Khi mang bầu, nhiều chị em hiểu biết chưa đầy đủ, chưa thăm khám đúng định kỳ và có những thói quen không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Thói quen sai lầm của bà bầu ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé
Theo ThS.BS Mai Trọng Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi mang thai, các bà bầu thường quan tâm đến sức khỏe của mình và sức khỏe của bé hơn cả.
Tuy nhiên, nhiều người do hiểu biết không đúng hoặc có những thói quen làm ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi nhưng ít ai để ý như:
– Khi mang thai, bà bầu thường bỏ qua dấu hiệu ra máu, đau bụng. Trong khi đây là những dấu hiệu bất thường và cần được đi thăm khám sớm.
– Các bà bầu thường nghĩ để thai lớn lên khoảng 8 – 10 tuần rồi đi khám để biết rõ tình trạng thai nhi. Nhưng thực tế, để thai to mới đi thăm khám sẽ làm mất đi cơ hội trợ giúp của y tế nếu chẳng may thai nhi có bất thường.
– Nhiều người quan niệm bà bầu phải lao động, làm việc nhiều thì mới dễ đẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Giai đoạn đầu khi mang thai bà bầu cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Việc vận động của bà bầu khi đó phải chú ý vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe. Chỉ đến giai đoạn cuối của thai kỳ hoạt động nhiều mới giúp dễ đẻ hơn. Nhưng lúc này vẫn phải chú ý hoạt động, lao động vừa sức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
– Chế độ dinh dưỡng của bà bầu không hợp lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Một chế độ dinh dưỡng tốt cho mẹ và bé được hiểu là chế độ ăn đủ số lượng và chất lượng, với những thực phẩm ăn hàng ngày phải kiểm soát được nguồn gốc, thực phẩm đảm bảo sạch và an toàn, đảm bảo ăn chín uống sôi.
– Giai đoạn đầu mang thai làm nhiều bà bầu thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn nghén, khó ăn nên nhiều người tăng cường dinh dưỡng quá mức, nhưng lại bổ sung không hợp lý dẫn tới ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Nhất là việc ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, thực phẩm khó tiêu, dễ gây táo bón…
‘Trong gia đoạn đầu của thai kỳ các bà bầu thường hay nghén, khó ăn, khó uống và hay tìm đến những món ăn ở ngoài đường, ngoài chợ. Với điều kiện môi trường như của mình hiện nay thì những món ăn được bày bán ngoài đường, ngoài chợ sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thói quen này là không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé, nhất là đối với sự phát triển của thai nhi’ – ThS. BS Mai Trọng Hưng.
Uống quá nhiều sữa bà bầu sẽ không tốt cho mẹ và bé
Bác sĩ Hưng cho rằng: ‘Để có cơ thể khỏe mạnh, nhất là bà bầu thì yếu tố dinh dưỡng vẫn là quan trọng nhất. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng cách là việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải lạm dụng sữa bà bầu quá mức như nhiều chị em đang dùng’.
Thực tế thăm khám, theo dõi sức khỏe cho các thai phụ, bác sĩ Hưng chỉ khuyên bà bầu dùng thêm sữa trong trường hợp mình không kiểm soát được thực phẩm mình sử dụng có đảm bảo an toàn hay không.
Hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn dẫn đến thực đơn ăn uống không phong phú nên không đủ chất dinh dưỡng. Vì dinh dưỡng không cân bằng nên mới cần đến sự bổ trợ dinh dưỡng từ các nguồn khác, trong đó có sữa bà bầu.
Hay như trường hợp bà bầu nôn nghén không ăn được dẫn đến thiếu chất thì cần phải bổ sung dưỡng chất thông qua các sản phẩm đặc trưng cho bà bầu như thực phẩm chức năng, vitamin, sữa cho bà bầu…
Tuy nhiên, ‘quan điểm của tôi thì ăn uống vẫn là số 1, không có con đường nào cung cấp đầy đủ các chất bằng chế độ dinh dưỡng phong phú, đa dạng hàng ngày.
Mặc dù các nhà sản xuất vẫn quảng cáo trong sữa bà bầu có đầy đủ các chất cho cả mẹ và bé, nhưng không nên dùng sữa để thay thế các thực phẩm tự nhiên.
Bởi, trong sữa có chứa chất bảo quản, tất nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra là các chất bảo quản trong sữa đảm bảo yếu tố an toàn, nhưng mẹ bầu uống nhiều quá thì dư lượng chất bảo quản tích tụ trong cơ thể lớn và gây hại.
Đó là chưa kể một số sữa có chứa thành phần kháng sinh. Dù trong nghiên cứu các thành phần này vẫn đảm bảo an toàn, nhưng nếu dùng nhiều quá sẽ tích lũy trong cơ thể, không tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Hơn nữa, có nhiều trường hợp mẹ bầu mua phải sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… dẫn tới những hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Vậy nên những thứ mình không kiểm soát được thì không nên sử dụng.
Nếu mẹ bầu vẫn muốn dùng sữa bà bầu thì nên dùng ở giai đoạn sau của thai kỳ. Vì khi đó thai nhi cũng đã phát triển đầy đủ, còn giai đoạn đầu vẫn nên ăn uống các loại thực phẩm an toàn từ thiên nhiên’ – BS Hưng chia sẻ.
Tăng cường dinh dưỡng cho bà bầu là xu hướng của thế giới
‘Qua nghiên cứu và thực tế đi các hội thảo y tế của nhiều nước trên thế giới tôi nhận thấy các nước đều chú trọng vấn đề ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ khi mang thai.
Khi mang bầu, phụ nữ ở nước ngoài họ thường ăn uống thực phẩm tự nhiên là chính và họ không đặt nặng vấn đề dùng các sản phẩm thay thế thực phẩm thiên nhiên.
Chính vì các bà bầu nước ngoài chú trọng nhiều đến chế độ dinh dưỡng nên nguồn gốc thực phẩm của họ cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn hơn’ – ThS. BS Mai Trọng Hưng.
Theo abaza