Hãy nâng cao nhận thức về kháng sinh và học cách hoài nghi để bảo vệ sự diệu kỳ của kháng sinh cũng như tương lai của chính con bạn.
Chúng tôi đang tìm bác sĩ nhi mới cho con và qua cuộc trò chuyện cùng một số người bạn, danh sách giới thiệu ngày càng dài. Khi nhắc tới việc cậu con trai 14 tuổi của chúng tôi chưa từng dùng kháng sinh, câu chuyện bị ngắt quãng đầy bất ngờ.
“Thế bị viêm tai thì sao?” – một người hỏi.
“Thằng bé chưa từng bị viêm họng ư?” – một người khác nói.
“Chưa bao giờ?” – người thứ 3 hoài nghi.
Chúng tôi ngạc nhiên bởi chẳng lẽ, sự thật này đáng sốc đến như vậy? Thành thành thật mà nói, chúng tôi khá may mắn. Con trai chúng tôi chưa từng gặp tai nạn nào phải phẫu thuật hay nhiễm bệnh nghiêm trọng. Thằng bé sinh ra khỏe mạnh, được nuôi bằng sữa mẹ và tiêm phòng đầy đủ. Thằng bé có vài lần cảm lạnh và một lần nhiễm cúm nhưng chưa bao giờ phải dùng đến kháng sinh.
Bạn bè chúng tôi đều là những người có học vấn cao, thông minh, những người biết rằng kháng sinh chỉ có thể giết vi khuẩn chứ không có tác dụng với virus. Họ biết phần lớn nguyên nhân gây ra cảm lạnh hay cúm là virus. Nhưng họ cũng là những bậc cha mẹ tận tụy, những người sẵn sàng làm tất cả vì con và khi đứa trẻ ốm, nguyên nhân rõ ràng có thể bị che mờ bởi nỗi sợ hãi, cảm giác tuyệt vọng và sự hấp dẫn của hiệu quả tức thì.
Cảm lạnh hay viêm phế quản chẳng hạn. Một mặt, bạn bè chúng tôi biết rằng những bệnh này thường do virus gây ra nhưng sau 1 hoặc 2 tuần như nằm trên đống lửa, họ bắt đầu gọi điện cho bác sĩ để yêu cầu kháng sinh. Các bác sĩ biết rằng nguyên nhân gây bệnh có thể do virus, nhưng vì không muốn tranh cãi với các bậc cha mẹ nên “nếu các vị muốn thì đơn thuốc đây”. Trẻ dùng kháng sinh vào giai đoạn cuối của bệnh, nên lúc uống thuốc cũng là lúc trẻ bắt đầu có dấu hiệu khỏe lên. Mọi người đều hoan hỉ! Không có gì nguy hại ở đây!
Trên thực tế, nguy hại nhiều hơn việc con người có thể tưởng tượng.
Trước mắt, hậu quả gần như không thể hiện. Kháng sinh có thể khiến trẻ bị phát ban, nôn mửa và một vài trường hợp bị mắc bệnh nguy hiểm tới tính mạng có tên C.diff.
Về lâu dài, tác hại của hành động này là rất khủng khiếp nhưng cũng không lộ rõ. Trong một cộng đồng mà kháng sinh được sử dụng dễ dàng như kẹo, cứu mạng người này người kia, tưởng như ngồn cung là vô tận, nhưng hóa ra chúng ta đang cạn kiệt kháng sinh. Thực tế này cũng sẽ ảnh hưởng đến con chúng tôi, đứa trẻ chưa bao giờ dùng kháng sinh.
Mỗi năm, số lượng trẻ bị bệnh do virus nhưng lại được kê kháng sinh không cần thiết ngày càng tăng, kết quả, vi khuẩn lưu trú trong cơ thể chúng ta dần thích nghi với các loại kháng sinh và tiến hóa trở thành kháng thuốc ngay cả những loại kháng sinh mạnh nhất.
Các bản báo cáo về khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn đang ngày càng nhiều. Chẳng hạn, gần đây là bản báo cáo được phát đi rộng rãi trên thế giới về khả năng kháng kháng sinh hoàn toàn của loại vi khuẩn có tên E.coli. Hay tại Mỹ, số người mắc bệnh lậu không thể chữa được đang gia tăng nhanh chóng.
Người ta lo lắng về một tương lai gần, khi mà không còn kháng sinh bảo hộ, con người sẽ trở về thời điểm của 100 năm trước, chứng kiến con người ra đi vì những căn bệnh vặt vãnh mà ngày nay có thể chữa khỏi một cách đơn giản chỉ với một viên thuốc.
Trong khi các nhà khoa học đang miệt mài tìm cách điều chế ra những loại kháng sinh mới, hữu hiệu bằng ngân sách eo hẹp, thì chúng ta có thể góp chút công sức vào việc xua tan màn mây u ám bao phủ tương lai thế hệ sau bằng cách đừng lãng phí kháng sinh ngay tại nhà.
Dưới đây là 5 điều bạn có thể làm để tránh cái kết cho kỷ nguyên kháng sinh:
– Ngay cả khi kéo dài hơn 2 tuần, cảm cúm hay viêm phế quản cũng không cần đến kháng sinh. Đây là những bệnh mà cơ thể thường cần thời gian là hơn 2 tuần để “xử lý”. Vì vậy, nếu không có dấu hiệu của viêm phổi, bạn hoàn toàn có thể từ chối kháng sinh.
– Có đờm hoặc dịch mũi xanh không có nghĩa là bạn cần đến kháng sinh. Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chiến đấu chống lại việc nhiễm bệnh và rất nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, khi bạn có dịch xanh nghĩa là khả năng bạn mắc virus cao hơn là vi khuẩn.
– Viêm mũi và viêm tai không phải lúc nào cũng cần đến kháng sinh. Các chỉ dẫn y khoa về viêm tai/mũi cho thấy, nếu bệnh nhân không có triệu chứng nguy hiểm thì có thể theo dõi mà không cần kháng sinh. Bác sĩ có thể giúp bạn đảm bảo như thế nào là an toàn.
– Nếu con bạn nhận được đơn thuốc có kháng sinh, hãy đề nghĩ bác sĩ giải thích tại sao.
– Việc chẩn đoán viêm phổi – lý do chính đáng để dùng kháng sinh – có thể sẽ không chính xác nếu không chụp X-quang lồng ngực. Do viêm phổi (thường do vi khuẩn gây ra) có triệu chứng khá giống với viêm phế quản (chủ yếu do virus) và viêm phổi (thường do vi khuẩn) nên chụp X-quang là điều phải thực hiện. Khi đó, dùng kháng sinh cũng chưa muộn. Đừng chấp nhận bất kỳ đơn thuốc có kháng sinh cho viêm phổi khi chưa chụp X-quang lồng ngực.
Vì vậy, nếu con bạn bị cảm lạnh hay viêm phế quản, khi bác sĩ kê đơn kháng sinh, hãy đảm bảo đó là điều cần thiết. Hãy nâng cao nhận thức về kháng sinh và học cách hoài nghi để bảo vệ sự kỳ diệu của kháng sinh cũng như chính con bạn.
Bài viết của vợ chồng Tim Lahey – bác sĩ chuyên khoa về bệnh nhiễm trùng và là giáo sư tại Khoa Y Geisel thuộc trường đại học Dartmouth (Mỹ) – đăng trên tạp chí The Atlantic của Mỹ.