Sau sinh, để phục hồi thai sản, có người mẹ chỉ mất từ 6 đến 8 tuần để, tuy nhiên có người lại mất đến cả năm trời để trở lại bình thường.
Để giúp bà mẹ mau chóng hồi phục sau ca vượt cạn và trở lại với công việc hàng ngày cũng nhưng chăm sóc cho trẻ tốt, bài tổng hợp dưới đây có hướng dẫn đầy đủ cách phục hồi thai sản chi tiết theo từng tháng. Mẹ nên lưu ý kỹ rằng tất cả những hướng dẫn này mang tính chất trải nghiệm nó có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh mỗi gia đình.
Tháng 1: Chạy đua với thời gian
Tháng đầu tiên sau sinh, người mẹ phải xoay như chong chóng để có thể vừa chăm con vừa chăm sóc bản thân mình. Sự vất vả khiến mẹ tất tả đến nỗi có thể quên tắm hoặc đánh răng. Mất quá nhiều thời gian cho con có thể sẽ khiến mẹ phải mất từ 6-8 tuần mới phục hồi.
Nếu sinh thường, mẹ cần làm vệ sinh âm đạo bằng nước ấm và chăm sóc vết thương tầng sinh môn. Nếu sinh mổ, mẹ cần phải tập đi sau khi sinh.
Ở tuần đầu sau sinh, có thể ngực sẽ bị căng cứng và tức khi sữa về. Một số mẹ sẽ mất cả tuần để học cách cho con bú và điều chỉnh lượng sữa con bú nếu nuôi con bằng sữa mẹ. Khi ngực căng tức vì nhiều sữa, mẹ cần phải hút ra bớt và trữ đông sữa cho bé bú dần sau đó.
Mẹ nên ăn nhiều trái cây tươi và đặc biệt đừng bao giờ quên uống nước ấm. Trái cây tươi không chỉ giúp mẹ mau hồi phục mà còn làm tăng tiết sữa.
Tháng 2: Khắc phục tình trạng kiệt sức
Sau sinh, cơ thể mẹ mệt mỏi vì mất ngủ vì em bé có thể thức dậy mỗi 3 – 4 giờ để ăn. Để không rơi vào tình trạng kiệt sức, mẹ hãy tranh thủ chợp mắt khi bé ngủ. Mẹ cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, ông bà nội ngoại hai bên trong việc chăm sóc bé để có thời gian nghỉ ngơi. Muốn tránh mệt mỏi dẫn đến kiệt sức hãy hạn chế khách đến thăm.
Nếu cảm thấy căng thẳng, buồn bã, hay khóc lóc hãy gặp bác sĩ để tránh rơi vào trầm cảm sau sinh. Mẹ cũng đừng vì quá nôn nóng lấy lại vóc dáng mà quay trở lại tập luyện quá sớm vì lúc này các vết thương vẫn chưa lành. Nếu tập luyện, hãy chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi. Sau 6-8 tuần mẹ cũng có thể quan hệ tình dục trở lại.
Tuy nhiên hãy lắng nghe cơ thể mình. Chỉ nên quan hệ trở lại nếu mẹ cảm thấy mọi thứ đã ổn.
Tháng 3: Cố gắng chăm sóc bản thân
Lúc này mẹ có thể trở lại với những thói quen hàng ngày. Hãy hút sữa nếu mẹ đã chuẩn bị đi làm, tránh trường hợp viêm tuyến vú nếu bị tắc sữa do con không bú.
Sau sinh, răng và nướu của mẹ cũng có thể bị tổn thương, ê buốt. Hãy đến gặp nha sĩ nếu buốt đau. Khi thấy tóc rụng quá nhiều, mẹ đừng quá lo lắng mình bị hói vì qua giai đoạn cân bằng lại hormone, tóc sẽ sớm mọc lại nhanh. Còn giờ là lúc mẹ cần thời gian để phục hồi thai sản. Hãy tranh thủ nhờ người thân trông bé để chợp mắt vào buổi trưa, hoặc dành chút thời gian gặp gỡ bạn bè hay đi mua sắm. Đừng bao giờ để bản thân rơi vào trạng thái tâm lý bế tắc vì không cân bằng mọi thứ.
Tháng 4: Nụ cười của con yêu xua tan mệt mỏi
4 tháng, bé đã biết lẫy, đã có những giấc ngủ ngon và sâu nên mẹ cũng không cần quá nhiều thời gian để ru bé. Đừng căng thẳng nếu bé khó ngủ vì điều này có thể làm nguồn sữa khô cạn dần. Nếu bé không bú hết sữa, mẹ cần hút sữa ít nhất hai lần trong một ngày để duy trì nguồn sữa. Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quá lo lắng về tình trạng cân nặng nếu thấy mình đang béo lên. Các chuyên gia khuyên bạn không nên giảm cân trong giai đoạn này, vì người mẹ thiếu dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến bé.
