Cần gì đến tận Cô Tô hay Phú Yên mua mực, bò một nắng. Mới đầu mùa nhưng nắng Hà Nội đã đủ sức “cân tất” rồi các mẹ ạ. Tranh thủ, các mẹ hãy mang ngay những món ăn tận dụng ngày nắng đem phơi nhé!
Nắng là của trời, tránh thế nào cũng không được. Vậy nên chị em nội trợ phải biết cách “gió chiều nào che chiều ấy”, trời cho nắng thì phải biết tận dụng triệt để nha. Tranh thủ cái nắng đầu mùa, chị em nội trợ hãy làm các món ăn này cho gia đình thưởng thức thôi nào.
Tuy nhiên, chọn chỗ nắng nhưng cũng phải lưu ý vệ sinh, tránh bụi bặm hoặc vùng không khí ô nhiễm nha chị em!
1. Mực một nắng
Đến tận vùng biển mua mực một nắng vừa mất công, giá tiền lại cũng bị đội lên khá nhiều. Hà Nội cũng có nắng cơ mà, tội gì không thử ngay các mẹ nhỉ? Món này thì hấp dẫn khỏi chê rồi, buổi tối nướng lên nhắm với tý bia mát rượi thì hết sảy đó ạ.
Cách làm:
– Chọn mua mực: nên chọn những con mực dày, tươi, ngon.
– Sơ chế mực: Mổ banh mực ra, bỏ hết nội tạng, cạo hết chất nhờn, rửa thật sạch bằng nước. Sau đó rửa lại với nước được pha chút muối để đảm bảo rằng mực được sạch sẽ, loại bỏ được hết tạp chất trên người chúng hơn nữa làm vậy con mực thêm đậm đà. Xếp vào khay để tiện di chuyển.
– Chọn nắng để phơi mực: Chọn nắng to để mực được giòn, và phơi mực khoảng một ngày cho đến khi thịt mực vừa trong, héo, dẻo mềm và không dính tay.
– Cách phơi mực: Có 2 cách: Phơi mực theo hình thức cột dây và Phơi mực theo hình thức mực lưới.
Cách phơi này thì thịt mực sẽ mỏng hơn so với cách phơi cột dây nhưng bù lại thịt mực sẽ ăn mềm hơn rất nhiều. Buổi tối khi cất mực, các mẹ để mực nguội hẳn, rồi cho vào tủ lạnh bảo quản và ăn dần nhé.
2. Ba chỉ một nắng
Món này cách làm siêu đơn giản mà kết quả ngoài sức mong đợi đó ạ. Nhiều mẹ đã từng thử qua và phải xuýt xoa vì quá ngon. Chị em cùng tham khảo cách làm nhé!
Nguyên liệu:
2 miếng thịt ba chỉ lợn, 1 củ tỏi, 2-3 cây sả, ớt, 1 thìa ngũ vị hương, 1 chút bột ngọt hoặc bột nêm, 1 chút đường, 1 thìa ớt bột, 1 chút hạt tiêu…
Cách làm:
– Thịt ba chỉ cạo sạch phần bì, rửa sạch sẽ sau đó thấm khô rồi thái thịt thành miếng dày cỡ 2cm.
– Sả, ớt rửa sạch rồi đập dập và băm nhuyễn, tỏi băm nhỏ. Các gia vị còn lại cho vào 1 cái bát và trộn đều lên. Cho thịt ba chỉ vào 1 cái tô to sau đó cho tất cả các nguyên liệu vào.
– Đeo bao tay và xoa bóp đều khắp 2 mặt thịt cho thịt thấm đều gia vị, ướp khoảng 20-30 phút.
Thịt sau khi đã ướp thì trải thịt ra 1 cái khay, dàn đều và đem phơi nắng. Nếu nắng to phơi 1 ngày là được, nắng nhỏ thì phơi khoảng 2 ngày cho miếng thịt săn lại, hơi khô mà không bị khô quá. Miếng thịt ba rọi một nắng chắc lại là có thể đem nướng hoặc chiên đều rất thơm ngon.
Nếu chưa sử dụng ba rọi một nắng ngay, chị em có thể đem cất ngăn đá bảo quản dùng dần.
