Đằng sau những lời tố cáo, chỉ trích của khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, tiếp viên hàng không cho rằng, rắc rối cũng xuất phát từ hành khách.
Đơn cử là chuyện cân nặng hành lý. Phần lớn khách hàng lợi dụng sơ hở về cách check-in hành lý trong sân bay để gian lận.
1. Tìm mọi cách để gian lận cân nặng hành lý
Chia sẻ trên trang cá nhân, hành khách N.B.C. cho biết, anh bay chuyến TP HCM – Huế của hãng Jetstar Pacific với giá vé 1,3 triệu đồng.
Theo quy định của hãng, khách chỉ được mang theo 7 kg hành lý xách tay, nếu nhiều hơn thì phải ký gửi. Số hành lý của N.B.C là 10 kg, dôi 3 kg so với quy định. Khi nhân viên check-in yêu cầu đóng 300.000 đồng cho số hành lý dôi dư này, anh N.B.C không đóng thêm mà lựa chọn bỏ bớt hành lý để trở lại check-in.
Thế nhưng, hoàn thành thủ tục check-in, anh quay trở lại, bỏ 3 kg hành lý vừa tháo bớt vào túi xách và lên máy bay.
Lý giải cho việc cố tình gian lận cân hành lý, anh này cho rằng, chọn hãng giá rẻ với vé 1,3 triệu đồng mà phải đóng 300.000 đồng cho 3 kg hành lý là điều không thể chấp nhận.
Không chỉ riêng N.B.C mà rất nhiều trường hợp khác cũng làm tương tự với hành lý dôi dư so với quy định khi đi máy bay giá rẻ.
Trao đổi với PV, anh Q.H, tiếp viên của một hãng hàng không giá rẻ cho hay, việc hành khách cố tình gian lận trọng lượng hành lý xách tay không phải là chuyện hiếm gặp trên các chuyến bay của anh.
H cho biết, việc khách hàng cố tình gian lận số kg hành lý xách tay tiếp viên biết hết. Nhưng nếu khách qua được cửa check-in lên máy bay thì dù biết chắc chắn chiếc vali hay túi xách của khách nặng hơn 7 kg, thậm chí là 10-12 kg tiếp viên hàng không cũng nhắm mắt, cho qua.
“Có nhiều trường hợp, một chiếc vali quá to, khách nhờ để lên kệ hành lý, mình nâng lên thì chắc chắn là hơn 10 kg. Song vì khách đã lên máy bay rồi, tiếp viên cũng không thể làm gì hơn ngoài giúp họ sắp xếp gọn vào nơi để hành lý. Nếu trường hợp không còn chỗ để mới buộc tiếp viên phải yêu cầu đội kiểm tra rồi dán tem số ghế và mang xuống khoang máy bay, điều này dĩ nhiên cũng không tốn phí”, Q.H cho hay.
Theo chia sẻ của các tiếp viên, nhiệm vụ của một tiếp viên là hỗ trợ, phục vụ để đảm bảo cho chuyến bay được vận hành tốt hơn. Trong quy định của hãng, tiếp viên không có nhiệm vụ xếp hành lý lên kệ cho khách, mà hành khách ngồi ở ghế nào thì phải tự để hành lý trên kệ riêng của mình, trừ trường hợp người già, phụ nữ mang thai thì tiếp viên chủ động hỗ trợ. Nhưng nhiều hành khách luôn có thái độ “thượng đế”, lên máy bay bỏ hành lý ngay lối đi và yêu cầu tiếp viên sắp xếp.
“Đối với đa số tiếp viên hàng không họ sẽ vui lòng làm việc đó, nhưng cũng có một số người sẽ không làm mà yêu cầu khách tự ‘phục vụ’. Cũng vì vậy mà có trường hợp khách khó chịu, phản ứng, thậm chí phản ánh lên hãng, dù chúng tôi không sai”, một tiếp viên nữ khác nói.
2. Bất chấp quy định an toàn bay
Để đảm bảo cho chuyến bay được an toàn, các hãng bay trước khi cất cánh đều có quy định cụ thể từng trường hợp cho hành khách: như cách thắt dây an toàn, không sử dụng các thiết bị điện tử trong lúc bay, sử dụng mặt nạ, áo phao,… Nhưng nhiều hành khách cố tình làm sai quy định.
