Em thấy mẹ nào chăm con bệnh cũng than mệt mỏi vì con bỏ ăn. Sau mỗi trận bệnh bé ít nhất cũng sụt đi vài lạng. Mà các mẹ thấy đó, nuôi con lên được vài lạng đâu phải chuyện dễ.
Nhưng thật ra, không phải là không có cách. Theo em, nếu bé biếng ăn khi bệnh đó là do mẹ chưa biết cách nấu cho con những bữa ăn đủ sức hấp dẫn. Thực sự đây cũng là kinh nghiệm em học được từ một chị bạn. Chị này chăm con rất mát tay. Hai con chị rất ít khi bị bệnh. Mà khi bệnh cũng chỉ 2-3 ngày là khỏi. Đặc biệt, sau mỗi lần các bé bệnh, da vẫn hồng hào, căng đầy chứ không hóp sọp và xanh mét như con nhà em. Hỏi ra, chị mách cho em mấy mấy món cháo này. Đảm bảo mẹ xem qua rồi cũng thích ngay chứ không riêng gì con:
Cháo gà và nấm rơm
Khi bị cảm, được ăn một tô cháo gà còn nóng hổi sẽ tăng tính kháng viêm, khiến các bạch cầu trung tính giảm di chuyển và nhờ đó ngăn ngừa sự phát sinh các chất nhầy không có lợi cho cơ thể.
Nếu kết hợp thịt gà với nấm sẽ càng làm tăng hiệu quả miễn dịch của bạch cầu và giúp món cháo trị cảm của mẹ càng thêm lợi hại. Mẹ có thể chọn loại nấm nào bé thích vì phần lớn các loại nấm đều tốt cho hệ thống miễn dịch.
Chuẩn bị:
- 100g thịt nạc gà cắt miếng nhỏ;
- 8 cái nấm rơm ngâm nước muối loãng;
- Hành tím băm và dầu mè.
Cách nấu:
Rang gạo cho hơi vàng và đổ nước vào nấu sôi. Trong lúc đợi gạo chín, đem thịt gà xào qua với hành tím băm. Sau khi gạo nở ½ hạt, cho thịt gà và nấm vào nấu thêm khoảng 15 phút. Nếu bé ăn được hành, cho hành vào ngay khi vừa múc cháo ra tô sẽ có tác dụng giải cảm rất hiệu quả.
Cháo thịt bò băm và lá tía tô
Khi bị ốm, nếu ăn nhiều thực phẩm giàu protein như trứng, hải sản… sẽ không tốt cho sức khỏe vì lúc này cơ thể không hấp thu hoàn toàn protein từ những loại thực phẩm trên. Điều đó có thể tác động không tốt đến hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu ăn với lượng vừa phải bằng những thực phẩm như thịt bò, thịt heo… sẽ giúp bé rút ngắn thời gian phục hồi.
Nếu thịt đỏ được kết hợp với lá tía tô sẽ càng tăng tác dụng trị cảm vì đây là loại lá có tính ấm, vị cay và là bài thuốc trị ho, cảm, tiêu đàm, khó thở, thở gấp… rất hiệu quả.
Chuẩn bị:
- 100g thịt nạc bò nạc
- 6 lá tía tô băm nhỏ
- Hành tím băm và dầu mè
Cách nấu:
Có hai cách: Một là mẹ nấu cháo thịt bằm như bình thường và cho tía tô băm nhỏ và sau cùng, khi cháo còn nóng. Hai là luộc lá tía tô khoảng 15 phút, sau đó chắt lấy nước và nấu cháo. Khi cháo sắp chín, cho thịt bằm đã xào sơ qua vào nồi và nêm nếm lại. Tuy nhiên, với cách này, mẹ cần phải tăng lượng lá tía tô lên thì mới có tác dụng nhé!
Cháo táo đỏ, bí ngô
Táo đỏ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh và tăng cảm giác thèm ăn của trẻ. Trong khi đó, bí đỏ lại chứa 2 loại vitamin hiếm có trong thực vật là vitamin K và vitamin T. Vitamin K dùng để tổng hợp protit của máu và mô xương. Vitamin T có tác dụng làm đông máu và tạo các tế bào máu, giúp ngừa thiếu máu, tăng hiệu quả trao đổi chất trong cơ thể. Chính vì vậy, mẹ có thể kết hợp bí đỏ với các loại thịt đỏ để tăng cường chức năng tiêu hóa và trao đổi chất.
Chuẩn bị:
- 1 miếng bí ngô cắt hạt lựu
- 100g táo đỏ ngâm nước nở trước khi nấu 10 phút
- 1 viên đường phèn
Cách làm:
Sau khi nấu cháo nở ½ hạt, cho bí ngô và táo đỏ vào nấu cùng. Khi cháo và bí mềm nhừ, cho đường phèn vào nêm.
Cháo cà chua và cá hồi
Các mẹ biết không, cà chua có thể giúp bé làm dịu cơn đau rát cổ họng đấy! Thêm nữa, cà chua có hàm lượng vitamin C cao nên có thể giúp bé cải thiện được hệ thống miễn dịch. Thêm cá hồi kết hợp cùng, bé sẽ càng có thêm sức đề kháng.
Chuẩn bị:
- 1 trái cà chua bỏ vỏ và bỏ hột
- 100g cá hồi
Cách làm:
Nấu cháo chín, sau đó cho cà chua băm nhỏ vào cùng. Khi sắp tắt bếp, cho cá hồi vào nấu thêm 3 phút.
Cháo yến mạch, việt quất, táo và dâu tây
Các thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao sẽ có tác dụng chống cảm lạnh, nhiễm trùng vì nó làm tăng khả năng miễn dịch, đẩy chất độc hại ra khỏi tế bào bạch cầu, khôi phục tế bào bị phá vỡ.
Chuẩn bị:
- 50g bột yến mạch
- 6 quả việt quất
- ½ quả táo
- 6 quả dâu tây
- 30ml sữa
Cách làm:
Nấu nước sôi, cho bột yến mạch vào khuấy đều, sau đó thêm trái cây và sữa vào.
Một vài lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh:
– Khi con bệnh, chỉ cho con ăn thức ăn lỏng để dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
– Cho bé uống nhiều nước lọc khi đang cảm, sốt để đẩy nhanh quá trình phục hồi
– Khi ngủ, thoa dầu ở lòng bàn chân, chỗ vị trí huyệt cốc và mang vớ cho trẻ
– Khi bé đổ mồ hôi, thay quần áo ngay cho bé để tránh bệnh thêm nặng
– Có thể cho bé xông hơi bằng nước lá hoặc dùng khăn ấm lau sạch mình bé
– Nếu không vệ sinh, bé có thể bị nhiễm trùng da, rôm sảy, ngứa ngáy, khó chịu và khiến tình trạng cảm cúm càng nghiêm trọng hơn.
– Nếu bé ho hoặc sổ mũi dài ngày, có thể dùng tắc chưng mật ong hoặc lê chưng mật ong để bé giảm triệu chứng.
Các mẹ nhớ nhé, bé bệnh thì phải cho đi khám hẳn hỏi vì mẹ không phải là bác sĩ để chỉ nhìn triệu chứng là đoán trúng phóc bệnh con.