Bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền mà một bữa ăn của hoàng đế tiêu tốn.
Có thể nói thời gian vừa qua là khoảng thời gian vàng của phim cung đấu, tiêu biểu là bộ phim Diên Hy Công Lược vừa kết thúc, và bây giờ là bộ phim cũng “hot” không kém Hậu Cung Như Ý Truyện. Qua các bộ phim này, chúng ta phần nào hiểu thêm về văn hóa của đất nước Trung Hoa thời phong kiến.
Nếu bạn đang theo dõi bộ phim Hậu Cung Như Ý Truyện do Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa đóng chính, liệu bạn có phát hiện ra rằng mỗi lần xuất hiện cảnh dùng bữa của hoàng đế, phi tần là một lần được chiêm ngưỡng những món ăn được đoàn làm phim chuẩn bị hết sức sang trọng và tinh tế?
Thực ra đó chỉ là một phần xa xỉ trong bữa ăn của các hoàng đế thời nhà Thanh xưa. Nếu như tính ra số tiền tương đương với ngày nay, thì chỉ riêng tiền ăn của hoàng đế trong một năm, con số tính được có thể đạt tới gần 60,5 tỷ đồng. Sở dĩ số tiền lớn như vậy là do thời nhà Thanh có rất nhiều quy tắc, trong đó có quy định mỗi bữa ăn được bày ra cho vua phải đủ 120 món.
Với số lượng như vậy, chỉ cần dùng mỗi món một miếng đã quá đủ no rồi. Lượng thức ăn bị thừa vô cùng nhiều, thêm nữa các nguyên liệu chế biến các món ăn cũng đều là những nguyên liệu cao cấp nhất, bát đĩa đựng đồ ăn cũng toàn là đồ dát vàng dát bạc… Vì vậy, việc bàn ăn của vua vô cùng tốn kém cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài việc ăn uống trong cung, thì mỗi lần ra ngoài luôn đem bên mình 2,3 đầu bếp hoặc thuê các đầu bếp ở địa phương để chuẩn bị một bàn ăn đúng quy tắc.
Không những đồ ăn cần phải tinh tế, nước mà vua dùng cũng phải là nguồn nước ngọt và tươi mát nhất. Thời vua Càn Long, để tìm ra nguồn nước tốt nhất, ngự thiện phòng đã vất vả đi tìm ở khắp nơi, sau đó đã tìm ra nguồn nước nằm ở núi Ngọc Tuyền. Kể từ đó, dù là đi đến bất cứ đâu, quân lính của Càn Long đều phải đem theo nước ở núi Ngọc Tuyền.
Trong cung đình ngày đó, đâu chỉ có riêng bữa ăn của hoàng đế là xa xỉ vô độ, bữa ăn của các phi tần và quan lại trong triều cũng đều làm từ những nguyên liệu thượng đẳng được người dân cống nạp.
Ngay cả hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi trong một cuốn sách viết về cuộc đời mình cũng đã nói rằng “Không có gì phô trương, xa xỉ bằng việc ăn uống”. Điều này cũng cho thấy sự sụp đổ của triều Thanh cũng không phải không có nguyên nhân.
Theo docxem