Những tích cổ trong văn hóa Thần truyền đều nêu bật quan hệ nhân quả, con người muốn sống tốt phải có Đức, nếu không khó mà tránh Thiên lý.
Nhiều người tin rằng nhân định thắng Thiên, nhưng đó chẳng qua chỉ là suy nghĩ của người trần tục bỏ qua luật nhân quả vốn được nêu rất rõ trong văn hóa Thần truyền. Câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh điều đó.
Tại Tô Châu thời nhà Thanh có hai gia đình phú hộ đều sinh được hai con trai. Nhà họ Cẩn có con trai chăm chỉ ham học, thông minh sáng dạ và là người lễ độ, lương thiện. Nhà họ Triệu sinh được cậu con trai từ nhỏ đã được chiều chuộng, sống trong nhung lụa nên biếng nhác, chỉ muốn ham chơi hưởng lạc.
Cả hai gia đình đều mong muốn con trai thành danh để rạng rỡ tổ tông, họ không tiếc công sức thuê thầy về dạy dỗ cho quý tử. Tuy nhiên công tử nhà họ Triệu chỉ ham chơi, gia sư tới giảng bài chỉ ngủ gật hoặc mong chóng để được tự ý làm điều mình thích. Họ Triệu biết con mình kém cỏi hơn con nhà họ Cẩn, e rằng kỳ thi tới sẽ khó mà thành, nên đã dùng quan hệ ngầm để móc nối với quan khảo thí. Được một quan khảo thí nhận lời họ Triệu rất hãnh diện, bắt đầu thông báo công tử nhà mình kiểu gì cũng đỗ đầu bảng.
Trong một lần hai nhà tham gia hội xuân ở trấn tình cờ gặp một đạo sĩ đi ngang qua, dáng vẻ thoát tục. Hai họ bèn thỉnh giáo mời trà và hỏi về tương lai cho con trai mình. Đạo sĩ gặp hai công tử rồi thủng thẳng đáp: “Người sống có đức và cần cù chịu khó ắt thành công, người lười nhác lại phóng túng khó mà toại nguyện”. Nghe vậy họ Triệu bèn hỏi: “Có câu nhân định thắng Thiên, đạo sĩ có nhầm không vậy? Tôi tin con tôi sẽ đỗ đầu bảng kỳ thi tới làm rạng danh tổ tông”. Đạo sĩ vuốt râu mỉm cười: “Không có chuyện đó, Thiên lý tối thượng, không ai có thể chống”, rồi cáo từ rời đi.
Họ Triệu nghe xong thấy lo lo liền tới gặp quan khảo thí đã nhờ vả và được an ủi rằng chắc chắn sẽ theo ý mình. Ngày thi đã đến, cả hai công tử được cha mẹ đưa tới Kinh thành ứng thí. Quan khảo thí nhận diện công tử họ Triệu từ trước, định rằng sẽ cứ thế chấm cho điểm cao mà đỗ đầu bảng.
Sau khi thu bài, vị quan khảo thí cố ý tìm bài công tử họ Triệu vốn đã được đánh dấu để cho điểm tối đa, không ngờ đúng lúc ấy có một trận cuồng phong dữ dội, bài thi xáo xào bay tung tóe khắp phòng, mọi người còn hoảng hốt phải chui xuống bàn tránh cơn thịnh nộ của đất trời.
Xong xuôi mọi thứ ngổn ngang, mọi người dọn dẹp và thu lại đống bài, vị quan kia cố ý tìm lại bài đã đánh dấu để cho điểm cao. Thế nhưng tìm mãi không thấy bài đã đánh dấu, sợ các quan khác nghi ngờ nên đành cứ thế chấm vậy.
Kết quả sau đó được công bố, quả như dự đoán của đạo sĩ, con nhà họ Cẩn đỗ đầu bảng rạng danh tổ tông. Văn hóa Thần truyền với những tích cổ nhằm nói rõ cho con người về Thiên lý, ai đó dù có nỗ lực làm gì kết quả khó mà như ý vì còn phụ thuộc vào quan hệ nhân quả.