Tháng 5: Nghỉ ngơi – thư giãn – suy ngẫm
Giai đoạn này bè đã có thể tự ngủ cũng như kéo dài giấc ngủ lâu hơn, đồng thời rất ít giật mình thức giấc, do đó mẹ cũng có thể tranh thủ có giấc ngủ ngon hơn. Những lúc không tìm đến giấc ngủ, mẹ hãy dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân vì mẹ có thể phải tút tát lại chính mình trước khi trở lại với công việc. Mẹ có thể đi massage, xem phim, dành thời gian ngủ và có thể hâm nóng tình cảm với người bạn đời.
Tháng 6: Những thay đổi khi con bước vào giai đoạn ăn dặm
Khi được 6 tháng, bé đã bắt đầu mọc răng, ăn dặm. Giai đoạn này đánh dấu những vất vả tiếp theo của mẹ. Mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để chăm con con, nấu nướng và dọn dẹp bãi chiến trường sau khi bé ăn. Sẽ rất dễ căng thẳng tột độ nếu bé không chịu hợp tác. Nhiều mẹ sẽ có cảm giác như toàn bộ sức lực vẫn chưa thể hồi phục kể từ lúc sinh. Nhưng quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Cả bé và mẹ đều cần nhiều thời gian hơn nữa đấy.
Tháng 7: Yêu cầu sự trợ giúp
Sau sinh, trầm cảm vẫn rình rập cho đến 12 tháng sau khi sinh. Mẹ cần lắng nghe cơ thể mình để cảnh báo người thân nếu thấy không ổn. Họ có thể giúp bạn tìm gặp bác sĩ ngay lập tức cũng như yêu cầu sự trợ giúp từ người bạn thực sự cần gần gũi, sẻ chia để không rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu có vấn đề với chuyện quan hệ tình dục sau sinh, cũng nên đến gặp bác sĩ thay vì lo lắng và trách móc bản thân.
Tháng 8: Kệ nó đi!
Đừng quá căng thẳng khi thấy nhà cửa bề bộn. Hãy dành thời gian chăm sóc cho con yêu trước hẵng vì con là quan trọng nhất. Nhà cửa có thể dọn dẹp sau đó hoặc nếu không đủ thời gian và sức khỏe thì “ở dơ” một chút cũng chẳng sao. Đôi khi hãy để cho bản thân được phép thả ga, sẽ chẳng ai trách móc bạn trong giai đoạn này ngoài trừ bạn muốn hành xác chính mình vì những việc vặt vãnh.
Tháng 9: Chú ý khi con đã biết bò
Lúc này, mẹ phải vất vả hơn để giữ con khỏi những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé. Bé biết bò và bò khắp nhà và khám phá mọi thứ, thậm chí cho những vật nhỏ xíu vào miệng. Hồi hộp từng phút khi chỉ lỡ không để mắt đến con dù chỉ một lát. Vì vậy hãy chắc chắn rằng mẹ đã cho con một căn phòng an toàn khỏi những vật dụng tiềm ẩn tai nạn.
Tháng 10: Chăm chút bản thân
Đừng quên chăm sóc làn da, vóc dáng và chú ý đến việc bổ sung sinh dưỡng để hồi phục sau sinh. Hãy lên thời gian biểu cho việc chăm con để có nhiều thời gian cho bản thân hơn. Đừng cảm thấy tội lỗi nếu mẹ dành chút thời gian nghỉ ngơi vì lúc này bé đã bắt đầu lớn và mẹ cần phải khỏe mạnh để đủ sức chăm con tốt hơn.
Tháng 11: Ánh sáng ở cuối đường hầm
Lúc này mọi thứ đã dần quay trở lại như lúc ban đầu. Vết thương của mẹ cũng đã lành, những vết rạn da đã mờ đi. Con đã lớn, có thể biết đi, biết nói những từ đơn giản. Lúc này mẹ có thể quay lại tập luyện để giữ gìn vóc dáng. Có thể ăn kiêng nếu con đã cai sữa mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến cáo mẹ nên cho bé bú đến khi con tròn 2 tuổi nếu đủ sữa.
Tháng 12: Tất cả trở lại như lúc ban đầu
Vậy là con đã tròn 1 tuổi, và mọi thứ đã quay trở lại như lúc ban đầu. Mẹ đã có thể quay về với việc giữ cân nặng như trước lúc mang thai. Cơ thể lúc này cũng đã phục hồi, những vết rạn da có thể đã biến mất. Lúc này con đã lớn, mẹ cũng không cần quá nhiều thời gian chăm sóc bé mà được nghỉ ngơi nhiều hơn rồi đấy.
Theo myeva