Cứ đến mùa hồng chín, chị em lại rủ rê nhau làm hồng treo gió – món quà vặt ngọt thơm, hấp dẫn. Tuy nhiên để có được thành quả thì công đoạn thực hiện khá là công phu đấy.
Hồng treo gió là loại hồng khô có nguồn gốc từ Nhật Bản được rất nhiều người yêu thích. Hồng được phơi nắng và gió đến héo lại thành loại mứt dẻo thơm , vừa ngọt vừa bùi lại có ‘mật’ bên trong khiến ai nấy khi thưởng thức cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Mọi người ăn hồng phơi gió không chỉ bởi hương vị “đỉnh cao” của nó mà còn bởi nó rất tốt cho sức khỏe vì có chứa các loại vitamin, khoáng chất… bổ dưỡng. Trong quả hồng có hàm lượng lodine cao có lợi cho người đau tuyến giáp, lượng enzym xeton giúp giảm huyết ám, đẩy nhanh sự lưu thông mạch cơ tim, làm ổn định tuần hoàn tim, chữa nấc cụt, đái dầm, viêm dạ dày…
Cứ đến khoảng tháng 9 – 11 hàng năm thì mọi người lại mua loại hồng này để làm quà vặt hay mang đem biếu. Thế nhưng giá thành của nó lại khá cao, hàng nhập khẩu về Việt Nam có giá từ 700.000 đồng tới 1 triệu đồng. Do đó, chị em nội trợ mới truyền tai nhau cách tự làm hồng phơi gió, vừa an toàn lại tiết kiệm. Thực tế cách làm món này không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và phải chịu khó kiên nhẫn chờ đợi.
NGUYÊN LIỆU
– Hồng đỏ ( 1 – 2 kg tùy ý thích)
– Dây dù để buộc
– Rượu trắng
1. Chọn hồng
Hồng để treo gió, phơi khô là loại hồng đỏ, chát, có vỏ mỏng. Khi mua nên chọn quả to, màu cam đỏ còn hơi cứng, vừa thu hoạch xong thì sẽ ngon hơn. Nếu mua nhầm phải hồng xanh thì nên ủ vài ngày cho chuyển màu hồng thì trông mới đẹp mắt được.
2. Thực hiện
– Bước 1: Hồng sau khi mua về đem rửa sạch rồi gọt vỏ theo hướng dọc từ trên xuống dưới. Cách làm này sẽ khiến hồng khi khô có vân trông rất đẹp mắt. Lưu ý không gọt vỏ quá sâu và gần phần cuống để tránh sau khi lên men, hồng bị hỏng và chua. Hồng để lại phần cuống để buộc dây.
– Bước 2: Đem toàn bộ số hồng trên ngâm vào rượu để khử trùng trong khoảng 5 phút để bề mặt trái hồng tránh bị vi khuẩn tấn công trong quá trình phơi. Đồng thời bước này cũng giúp hồng không bị nấm mốc, đốm đen. Sau đó chỉ cần vớt ra để cho ráo khô.
– Bước 3: Buộc dây dù vào cuống hồng, treo dần lên trên thanh phơi đồ. Phơi hồng phải phơi ở nơi cao thoáng gió, nhiều nắng sao cho hồng không được chạm vào nhau.
Cách buộc hồng đúng nhất:
– Buộc hồng vào cuống nhưng sau khi phơi 2-3 ngày rất dễ rụng cuống, nên để cẩn thận hơn, mọi người hãy buộc đan chéo dây lồng hẳn vào quả hồng (như ảnh).
– Hoặc có thể dùng túi lưới đựng cho chắc nhưng cách này sẽ làm hồng không được thoáng và tiếp xúc đủ nắng, gió nên sẽ lâu khô hơn.
– Bước 4: Treo dây hồng lên khung hay giá phơi đồ từ 3 đến 5 tuần tùy mức độ nắng. Ban ngày thì đem phơi còn ban đêm phải phủ màn để tránh bụi bẩn, ruồi nhặng hoặc đem vào nhà bật quạt nhẹ cho thoáng.
Lưu ý: Không cần phơi lúc nắng quá to, vì nắng quá cũng sẽ làm quả hồng bị rút nước nhanh, cứng lại mà không tiết mật ngọt.
– Quan trọng nhất là nhiệt độ phải ổn định, có gió thoáng, tuyệt đối không để hồng dính mưa, ướt. Thời điểm phơi hồng hoàn hảo nhất là tháng 10, 11, 12 khi trời hanh khô, nắng vừa đủ.
– Bước 5: Sau 5 – 7 ngày đầu là khoảng thời gian quan trọng nhất, cần nắn bóp xung quanh hồng nhẹ nhàng cho hồng tiết mật. Không nắn sớm kẻo hồng bị nhựa thâm. Tùy vào độ to nhỏ của hồng mà nắn nhiều hay ít, 3 – 4 ngày nắn lại một lần. Đồng thời, kiểm tra xem hồng có bị mốc, hỏng hay không để loại bỏ tránh gây ảnh hưởng tới các quả khác.
– Bước 6: Sau khoảng 5 – 7 tuần, khi hồng khô cứng lại không thể nắn bóp thêm nữa là đã ổn.Hồng lúc này đạt tới độ khô vừa ý, đổi sang màu nâu sậm. Trong thời tiết lạnh, bề mặt trái hồng sẽ xuất hiện phấn trắng thì đó là lớp đường tự nhiên của hồng tiết ra.
– Bước 7: Cuối cùng chỉ cần tháo dây ra và bảo quản trong hộp giấy có khe hở thoáng mát là được. Món hồng treo gió bên ngoài dẻo bên trong mềm thơm, ăn ngọt mật rất hấp dẫn. Thưởng thức hồng cùng nước trà là tuyệt nhất đấy.
Theo WTT