3. Cá một nắng
Món này ăn cũng thú vị lắm đó ạ. Các mẹ có thể chọn loại cá nhà mình thích ăn để làm nhé.
Cách làm rất đơn giản: Sơ chế và rửa sạch cá. Nếu là cá to và dầy mình, nên lọc lấy phần thịt và bỏ đi phần xương cá.
Sau đó tẩm ướp gia vị cùng muối, riềng, ớt tùy khẩu vị rồi đem phơi. Món này để nướng hoặc rán giòn chấm mắm đều ngon đó ạ. Nếu phơi nhiều mà ăn không hết, các mẹ nhớ bảo quản trong tủ lạnh kẻo hỏng nha.
4. Thịt bò một nắng
Nguyên liệu: 1,5 kg thịt bò, sả, quả ớt xiêm xanh, tỏi, hành tím, gia vị thường dùng: đường, muối, hạt nêm, sa tế.
Cách làm:
– Hành tỏi bóc vỏ, băm nhỏ, sả lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài, băm nhỏ.
– Cho hành, tỏi, sả, ớt vào tô, trộn đều. Thêm muối + đường + hạt nêm + sa tế rồi trộn đều tất cả lên.
– Thịt bò rửa sạch, để ráo rồi thái miếng to, dày khoảng nửa lóng tay. Cho thịt bò ra tô và ướp với phần hỗn hợp hành, tỏi đã sơ chế vào. Đeo găng tay thực phẩm để có thể dàn đều phần hỗn hợp bao quanh trọn nhất miếng thịt bò. Ướp thịt bò chừng 3-4h cho ngấm gia vị. (Có thể để qua đêm rồi đem phơi nắng).
5. Lạp xưởng một nắng
Món này không khó làm, chỉ mất thời gian hơn một chút. Tuy nhiên bù lại các con sẽ thích mê mệt đó ạ.
Nguyên liệu:
600gr thịt nạc vai, 150gr lòng non lợn ,150gr mỡ thịt, đường trắng, muối, nước tương ngon, rượu mai quế lộ (rượu thơm).
Các mẹ có thể mua rượu mai quế lộ ngoài hàng nhé, có rượu này mới đúng vị lạp xưởng. Tuy nhiên không có cũng không sao đâu ạ, nếu trẻ sợ mùi rượu nồng nồng, các mẹ có thể bỏ qua nhé!
Cách làm:
– Thịt heo rửa sạch với nước muối, gói trong khăn sạch, cắt khối vuông nhỏ (hạt lựu).
– Mỡ cắt như thịt, ướp với đường, phơi nắng cho trong. Trộn thịt, mỡ với gia vị: muối, nước tương, rượu mai quế lộ, gia vị, đường. Ướp khoảng 3 tiếng cho thật thấm gia vị. Trong quá trình ướp nên đảo cho gia vị thấm đều.
– Rửa lòng non với rượu trắng, vớt ra ngay.
– Dùng một vỏ chai, cắt phần đầu chai, buộc đoạn đầu lòng vào miệng chai rồi gút chặt bằng chiếc nắp chai đã được đục thủng nên việc nhồi thịt và mỡ vào lòng non rất đơn giản. Nhồi hỗn hợp thịt – mỡ vào lòng non, khoảng 10cm thì bắt đầu buộc thắt lại, nhồi tiếp cho đến khi hết.
– Đun một nồi nước thật sôi, cho một ít rượu trắng vào nồi, thả lạp xưởng vào nồi, đảo và vớt ra ngay, để thật ráo.
– Dùng kim châm vào cây lạp xưởng, sau đó treo lên cho thoáng, có nắng để ráo, thỉnh thoảng trở đều. Khi thấy khô là được, khoảng 3-5 ngày tùy nắng nhiều hay ít.
Khi lạp xưởng khô, gói vào giấy thấm dầu cho vào tủ lạnh, hay treo nơi thoáng mát, dùng được lâu.
Khi dùng tới lạp xưởng, chỉ việc luộc chín rồi vớt ra, lăn trên chảo không dính để lạp xưởng vàng và không đọng dầu chiên. Gia vị nêm nếm trên còn tùy thuộc vào độ mặn ngọt của khẩu vị từng người.
Theo WTT