Khi dùng thảo dược trị ho, người ta hay dùng tỏi, hành mà ít khi để ý đến gừng. Tuy nhiên, trong dân gian, gừng cũng được coi là vị thuốc chữa ho rất hiệu quả.
1. Chữa ho bằng Gừng
Khi dùng thảo dược để trị ho, người ta hay dùng tỏi, hành mà ít khi để ý đến vị thuốc quen thuộc còn lại, đó chính là gừng. Tuy nhiên, trong dân gian, gừng cũng được coi là vị thuốc chữa ho rất hiệu quả.
Trong các tài liệu cổ, gừng tươi (khi làm thuốc được gọi là sinh khương) có vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh phế, tỳ và vị, có tác dụng làm ấm, chống lạnh, hồi dương, thông lạch.
Có thể dùng gừng để chữa thổ tả, đau bụng, sình bụng, chân tay lạnh, mạch yếu, cảm lạnh, ho, thấp khớp do lạnh…
Riêng về tác dụng trị ho, lương y Vũ Quốc Trung, phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hội Đông y Hà Nội cho biết: “Từ lâu dân gian đã dùng gừng như một vị thuốc ít tiền và hữu hiệu trong chữa trị các triệu chứng ho thông thường do thời tiết.
Nếu ho do nhiễm lạnh, bạn có thể dùng nước sắc gừng với vỏ cam (hoặc quýt) và một ít vỏ quế để uống. Còn ho lâu không khỏi có thể dùng nước sắc gừng pha với mật ong để dùng”.
Các bài thuốc dùng gừng để trị ho rất đơn giản như sau:
– Dùng 1 củ gừng xắt thành lát mỏng ngâm với 200ml mật ong cất vào nơi mát mẻ để dành khi cần dùng. Mỗi khi ho chỉ cần lấy vài miếng gừng ngâm vào 1 tách nước nóng là đã có 1 ly nước trị ho rất hiệu quả.
– Lấy 200g muối thô và 100g gừng thái sợi, đem hỗn hợp này rang lên cho nóng rồi buộc vào 1 chiếc khăn.
Dùng gói này chườm qua lại ở vùng rốn ở độ nóng mà cơ thể có thể chịu được trong khoảng 3 – 5 phút, chườm 2 bên sườn mỗi bên 5 phút. Mỗi ngày chỉ cần làm 1 lần trước khi đi ngủ cho đến khi khỏi ho.
2. Chữa ho do nhiễm lạnh bằng cách bấm huyệt
Y học cổ truyền có 1 cách chữa ho do nhiễm lạnh rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả, hơn nữa lại không phải dùng thuốc để điều trị, đó là cách làm ấm huyệt Dũng tuyền.
Tác dụng của huyệt Dũng tuyền trong trị ho do nhiễm lạnh
Huyệt Dũng tuyền là một huyệt nằm ở vị trí lõm giữa lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn thẳng nối từ đầu ngón chân thứ 2 đến bờ sau của gót chân.
Đông y coi huyệt Dũng tuyền là tỉnh huyệt của đường kinh túc thiếu âm thận, huyệt đặc trị để trừ hư hỏa, giáng khí nghịch.
Đây là 1 huyệt khá quan trọng, có liên quan đến toàn thân. Khi tác động làm nóng huyệt này sẽ có tác dụng tạo hiệu ứng giáng khí, lưu thông khí huyết, đưa phần nóng từ phía trên xuống dưới bàn chân.
Trong Đông y, việc ho do nhiễm lạnh được tạo ra bởi chứng khí nghịch. Khi làm ấm huyệt Dũng tuyền chính là cách đối trị chứng khí nghịch, vì thế mà triệt tiêu được nguyên nhân của những cơn ho dai dẳng.
Cách làm ấm huyệt Dũng tuyền trị ho do lạnh
– Chuẩn bị 1 lọ dầu nóng như dầu cù là, dầu khuynh diệp, dầu tràm…
– Trước khi đi ngủ ngâm chân với nước ấm, sau đó lau khô.
– Bôi dầu nóng vào huyệt Dũng tuyền.
– Dùng ngón tay day huyệt Dũng tuyền, mỗi bên 15 phút, luân phiên mỗi bên như vậy 3 lần.
– Đi tất vào và đi ngủ.
Hiệu quả bất ngờ
Lương y Lộc Thị Quốc trong cuốn Tạp chí Cây thuốc quý số 254 trang 29 gọi cách chữa ho này là một “phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả rất kỳ diệu”.
Theo lương y Lộc Thị Quốc: “Nhiều trường hợp có thể thấy ngay hiệu quả sau đêm đầu tiên. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em, kể cả trẻ em mới vài tháng tuổi”.
Cũng theo lương y Quốc, cách day bấm huyệt Dũng tuyền 15 phút mỗi bên bàn chân, thực hiện luân phiên 3 lần mỗi chân có thể làm khỏi ngay đến 80%, tuy nhiên không nên day quá nhiều sẽ dẫn đến hiệu quả ngược.
Nếu vẫn còn ho thì buổi trưa làm 1 lần, buổi tối làm 1 lần nữa trước khi đi ngủ. Cứ kiên trì như vậy thì không cần dùng thuốc ho hay kháng sinh gì cả.
Lưu ý khi áp dụng
Theo bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, phụ trách phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cách trị ho bằng huyệt dũng tuyền chỉ hiệu quả đối với các chứng ho do nhiễm lạnh.
Khi áp dụng với trẻ em, cần phải khám để loại trừ khả năng viêm nhiễm trước khi áp dụng bởi nếu trẻ bị ho do viêm nhiễm sẽ có những biến chứng rất nhanh gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Hơn nữa, nếu trẻ ho do viêm nhiễm, áp dụng cách kích hoạt huyệt Dũng tuyền sẽ không có tác dụng.