Cụ thể, Q.H cho biết, rất nhiều hành khách dù đã được thông báo cấm hút thuốc trên các chuyến bay, nhưng vẫn cố tình vào nhà vệ sinh của máy bay, dùng vải bịt hệ thống báo cháy lại và hút thuốc.
Dĩ nhiên trong nhà vệ sinh thì tiếp viên hàng không sẽ không can thiệp được. Và sau mỗi lượt khách vào nhà vệ sinh thì tiếp viên phải dọn sạch để cho khách tiếp theo sử dụng.
“Không ít lần chúng tôi vào nhà vệ sinh và chứng kiến cảnh tàn thuốc vương vãi khắp sàn, hệ thống báo khói bị bịt kín. Tất nhiên khi phát hiện, khách sẽ bị lập biên bản và phạt hành chính. Hút thuốc trên máy bay bị phạt 2-3 triệu đồng một lượt, nhưng cũng không dễ bắt quả tang và xử phạt những hành khách cố tình vi phạm”, Q.H cho hay.
Ngoài ra, khá nhiều khách tự xé áo phao khi chưa có quy định sử dụng. Và khi tự xé áo phao trong các trường hợp không cần thiết, hành khách bị phạt 1-2 triệu đồng.
“Áo phao chỉ sử dụng cho trường hợp hạ cánh khẩn cấp trên biển, nhưng hành khách cứ tự động xé áo phao phía bên dưới để mặc thì sẽ bị phạt. Nhưng nếu không phạt được hành khách vi phạm thì tiếp viên trên chuyến bay đó phải tự bỏ tiền túi ra trả cho chiếc áo phao bị xé đó”, tiếp viên Q.H nói thêm.
Câu chuyện xả rác bữa bãi trên máy bay là điều khiến các tiếp viên đau khổ nhất. Theo chia sẻ của một nữ tiếp viên mới vào nghề ở hãng Vietjet, trên khá nhiều chuyến bay, chị liên tục nhắc nhở nhưng khách hàng vẫn vô tư xả rác bừa bãi, thậm chí nôn ói ra sàn, trong khi mỗi ghế máy bay đều có túi ói cho khách sử dụng.
Một điển hình khiến các tiếp viên hàng không dở khóc dở mếu là khách đi máy bay thường sử dụng bánh mì để ngửi, nhằm tránh say. Khách bẻ vụn bánh mì, xả vương vãi ra khắp sàn. Còn một số hành khách đi lần đầu bị say, chưa biết cách sử dụng túi nôn thì cứ nôn thẳng ra sàn. Và tiếp viên phải làm nhiệm vụ lau dọn hết.
“Nhiều trường hợp tiếp viên phải nhắc nhở khách về chuyện mở nhạc quá lớn, ảnh hưởng đến các hành khách khác, nhưng hành khách vẫn không quan tâm lời nhắc nhở của tiếp viên. Có lần trên chuyến bay TP HCM – Hà Nội, một hành khách nữ cố tình sử dụng điện thoại cho đến khi máy bay chuẩn bị cất cánh, dù đã nhắc nhiều lần nhưng vẫn không tắt máy. Khi đó, chúng tôi phải quay vào nhờ an ninh mặt đất xử lý”, nữ tiếp viên này kể.
Cũng vì vậy mà trên thực tế, đa số tiếp viên hàng không thích phục vụ khách nước ngoài hơn là khách Việt. Những khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… họ ý thức rất tốt khi đi máy bay, hầu như không để tiếp viên phải nhắc nhở, nên đa phần tiếp viên thấy thoải mái hơn khi bay trên những chuyến bay quốc tế.
“Việc một số khách hàng cho rằng, hãng bay giá rẻ thì tương ứng với dịch vụ rẻ tiền chúng tôi không hoàn toàn đồng ý. Vì giá rẻ thì cắt tối đa mọi chi phí bay đi máy bay, như không phát mền cho khách, không phục vụ ăn uống hoặc hạn chế hơn. Nhưng hãng bay vẫn có phục vụ nếu khách yêu cầu. Còn cách phục vụ vẫn như nhau, vẫn đảm bảo an toàn bay cho khách. Việc vui vẻ giúp đỡ, phục vụ hành khách là trách nhiệm của tiếp viên”, Q.H nói.