bar, sau đó đóng gói và lưu trữ dụng cụ, tránh tiếp xúc với hơi ẩm, bụi và động vật ký sinh.
Bạn cũng nên hạn chế việc làm móng, cắt da. Hãy sử dụng muối hoặc chanh chà nhẹ xung quanh khu vực móng tay, da bao quanh móng. Sau đó, dùng chanh chà lên móng để làm sạch móng.Thực hiện đều đặn 2-3 lần mỗi tuần.
Nên chọn loại sơn uy tín, dùng thêm sơn dưỡng để bảo vệ móng tay, khi cắt phần da thừa quanh móng, nên ngâm đầu ngón tay vào nước cho lớp biểu bì bong nhẹ. Cần thực hiện nhẹ tay, không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu 2 bên móng, cắt thẳng sao cho đầu móng luôn dài hơn da để ngăn chặn việc móng chọc vào da gây tổn thương.
Theo vietbao