Nhiều người khi nghe nói đến nước mát cũng không biết đó là gì, thành phần ra sao, làm như thế nào hoặc mua ở đâu. Mình sẽ giải thích cho bạn hết nhé.
Đối với thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam thì việc thanh lọc mát gan là vô cùng quan trọng, vì mụn nhọt hay bệnh tật cũng từ gan mà ra. Nước mát được nấu từ mía lau, rễ cỏ tranh, râu ngô, mã đề và đường phèn. Bạn có thể dùng nước này thay nước lọc để uống cả ngày, giúp da đẹp sáng rõ ràng chỉ sau 2 tuần. Hơn nữa, ruột cũng nhuận tràng, không còn tình trạng đi tiêu khó, cơ thể cũng nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt đối với các bạn nữ bị khô âm đ.ạo thì uống nước mát sẽ rất là tốt và giúp “cô bé” khỏe mạnh hơn đó. Người dùng thuốc kháng sinh cũng nên bổ sung nước mát sau đó để hồi phục lại sức khỏe, chống táo bón hiệu quả.
Ngoài việc tự nấu thì bạn cũng có thể hỏi mua nước mát (dạng gói) ngoài các tiệm thuốc (Đông hoặc Tây y) để tiết kiệm thời gian với chi phí cũng rất phải chăng. Bạn có thể chọn mua loại không đường dành cho người ăn kiêng. Người bị tiểu đường cũng có thể uống nước mát này.
Giờ chúng ta cùng tìm hiểu tính năng của các loại thảo mộc dân dã này nhé:
1. Rễ cỏ tranh
Cỏ tranh là loại cỏ sống dai, thân, rễ chắc, khỏe. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ.
Theo Đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn vào 3 kinh tâm, tỳ và vị có tác dụng thông tiểu tiện và tẩy độc cơ thể, dùng chữa nội nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp..
2. Cây mía lau
Là loại sống dai, thân mía lau có nhiều đốt, bạn dùng toàn cây (bỏ rễ và ngọn). Theo y học cổ truyền, mía lau có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Mía lau trị hôi miệng, phổi nóng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, suy tim, tân dịch bất túc, táo bón.
3. Cây mã đề
Mã đề thường mọc nơi ẩm ướt, có thể dùng lá làm rau ăn và cả thân làm thuốc. Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh đi vào các kinh, can, thận và bàng quang. Mã đề có tác dụng chữa tiểu dắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu, dùng ngoài đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, mau lên da non…
4. Râu ngô (râu bắp)
Trong râu ngô có chứa vitamin A, K, B1, B2, B6 (pyridoxine), vitamin H (biotin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, axit pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Uống nước râu ngô có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng, làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông. Dùng râu ngô hàng ngày thay nước chè (trà) có tác dụng rất hiệu quả cho người bị ứ mật và sỏi túi mật .Nước luộc rau ngô có tác dụng trong các trường hợp bị phù do bệnh tim. Thường xuyên dùng nước luộc râu ngô cho người bị bệnh sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat. Ngoài ra, râu ngô cũng là một trong những vị thuốctăng cường trí nhớ khá tốt.
MỘT SỐ CÔNG THỨC NẤU NƯỚC MÁT THANH NHIỆT
– Rễ tranh 1 nắm
– Mía lau vài khúc rọc vỏ, đập dập
– Râu bắp 1 nắm
– Mã đề 1 nắm
– Đường phèn đập nhỏ cho mau tan
Tất cả đem rửa sạch rồi nấu trong 2-3 lít nước, đến khi sôi vặn nhỏ lửa, thêm đường phèn vào đun 10-15 phút là được.
Nếu không có hết tất cả các nguyên liệu này, bạn chỉ cần vài khúc mía lau và một nắm to râu ngô nấu trong 2 lít nước, để sôi rồi vặn lửa nhỏ, thêm đường phèn đun khoảng 10 phút, để nguội uống dần.
Nên cố gắng uống nước mát nấu trong ngày để vị thuốc nước mát còn nhiều tác dụng tốt hơn để qua đêm. Nước mát có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt nên những người tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng, đi tiêu lỏng, ớn lạnh, tay chân lạnh, huyết áp thấp… thì không nên lạm dụng loại nước mát này.