Nhiều phụ nữ có mái tóc dày khi mang thai nhưng sau sinh, tóc họ mỏng đi vì bị rụng.
Rụng tóc xảy ra sau sinh được gọi là “telogen effluvium” (hoặc TE – rụng tóc sau sinh, sau khi bị nhiễm trùng, sau phẫu thuật hoặc bị căng thẳng nghiêm trọng). Theo hiệp hội rụng tóc Mỹ, TE bắt đầu từ tuần thứ 3 tới tháng thứ sáu kể từ khi em bé được sinh ra. Một số người mẹ thấy mình bị mất cả nắm tóc tại một thời điểm trong giai đoạn này.
Nguyên nhân rụng tóc sau sinh
Các nội tiết tố: Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ có sự thay đổi đáng kể trong hàm lượng hormone, một yếu tố góp phần gây rụng tóc sau sinh.
Căng thẳng: Những căng thẳng không nhỏ về sinh con rồi chăm sóc con nhỏ cũng là nguyên nhân gây rụng tóc ở người mẹ.
Mệt mỏi: Đây là nguyên nhân thứ ba nhưng cũng khá phổ biến với chứng rụng tóc sau sinh ở người mẹ.
Khi tóc mọc trở lại
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, chứng rụng tóc sẽ được cải thiện đáng kể ngay sau khi tóc mới mọc và trở lại bình thường sau 6-12 tháng. Tuy nhiên, có một số gợi ý bạn có thể giữ cho tóc mình khỏe mạnh, bao gồm:
– Nhẹ tay khi gội hay chải tóc. Không nên buộc tóc quá chặt hoặc chải tóc mạnh tay vì như thế, tóc sẽ rụng nhiều.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm rau xanh và hoa quả.
– Tập trung vào các hoạt động giúp bạn thư giãn và giảm stress.
– Thêm đồ ăn giàu protein vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
– Uống đủ nước để cơ thể không mất nước.
– Ăn đồ ăn giàu omega3 để có làn da khỏe mạnh và mái tóc óng mượt.
– Tránh để tóc tiếp xúc với nguồn nhiệt cao như là ép tóc hay dùng máy sấy. Khi gội đầu, nên để tóc được khô tự nhiên là tốt nhất.
– Vitamin A, B, C có liên quan tới mái tóc khỏe mạnh. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn cần bổ sung vitamin nếu rụng tóc quá nhiều.