Chẳng hạn như Thái Lan, đây là năm 2561, còn Nhật Bản thì đón năm thứ 30.
Thế giới vừa chào đón những ngày đầu tiên của năm 2018 vài ngày qua, nhưng bất ngờ thay, vẫn có những quốc gia mà năm nay lại không phải là năm 2018.
Hầu hết các nước trên thế giới đều dùng lịch Gregorius, hay còn gọi là Công lịch, do Giáo hoàng Gregory XIII ban hành vào năm 1582. Theo lịch Gregorius, một năm có 365 ngày, chia thành 12 tháng, và cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 để tạo thành năm nhuận.
Tuy nhiên, vì một số lý do, có một số nước không áp dụng lịch này, và do đó, đối với họ thì đây không phải là năm 2018.
1. Thái Lan, năm 2561
Với Thái Lan, năm nay là năm 2561, vì họ dùng Phật lịch. Theo lịch này, niên đại được tính vào lúc Đức Phật đến cõi niết bàn.
Có nhiều quốc gia khác cũng dùng Phật lịch, chẳng hạn Campuchia, Lào, Myanma, Sri Lanka, Việt Nam, và dùng song song với Công lịch trong các bản tin, thư từ, văn bản…
2. Ethiopia, năm 2011
Lịch của người Ethiopia chậm 8 năm so với Công lịch. Một năm của họ có 13 tháng, trong đó 12 tháng có 30 ngày, tháng còn lại có 5 hay 6 ngày tùy thuộc vào năm đó có nhuận hay không. Không những thế, ngày mới của họ còn bắt đầu vào lúc mặt trời mọc chứ không phải nửa đêm như chúng ta.
3. Israel, năm 5778
Người Israel dùng Công lịch song song với lịch riêng của họ, là lịch Do Thái. Theo lịch này, một tháng mới bắt đầu từ ngày trăng non mới mọc, và ngày đầu tiên của năm mới chỉ rơi vào thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm, hoặc thứ Bảy. Lịch Do Thái được tính từ kỳ trăng non đầu tiên diễn ra vào ngày 07/10/3761 TCN.
4. Pakistan, năm 1439
Lịch Hồi giáo là bộ lịch chính thức của một số quốc gia Hồi giáo, nó được tính bắt đầu từ khi Nhà tiên tri Muhammad di cư từ Mecca tới Medina vào năm 622 SCN. Một ngày ở đây được tính từ khi mặt trời lặn, một tháng bắt đầu vào ngày mặt trăng lưỡi liềm xuất hiện sau kỳ trăng non.
Một năm trong lịch Hồi giáo ngắn hơn Công lịch 10-11 ngày, và các tháng được đồng bộ hóa với mùa. Các tháng nhuận có thể được bổ sung vào các mùa khi cần thiết.
5. Iran, năm 1396
Lịch Ba Tư là lịch chính thức ở Iran và Afghanistan, nó cũng bắt đầu từ cột mốc của Nhà tiên tri Muhammad giống như lịch Hồi giáo, nhưng nó được dựa trên mặt trời, vì thế ở đây mùa nào thì tương ứng với tháng đó. Một tuần lễ bắt đầu từ thứ Bảy và kết thúc vào thứ Sáu, và thứ Sáu thường là ngày nghỉ.
6. Ấn Độ, năm 1939
Lịch quốc gia thống nhất của người Ấn Độ được tạo ra cách đây không lâu và được giới thiệu vào năm 1957, dựa trên hệ thống tính năm có từ thời cổ đại ở Ấn Độ.
Ngoài ra ở Ấn Độ vẫn tồn tại nhiều bộ lịch khác, của các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn có lịch bắt đầu từ ngày mất của thần Krishna (năm 3102 TCN), có lịch bắt đầu từ kỷ nguyên của hoàng đế Vikram (năm 57 TCN), có lịch bắt đầu từ ngày mất của Phật (năm 543 TCN).
7. Nhật Bản, năm 30
Người Nhật cũng dùng song song hai bộ lịch, là Công lịch và lịch truyền thống của họ, bắt đầu từ năm 1989. Bộ lịch này được dựa trên kỷ nguyên của Thiên hoàng Akihito hiện tại, vì theo truyền thống, mỗi khi có một thiên hoàng mới trị vì thì bộ lịch của Nhật Bản sẽ được tính dựa theo kỷ nguyên của thiên hoàng đó.
8. Trung Quốc, năm 4716
Bộ lịch của người Trung Quốc bắt đầu từ khi Hiên Viên Hoàng Đế xây nên vương triều của mình vào năm 2637 TCN. Bộ lịch này được dựa trên chu kỳ của sao Mộc, quay quanh mặt trời 12 năm một vòng, và mỗi năm được đặt tên theo 12 con giáp. Năm nay họ sẽ bước qua năm thứ 4716, ứng với năm con chó.
9. Triều Tiên, năm 107
Người Triều Tiên sử dụng bộ lịch riêng của họ, năm thứ 1 bắt đầu từ năm 1912 của Công lịch, ứng với năm sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trong bộ lịch này không có năm 0. Và cũng giống như nhiều nước khác, Triều Tiên vẫn sử dụng lịch của họ song song với Công lịch.
Dù sao đi nữa, lịch cũng là do con người tạo ra, và việc nó được bao nhiêu quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng còn tùy thuộc vào văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của từng nơi nữa.
Theo Docxem