Ánh nắng mặt trời giúp cho cơ thể tổng hợp vitamin D, một loại vitamin cực kỳ quan trọng với sức khỏe. Nhưng hiện nay, tại các đô thị lớn ở Việt Nam, nhiều phụ nữ lại thiếu loại vitamin này, trong khi nước ta là đất nước nhiệt đới có nhiều ánh nắng.
Người càng trẻ càng dễ thiếu vitamin D
Vì tâm lý luôn sợ ánh nắng làm đen da, kém xinh nên cứ ra đường là chị Mai Phương, sống tại Hà Nội, lại “ngụy trang” mũ, áo, váy, tất chân, găng tay, kính mát… Mỗi khi đi ra ngoài hầu như chị không để phần da nào bị hở. Không riêng chị Mai Phương có tâm lý sợ da đen, xấu nên phải trang bị đồ chống nắng mà hầu hết các chị em phụ Việt Nam đều có tâm lý như vậy.
Mới đây, một nghiên cứu được thực hiện tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về nguy cơ thiếu vitamin D ở phụ nữ trong độ tuổi 20-50 tuổi đã cho kết quả hết sức bất ngờ. Tại Hà Nội, 70% phụ nữ bị thiếu vitamin D, trong đó con số này chiếm 50% trên tổng số 1000 người tham gia nghiên cứu. Và một điều khiến cho những người tham gia nghiên cứu thấy ngạc nhiên là càng người trẻ thì lại càng thiếu vitamin D nhiều.
Đây thực sự là một nghịch lý vì vitamin D là một trong những loại vitamin đặc biệt cơ thể có thể tự tổng hợp được dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng tỷ lệ phụ nữ Việt Nam thiếu vitamin D lại tăng đặc biệt là ở người trẻ.
Lý giải về điều này, thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện dinh dưỡng lâm sàng, cho biết: “Trong tự nhiên, thiên nhiên phú cho đất nước Việt Nam có ánh nắng chan hòa từ Bắc vào Nam. Ánh nắng mặt trời giúp cho vitamin D2 dưới da dưới chuyển hóa thành vitamin D3, giúp hấp thụ can xi cho cơ thể. Phụ nữ thành thị có nguy cơ thiếu vitamin D cao có thể do yếu tố tâm lý sợ da đen, cháy nắng. Khi đi ra đường trùm kín từ đầu tới chân không để hở da, khiến cho vitamin không thể tổng hợp được. Thường xuyên trang điểm, dùng kem chống nắng cũng gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D”.
Đối tượng phụ nữ được cho là dễ bị thiếu vitamin D thường là những người làm công việc văn phòng, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên. Người có màu da sẫm, sắc tố da làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D của cơ thể. Một số người mắc bệnh gan, thận, viêm ruột, xơ nang… những bệnh lý giảm khả năng chuyển hóa của vitamin D dẫn tới nguy cơ thiếu loại vitamin này.
Nắng lúc sáng sớm không hề làm đen da
Bác sĩ Tường Vi cho biết: “Thiếu vitamin D, phụ nữ sẽ tăng nguy cơ bị loãng xương sớm. Một số nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng thiếu vitamin D còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, cúm (do sức đề kháng suy giảm)… thậm chí là nguy cơ ung thư. Ở trẻ nhỏ nếu thiếu vitamin D còn gây ra tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng”.
Do thời tiết vùng nhiệt đới rất khắc nghiệt, chỉ qua 8h là nắng nóng rất gay gắt. Trong trường hợp nắng nóng 39 – 40 độ C, nếu phụ nữ không mặc áo chống nắng thì có nguy cơ bị tổn thương da. Vì thế để tận dụng nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời, bác sĩ Tường Vi khuyên: “Chị em nên tận dụng ánh nắng mặt trời vào lúc bình minh trong khoảng từ 6h-8h. Sáng sớm khi đi làm chúng ta không nhất thiết phải mặc áo chống nắng. Ánh nắng lúc này không thể làm đen da, ảnh hưởng tới sắc đẹp của chị em. Sau 8h tới 3h chiều thì chị em đi ra ngoài nên mặc áo chống nắng để đảm bảo sức khỏe và bảo vệ da”.
Khi thời tiết râm mát hoặc vào khoảng thời gian mùa đông ở miền Bắc, ánh nắng mặt trời ít, chị em có thể bổ sung thêm vitamin D qua đường uống. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, liều vitamin D cần thiết mỗi người một ngày là 400 – 800 đơn vị, trong trường hợp loãng xương thì cần phải bổ sung thêm.